Hội thảo với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột, tập đoàn cà phê Trung Nguyên, các chuyên gia kinh tế, du lịch đầu ngành của cả nước và một số thành phố khu vực Tây Nguyên và lân cận, như thành phố Đà Lạt, Gia Nghĩa, Gia Lai, Kon Tum, Nha Trang, Tuy Hòa với khoảng 300 đại biểu tham dự, trong đó có các nhà khoa học, chuyên gia thuộc các lĩnh vực xây dựng cơ chế chính sách, kinh tế, xây dựng thương hiệu, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật…
Thực hiện Kết luận số 67/KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 của Chính phủ về Chương trình Hành động thực hiện Kết luận số 67/KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/4/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Được sự nhất trí của UBND tỉnh Đắk Lắk, UBND thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết: “Thành phố Buôn Ma Thuột rất mong nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý từ các nhà khoa học, các chuyên gia cố vấn, các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương về ý tưởng về Thành phố cà phê gồm không gian kiến trúc, vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, giao dịch, phát triển kinh tế, làm giàu từ cà phê, là điểm đến của những người yêu mến và trải nghiệm về cà phê. Từ đó, Thành phố sẽ cụ thể hóa những giải pháp mang tính thiết thực, chính sách có tính đột phá, đề ra các tầm nhìn chiến lược để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một trong những trung tâm cà phê của thế giới, một điểm đến của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, tài chính, kinh doanh. Đồng thời xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột có tính khác biệt trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc”
Đặc biệt, hội thảo lần này đi sâu thảo luận, đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, thảo luận về thực trạng hoạt động du lịch, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với thương hiệu cà phê, về quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối liên vùng theo định hướng xây dựng thương hiệu “Thành phố cà phê”.
Đồng thời định hướng phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với di tích Quốc gia, phù hợp với các nguồn lực và có tính khả thi cao; đề xuất các mô hình tiên tiến về công nghệ và tài chính để Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm giao dịch và quảng bá cà phê toàn Thế giới, đề xuất giải pháp cải tạo, chỉnh trang, thiết kế đô thị, theo định hướng tạo bản sắc riêng cho thành phố Buôn Ma Thuột; triển khai chính sách khuyến khích người dân tham gia xây dựng phát triển thương hiệu “Thành phố cà phê của Thế giới”, cơ chế chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và kinh doanh cà phê, cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố.
Đình Việt