20/01/2025 lúc 21:44 (GMT+7)
Breaking News

PGS, TS Đỗ Minh Cương: Văn hóa doanh nghiệp - tài sản vô hình

VNHNO - Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình, phần “hồn” của doanh nghiệp góp phần tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thị trường cạnh tranh như hiện nay, doanh nghiệp muốn đứng vững và vươn cao càng đòi hỏi phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bắt đầu từ văn hóa doanh nhân.

VNHNO - Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình, phần “hồn” của doanh nghiệp góp phần tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thị trường cạnh tranh như hiện nay, doanh nghiệp muốn đứng vững và vươn cao càng đòi hỏi phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bắt đầu từ văn hóa doanh nhân.

PGS, TS Đỗ Minh Cương, Phó viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, đã có những chia sẻ với phóng viên xung quanh câu chuyện này.

Phóng viên (PV): Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, xây dựng văn hóa doanh nhân được coi là việc quan trọng. Vậy, những yếu tố nào tạo nên văn hóa doanh nhân, thưa ông?

PGS, TS Đỗ Minh Cương: Văn hóa doanh nhân là một yếu tố của văn hóa kinh doanh, có quan hệ với văn hóa doanh nghiệp. Khi nói đến văn hóa kinh doanh Việt Nam, người ta nói đến văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử trong kinh doanh, trong đó, văn hóa doanh nhân là bộ phận quan trọng nhất.

Thực chất văn hóa doanh nhân là nhân cách, phẩm chất tiêu biểu nhất của doanh nhân thỏa mãn những tiêu chuẩn văn hóa. Tức là, thứ nhất, phải được đại đa số cấp dưới và quần chúng nhân dân ủng hộ, thừa nhận một cách tự nhiên.

Thứ hai, văn hóa doanh nhân thực chất là những giá trị có tính bền vững, mang tính tinh hoa truyền thống của những doanh nhân khác nhau ở một thời kỳ lịch sử, mang tính tiêu biểu, có tính bản sắc của địa phương, dân tộc, có thể dùng trong giáo dục để nêu gương, học tập.

Thứ ba, khi nói đến văn hóa doanh nhân, những phẩm chất, hành vi đạo đức của họ phải thỏa mãn tính chân-thiện-mỹ, có tính giá trị, thể hiện sự tử tế, nhân ái, đẹp cả trên khía cạnh mỹ học.

Hiện nay, có nhiều quan điểm về văn hóa doanh nhân khác nhau, phổ thông nhất là khái quát thành những đặc điểm tiêu biểu của người kinh doanh. Ví dụ, tôi từng viết, doanh nhân Việt Nam có phẩm chất cơ bản nhất là đức-trí-thể-phát, tức là đạo đức-trí tuệ-sức khỏe-phát triển. Hoặc theo quan điểm của GS Phùng Xuân Nhạ thì là những phẩm chất: Đức-trí-thể-lợi.

Trong cuốn “Doanh nhân và văn hóa doanh nhân” của tác giả Nguyễn Viết Lộc lại quan niệm doanh nhân là người dám chấp nhận rủi ro, mạo hiểm, có khát vọng, có khả năng tìm kiếm, tạo dựng, nắm bắt cơ hội, độc lập, quyết đoán, tự tin, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có thành quả kinh tế bền vững.

PGS, TS Đỗ Minh Cương

Jim Collins-tác giả cuốn “Từ tốt đến vĩ đại” cho rằng, một trong những phẩm chất của những doanh nhân có thể khiến công ty trở nên vĩ đại là người lãnh đạo rất khiêm tốn, ít nói về mình nhưng quan tâm đến nhân viên và họ không bao giờ cho rằng doanh nghiệp mình hàng đầu, ngôi sao... không thỏa mãn với điều đó mà luôn chấp nhận thách thức mới.

Nhân cách doanh nhân điển hình tiêu biểu cho cả vùng, dân tộc thì có thể coi là yếu tố thuộc về văn hóa doanh nhân. Thực chất nó bao gồm cả 3 yếu tố cơ bản hợp thành là đức (tâm)-tầm-tài, có người quan niệm cần thêm trí-dũng. Vẫn là cách tiếp cận tìm ra những phẩm chất cơ bản của con người làm nghề này giúp họ thành công và có tầm ảnh hưởng đến xã hội.

PV: Vậy, văn hóa doanh nhân có ý nghĩa thế nào đối với văn hóa doanh nghiệp, thưa ông?

PGS, TS Đỗ Minh Cương: Doanh nhân tiêu biểu nhất là người sáng tạo, lãnh đạo doanh nghiệp, định hình văn hóa doanh nghiệp; doanh nhân là người xác định triết lý kinh doanh, là tấm gương đạo đức với đội ngũ nhân lực. Vậy nên tầm ảnh hưởng của họ rất lớn. Cái tâm-tài của doanh nhân quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp. Họ có thể truyền cảm hứng, nhưng nếu không gương mẫu thì văn hóa doanh nghiệp rất khó đi vào cuộc sống.

Nếu doanh nhân có tâm-tài-trí-dũng thì khát vọng của họ lớn, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn vươn tầm để nâng chất lượng cuộc sống người lao động của doanh nghiệp, cho người Việt Nam, cho dân tộc. Cách lựa chọn ngành nghề kinh doanh, cách điều hành, tầm nhìn của doanh nhân sẽ quyết định doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nào, theo quan điểm triết lý kinh doanh như thế nào.

Doanh nhân có văn hóa với những phẩm chất sẽ có tầm nhìn xa và dần dần họ thấy muốn kinh doanh phát triển bền vững, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp và truyền thông rất rõ tới nhân viên để họ thấu hiểu tầm nhìn sứ mệnh của mình và như thế sẽ tạo ra nguồn nhân lực có chung ý chí, cùng giá trị.

Ta biết, quyết định thành công của doanh nghiệp chính là con người, năng lực doanh nghiệp là năng lực của những người thấm đẫm văn hóa doanh nghiệp. Khi những con người ấy mang tư tưởng, giá trị người lãnh đạo thì có sức mạnh, động lực phấn đấu và cái tâm-tầm-tài của người lãnh đạo được phát triển, tạo ra những công ty phát triển bền vững, vĩ đại.

Còn một điều ít người nói là văn hóa doanh nhân còn có tác dụng kiềm chế lòng tham, tự mãn của cá nhân, tạo cơ chế phanh hãm để người ta tránh sai lầm dẫn đến đổ vỡ doanh nghiệp. Nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng (nay là quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) có nói: Khi Viettel thành công rồi, cái cản trở lớn nhất của Viettel chính là Viettel.

Ở văn hóa doanh nhân là tự nói, tự hành động; ở văn hóa doanh nghiệp là khi nói ra như giá trị công bố, nhưng có trở thành văn hóa hay không thì lại do hành vi, suy nghĩ của đội ngũ cán bộ, nhân viên.

Vì vậy, để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì trước hết doanh nhân phải làm được và truyền cảm hứng cho mọi người cùng làm. Văn hóa doanh nghiệp bắt đầu từ văn hóa doanh nhân. Văn hóa doanh nghiệp là cái mở rộng, cụ thể hóa, là xung lực để truyền văn hóa doanh nhân đến mọi thành viên trong doanh nghiệp.

PV: Theo ông, quan niệm về việc xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp ở nước ta hiện nay như thế nào?

PGS, TS Đỗ Minh Cương: Đa số doanh nhân hiện nay hiểu về văn hóa doanh nghiệp hơi phiến diện, có người cho đó là phong trào cần theo. Nhưng để xây dựng văn hóa doanh nghiệp bài bản cần có 3 tầng: Tầng bề nổi bên ngoài; tầng tư tưởng, triết lý; tầng quan trọng nhất, quyết định thành công của doanh nghiệp là hành vi, suy nghĩ của cán bộ, nhân viên có chấp nhận, phát huy được tư tưởng người lãnh đạo ở tầng thứ hai hay không.

Đa số doanh nghiệp thuộc nhóm thứ nhất-chỉ chú trọng được tầng bề nổi, là sự lịch sự, nghi lễ, khang trang hình thức bên ngoài. Điều đó cũng cần thiết nhưng không làm được hai chức năng quan trọng của văn hóa doanh nghiệp là đào tạo ra đội ngũ nhân viên có phong cách chung và dùng làm công cụ để quản trị kinh doanh hằng ngày.

Một số người quan niệm văn hóa doanh nghiệp là phong trào, tổ chức những hoạt động vui chơi, văn hóa, thể thao… nhưng sau đó họ nhận ra xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải làm đầy đủ và đầu tư bài bản.

Đây là nhóm thứ hai. Ông Nguyễn Đức Tài, chủ của chuỗi hơn 1.000 cửa hàng Thế giới di động trên cả nước, có lần nói: “Khi mới thành lập doanh nghiệp, 5 năm đầu ai nói đến văn hóa doanh nghiệp là tôi đút tay túi quần bỏ đi, coi đấy là cái rất xa vời, tôi chỉ quan trọng là có được khách hàng. Nhưng sau này, tôi nhận thấy chính vì không xây dựng văn hóa doanh nghiệp nên nhiều người tài đã bỏ đi dù tôi đối đãi tử tế. Lúc ấy tôi mới tỉnh ngộ và bắt đầu xây dựng văn hóa doanh nghiệp rất bài bản…”.

Nhóm này có hai cách tiếp cận: Một là lãnh đạo nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp và xây dựng từ đầu; hai là xây dựng sau một số năm đầu hoạt động.

Nhóm thứ ba là loại kinh doanh phi văn hóa. Với những doanh nhân này có thể giàu trong thời gian ngắn, có thể dùng thủ đoạn, vô đạo đức, vi phạm pháp luật. Cách này không bền vững. Họ không thấu hiểu sức mạnh văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là sức mạnh niềm tin với chủ thể của khách hàng. Khi niềm tin mất rồi rất khó xây dựng lại, thậm chí làm mất niềm tin của cả ngành hàng, địa phương, quốc gia.

PV: Chúng ta hay nói tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vậy nó được thể hiện thế nào, thưa ông?

PGS, TS Đỗ Minh Cương: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thực ra là trách nhiệm mà khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh phải tuân thủ những quy định pháp luật, có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng, quốc gia, bao gồm 4 nghĩa vụ:

Thứ nhất là nghĩa vụ kinh tế với xã hội, trước tiên là trả lương đảm bảo đời sống cho nhân viên, đóng thuế, bảo vệ môi trường; thứ hai là nghĩa vụ pháp lý, đảm bảo tuân thủ luật pháp trong quá trình hoạt động doanh nghiệp;

Thứ ba là nghĩa vụ đạo đức, tức là kinh doanh bằng sự tử tế, không làm việc có hậu quả không tốt dù pháp luật không cấm; thứ tư là nghĩa vụ nhân văn, thực chất là đưa văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp hiện thực ra xã hội bằng hành vi, hoạt động cụ thể.

Nó ở tầm cao hơn, vượt qua phạm vi đạo đức là trả ơn cộng đồng bằng hoạt động thiện nguyện, đóng góp cho sự phát triển cộng đồng. Cấp độ cao nhất của nghĩa vụ này mà ở Việt Nam chưa làm được, đó là cống hiến tài sản của mình cho cộng đồng như Bill Gates và nhiều tỷ phú Mỹ đã vận động phong trào cho đi một nửa, hiến tài sản của mình cho cộng đồng sau khi qua đời.

Văn hóa, pháp luật mang bản sắc của dân tộc, tộc người có thể khác nhau nhưng thứ giao nhau giữa những giá trị đạo đức, văn hóa, pháp luật là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội là yếu tố củng cố văn hóa kinh doanh.

Thực hiện trách nhiệm xã hội giúp bổ sung cho văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, như là sản phẩm phái sinh, cụ thể hóa của văn hóa doanh nghiệp. Tất cả cộng lại làm nên giá trị thương hiệu, nâng tầm giá trị thương hiệu, nói đơn giản là tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

PV: Theo ông, bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đặt ra yêu cầu gì cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam?

PGS, TS Đỗ Minh Cương: Khó khăn, thách thức đặt ra cho doanh nghiệp Việt trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 rất nhiều, nhưng có hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất, phải tạo ra sản phẩm có công nghệ cao, là sản phẩm tinh hoa, đủ tiêu chuẩn nền công nghiệp 4.0 như: Phải bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch thông tin, mức tiêu hao nhiên liệu ít…

Thế nhưng, hạn chế của người Việt theo nhiều người quan niệm là lời nói và việc làm thường khác nhau; người Việt linh hoạt nhưng nhìn chung tác phong lề mề, chậm chạp, kỷ luật kém. Bên cạnh đó, thể chế, pháp luật Nhà nước còn chưa đầy đủ, việc ra quyết định lâu;

Sự tập trung công nghệ 4.0 trong kết nối doanh nghiệp-nhà nước, doanh nghiệp-doanh nghiệp, công nghệ-con người còn yếu; ảnh hưởng ở môi trường vĩ mô như chiến tranh thương mại, bất ổn chính trị, an ninh…

Vì vậy, yếu tố thứ hai là người Việt phải phát huy được năng lực linh hoạt, thông minh, sáng tạo, tinh thần yêu nước, cố kết cộng đồng... là sức mạnh trí tuệ-nguồn lực quan trọng nhất trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời loại bỏ văn hóa xấu, trái nguyên tắc của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như làm việc đại khái, không kỷ luật.

Và xuyên suốt chi phối của hai yếu tố ấy thể hiện ở cả cán bộ, nhân viên là tư duy và thái độ làm việc. Vì vậy, phải thay đổi nhận thức, phải nhận thức được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để đưa ra những chuẩn mực phù hợp trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp./.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Qdnd.vn