VNHN - Tại Hà Nội vừa diễn ra hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” được tổ chức dưới sự chủ trì của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Tham dự hội thảo có Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế và nông nghiệp, tham tán thương mại các nước thành viên CPTPP và đại sứ quán.
Sức ép để ngành nông nghiệp nâng cao năng lực
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhận định, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực hiện sẽ tiếp tục tác động sâu sắc hơn nữa đến sản xuất nông nghiệp, đến nông dân, bởi đây là Hiệp định Thương mại Tự do lớn thứ 3 trên thế giới.
Theo Chủ tịch Thào Xuân Sùng, hiệp định CPTPP được ghi nhận là hiệp định có tiêu chuẩn cao, toàn diện và cân bằng. Vì vậy, Việt Nam sẽ được nhiều hơn mất và chắc chắn cán bộ và người dân sẽ được nâng cao trình độ canh tác nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Vì vậy, chúng ta phải nhận thức được thuận lợi, cơ hội, cũng như khó khăn, thách thức, nhất là lĩnh vực thương mại nông sản khi Việt Nam ngày càng đi sâu vào CPTPP để giành được những thắng lợi to lớn và có lợi cho người nông dân”, ông Thào Xuân Sùng nói.
Là một Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, CPTPP được dự báo sẽ có tác động toàn diện đến các hoạt động kinh tế, xã hội của Việt Nam, trong đó nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng và được dự báo chịu tác động lớn cả tích cực và tiêu cực
Theo đó, về cơ bản, CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều ngành hàng, trong đó có nông sản Việt, nhất là các thị trường mà Việt nam chưa có FTA song phương như Canada, Mexico, Peru, Australia nhờ những ưu đãi về thuế quan. Đồng thời, các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, lao động… cũng sẽ là động lực, sức ép để ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. CPTPP cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư (cả FDI và tư nhân) cho nông nghiệp.
Bên cạnh đó, khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ thì hàng rào kỹ thuật sẽ nghiêm ngặt và khắt khe hơn. Chính vì vậy, CPTPP cũng đặt ra không ít thách thức đối với một ngành vẫn còn nhiều manh mún, chất lượng sản xuất nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém như ngành nông nghiệp Việt Nam.
EVFTA - cú huých mới
Ngày 30/6 vừa qua, Việt Nam - EU đã chính thức ký hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức và mở ra một thị trường lớn cho nông sản.
Hiệp định EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú huých rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Theo Bộ Công Thương, những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Như vậy cùng với CPTPP, EVFTA đã đưa Việt Nam trở thành một nước hội nhập sâu rộng với thế giới. Đứng trước những cơ hội to lớn như vậy, Việt Nam cần phải nhận diện cơ hội, thời cơ, thách thức, khó khăn như thế nào khi CPTPP, EVFTA tác động đến sản xuất, tiêu thụ nông sản của Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc cần làm ngay để Việt Nam vươn mình trở thành một nền kinh tế nông nghiệp lớn mạnh trên thế giới, nhận diện những thuận lợi và khó khăn. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chú trọng thảo luận về việc làm thế nào để nông sản Việt Nam xuất khẩu được sang các thị trường lớn như EU, các nước trong khối CPTPP?
Nông dân Việt Nam cần chuẩn bị gì để bước vào cánh cửa hội nhập? Kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới đối với tiêu thụ nông sản cho nông dân và vận dụng vào Việt Nam? Làm gì để nông sản Việt Nam phát huy tối đa lợi thế và hạn chế tối đa bất lợi?...
Ngoài ra, hội thảo cũng tập trung bàn bạc về phương thức kết nối cung - cầu và tiếp cận chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, phương thức tiếp cận các thị trường khu vực đối với nông sản Việt, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, có quy mô và tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, các đại biểu cũng chú trọng thảo luận vấn đề xây dựng, vận hành các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp là những nhiệm vụ trọng tâm mà Việt Nam cần quyết liệt triển khai.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP là một thị trường lớn với tổng dân số khoảng 500 triệu người, tổng giá trị GDP năm 2018 là 11.000 tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP và 14% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.
Ngày 14/1, CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam - thành viên thứ 7 của Hiệp định. CPTPP cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng 78 - 95% số dòng thuế và cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước.