VNHN-Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bộ NN-PTNT, hiện nay nhiều thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam đang tăng cường hàng rào kỹ thuật kiểm soát hàng nhập khẩu. Hàng Việt đang gặp nhiều khó khăn hơn trên chặng đường xuất khẩu.
Các nước thắt chặt hàng rào kỹ thuật
Ngoài yêu cầu các lô hàng phải được cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật mới được nhập khẩu, gần đây, nhiều thị trường còn yêu cầu hàng xuất khẩu phải chứng minh được quản lý theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc từ quá trình sản xuất đến xuất khẩu. Ngoài ra, các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia còn đặt ra những quy định chặt chẽ, đặc biệt là đối với các loại quả tươi.
Ông Lâm Thành Kiệt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Vinacam, chia sẻ Vinacam đã đầu tư công nghệ cao từ sản xuất, quản lý đồng ruộng, thu hoạch đến công nghệ sau thu hoạch, chuyên xuất khẩu gạo vào thị trường EU khó tính, vậy nhưng tại Trung Quốc vẫn chưa mở rộng thị trường được.
Trung Quốc hiện đang thắt chặt và tăng cường kiểm tra kỹ thuật hàng nhập khẩu. Cái khó là không có nhiều thông tin để tiếp cận các quy định về kiểm tra và luật kiểm dịch thực vật của nước này. Vinacam đã cử nhân viên sang từng nước tìm hiểu, đồng thời phối hợp với đối tác nhập khẩu cử chuyên gia về Việt Nam tập huấn, để tiếp cận được các yêu cầu về kỹ thuật đang được dựng lên ngày càng nhiều hơn ở nhiều nước.
Thanh long xuất khẩu qua các nước châu Âu cần phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Mặc dù đã có thị trường xuất khẩu hơn 15 nước, ông Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm, cho biết việc mở rộng thêm nhiều thị trường nữa cho hoa Đà Lạt cũng gặp trở ngại do nhiều rào cản. Với xu thế hội nhập, nhiều nước đã mở cửa, nhưng việc xuất nhập khẩu cần phải đàm phán giữa chính phủ 2 nước.
Đơn cử với thị trường New Zealand, công ty đã gởi hồ sơ lên Cục BVTV từ năm 2013 để được hướng dẫn, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. “Những chuyến công tác nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước cần mở rộng cho nhiều doanh nghiệp tham gia để dễ dàng tìm hiểu quy định nước này thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại”, ông Nguyễn Văn Bảo đề nghị.
Mở lớp tập huấn, tạo thuận lợi cho DN
Năm 2018 là năm xuất khẩu nông sản tăng trưởng mạnh. Để có một năm 2019 tăng trưởng tốt hơn trong lĩnh vực này, ngành nông nghiệp Việt Nam, các DN nông sản xuất khẩu cần chuẩn bị những gì?
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, quan trọng hơn hết là DN phải tăng cường công đoạn chế biến, đó cũng chính là con đường duy nhất gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu.
Chung quanh kiến nghị của các DN về yêu cầu của nhiều quốc gia đòi phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho rau, quả tươi xuất khẩu, nhưng Việt Nam chưa quy định đơn vị nào cấp giấy này, Cục BVTV cho biết đã giao Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II chịu trách nhiệm về vấn đề này. Để tránh hàng hóa xuất nhập khẩu gặp trục trặc làm tốn chi phí lưu bãi và thời gian, Cục BVTV thường xuyên mở các lớp phổ biến luật, cũng như quy định mới từ các nước nhập khẩu.
Thời gian qua, tình trạng các mặt hàng nhập khẩu về Việt Nam bị nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật khá phổ biến. Để thuận tiện cho các DN, cục sẽ đàm phán với các quốc gia để kiểm soát chặt chẽ hơn việc đáp ứng các quy định kiểm dịch thực vật với hàng hóa nhập khẩu theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, các DN cần phải liên kết với đơn vị nhập khẩu từ nước ngoài tạo chuỗi toàn cầu để đáp ứng hàng rào kỹ thuật mới về sản xuất chuỗi, truy xuất từ gốc.
Để thuận lợi, các DN xuất khẩu cùng một nước, cùng chung lĩnh vực, ngành hàng cần phải liên kết với nhau, bổ sung những điều cần thiết để chia sẻ thông tin các quy định mới từ nước này.
“Chính chúng ta thiếu đi sự liên kết, gắn kết nhau, nên vô tình đã đánh mất năng lực cạnh tranh với đối thủ nước khác”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.
Song điều nhiều DN băn khoăn nhất và mong mỏi nhất, đó là các cơ quan quản lý cần năng động, nhanh nhạy hơn trong việc cập nhập quy định mới từ các thị trường nhập khẩu và triển khai nhanh để hỗ trợ DN xuất khẩu, nhất là các yêu cầu về thủ tục.
Cũng rất cần thiết sự đầu tư đổi mới thiết bị và ứng dụng công nghệ để thủ tục xuất khẩu đơn giản hơn, giúp DN rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục thông quan. Có như vậy, con đường “xuất ngoại” của nông sản Việt mới thêm thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu đề ra của Chính phủ.
Tại thị trường trong nước, doanh nghiệp (DN) nhập khẩu nông sản để chế biến xuất khẩu cũng than thở vì nhiều quy định nhiêu khê. Trường hợp gần đây nhất là nhiều DN nhập khẩu hạt điều thô phải tăng chi phí để kiểm tra từng container xem có côn trùng bên trong hay không.
Ông Nguyễn Huy Tiến, đại diện cho Công ty TNHH Thảo Nguyên, cho hay từ tháng 10-2018, sau khi phát hiện một vài container hạt điều thô từ châu Phi nhập khẩu có côn trùng gây hại tới môi trường Việt Nam, thì Cục BVTV kiểm tra toàn bộ lô hàng hạt điều thô từ các nước châu Phi.
Để có thể kiểm dịch, công ty phải tăng thêm 80% chi phí vận chuyển sang kho chuyển hóa để mở cửa lấy mẫu. Điều vô lý ở đây là các công ty nhập khẩu hạt điều đều có nhà máy xử lý diệt côn trùng khi điều nhập vào kho, do đó không nhất thiết phải kiểm tra tại cảng. Thậm chí, nhiều container do kiểm tra phải tốn thêm tiền phí lưu bãi.