VHNH - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương; Tổ chúc tài chính quốc tế IFC; Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức vào sáng 05/3/2019 tại Hà Nội.
Diễn đàn đã thu hút hơn 300 đại biểu của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội tham dự nhằm trao đổi thông tin, xúc tiến giao thương giữa các doanh nghiệp với các cơ quan tổ chức quốc tế
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Diễn đàn
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, năm 2018 ngành nông nghiệp đã vượt qua các khó khăn, thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra như: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76% giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86% (trong đó nông nghiệp tăng 2,91%, lâm nghiệp tăng 6,09%, thủy sản tăng 6,5%), kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD với thặng dư thương mại khảng 8,72 tỷ USD.
Cho đến nay, Việt Nam cơ bản đã sản xuất đủ lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân và chúng ta trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trong khu vực. Tiêu biểu trong năm 2018, nông sản nước ta đã xuất khẩu sang 185 nước với giá trị đạt 40 tỷ USD thuộc 10 nhóm ngành hàng, thứ hạng có giá trị xuất khẩu đạt 1 tỷ USD. Điều này đã góp phần cải thiện bước lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá chủ quan bởi cho đến nay năng suất lao động, thu nhập đối với người nông dân của Việt Nam còn thấp mà một trong những nguyên nhân đó là việc tổ chức sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào những hộ kinh doanh nhỏ lẻ với quy mô rất nhỏ.
Các Đại biểu chủ trì Diễn đàn
Ông Nguyễn Xuân Cường nhận định, năm 2019, ngành nông nghiệp sẽ gặp một số khó khăn, thách thức trong sản xuất và tiêu thụ nông sản như: Nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế; thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản; thị trường đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.
Hiện nay các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, Eu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm (2016 – 2020); Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp đều cao hơn năm 2018 như: Tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD.
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của rất nhiều đại biểu
Để tiếp túc phát triển mạnh trên con đường hội nhập trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ: Cần phải tháo gỡ tồn tại của những nút thắt để hình thành các khâu sản xuất tập trung lớn hàng hóa, khắc phục sự biến đổi của khí hậu, mở rộng thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực gồm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển hợp tác xã; xây dựng các mô hình theo chuỗi; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN, triển khai các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cách mạng 4.0,… Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi gian lận, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa nông sản nhằm giữ uy tín cho hàng hóa nông sản của Việt Nam cả thị trường trong nước và quốc tế./.