11/01/2025 lúc 23:50 (GMT+7)
Breaking News

Thương hiệu nông sản không chỉ là cái logo

VNHN – Phát biểu tại Diễn đàn "Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019", PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng xây dựng thương hiệu cho nông sản không đơn thuần là chỉ có logo, một cái tên mà là tạo dựng niềm tin, uy tín. Tuy nhiên điều này các hiệp hội, hợp tác xã đã làm nhưng gần như chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

 

VNHN – Phát biểu tại Diễn đàn  "Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019", PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng xây dựng thương hiệu cho nông sản không đơn thuần là chỉ có logo, một cái tên mà là tạo dựng niềm tin, uy tín. Tuy nhiên điều này các hiệp hội, hợp tác xã đã làm nhưng gần như chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Ảnh minh họa 

Phát triển thương hiệu nông sản không chỉ dừng lại ở cái logo

PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển thương hiệu là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ông Thịnh cho biết hiện nay việc hiểu và cách làm để xúc tiến thương hiệu nông sản Việt Nam cần phải tăng cường hơn nữa. Theo PGS .TS Nguyễn Quốc Thịnh, hầu hết nông sản trong nước khi xuất khẩu không được mang thương hiệu của đơn vị sản xuất, chế biến, phân phối mà chỉ được gắn mác "Made in Viet Nam".

Ông Thịnh phân tích điều này tiềm ẩn rủi ro: "100 doanh nghiệp cùng sản xuất, chỉ cần 1 doanh nghiệp có vấn đề là cả ngành nông nghiệp Việt Nam mang tiếng"

PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng xây dựng thương hiệu cho nông nghiệp không đơn thuần là chỉ có logo, một cái tên mà là tạo dựng niềm tin, uy tín. Điều này các hiệp hội, hợp tác xã đã làm nhưng gần như chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng xây dựng thương hiệu không chỉ dừng ở việc hô hào khẩu hiệu, gắn nhãn mác nông sản sạch mà cần phải tập trung hơn nữa vào chất lượng.

"Cũng giống như chuyện một cửa hàng bán rau sạch, sau 3, 4 lần người tiêu sử dụng sản phẩm của cửa hàng đó thấy ngon thật chắc chắn người ta sẽ quay lại và hình thành niềm tin rằng cửa hàng đó bán rau sạch thật", ông Quang chia sẻ quan điểm.

Việt Nam bảo hộ được 68 chỉ dẫn địa lý

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, tính đến hết năm 2018, Việt Nam đã bảo hộ được 68 Chỉ dẫn địa lý, trong đó có 62 Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài, 37 tỉnh/thành phố đã có Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

Trong số các chỉ dẫn địa lý này, 47% sản phẩm là trái cây, 23% sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp, 12% thủy sản, 8% gạo, còn lại là các sản phẩm khác.

Các loại sản phẩm được xây dựng và bảo hộ Chỉ dẫn địa lý rất đa dạng bao gồm các sản phẩm dạng thô hoặc sơ chế như trái cây, thủy sản, rau...

 Sản phẩm chế biến như nước mắm, mắm tôm, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như nón lá Huế, cói Nga Sơn...

 Theo đánh giá chung, chỉ dẫn địa lý đã tác động tới giá trị của sản phẩm. Giá bán của sản phẩm sau khi Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có xu hướng tăng.

Trong đó, cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi, mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%; nước mắm Phú quốc tăng 30 - 50%, chuối ngự Đại Hoàng tăng 130 - 150%, bưởi Luận Văn (Thanh Hóa) giá tăng 3,5 lần, cam Vinh tăng hơn 50% sau khi Chỉ dẫn địa lý được đăng bạ và quản lý...

Xây dựng thương hiệu cho nông sản là hướng đi cần thiết và phù hợp cho phát triển ngành nông nghiệp và các mặt hàng nông sản trong thời gian tới. Việt Nam đã có 2 thương hiệu quốc gia gồm Chè Việt Nam, được đăng ký và bảo hộ với 73 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; và Gạo Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng 2 thương hiệu quốc gia cho tôm và cá tra.

Mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu nông sản 2019 cực kì khó khăn

Tại Diễn đàn "Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: "Trong năm 2019, mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt trên 43 tỉ USD cực kì khó khăn".

Bộ trưởng nêu một số khó khăn, thách thức trong sản xuất và tiêu thụ nông sản như nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dich bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.

Thị trường đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm,các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.

Các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit, những bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam.