27/11/2024 lúc 23:05 (GMT+7)
Breaking News

Nỗ lực xử lý doanh nghiệp nợ thuế: Cần tăng hình thức xử phạt

VNHN-Theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế năm 2019 của ngành thuế, sẽ có 7.157 DN thuộc diện thanh tra thuế. Cùng với đó, sẽ có 79.941 DN thuộc diện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.

VNHN-Theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế năm 2019 của ngành thuế, sẽ có 7.157 DN thuộc diện thanh tra thuế. Cùng với đó, sẽ có 79.941 DN thuộc diện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến hết quý I/2019, số tiền thuế nợ đọng là 82.972 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng số dự kiến thu nội địa năm 2019.  Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 45.332 tỷ đồng, chiếm 54,6% tổng số tiền thuế nợ thuế và nợ không còn khả năng thu là 37.640 tỷ đồng, chiếm 45,4% tổng số tiền thuế nợ thuế. Bên cạnh nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật thuế của một bộ phận người nộp thuế chưa cao, chưa nộp đúng thì còn là do các đơn vị quản lý nợ chưa triệt để đôn đốc, cưỡng chế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.

Mới đây, Hà Nội tiếp tục công khai 202 đơn vị nợ thuế, phí đợt tháng 5/2019 liên quan đến đất với số nợ hơn 1.126 tỷ đồng. Trong danh sách công bố lần đầu đợt tháng 5/2019 này có CTCP Sỹ Ngàn nợ hơn 15 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 nợ hơn 4,5 tỷ đồng… Như vậy, từ tháng 1/2019 đến tháng 4/2019, Cục Thuế Hà Nội đã công khai lần đầu đối với 258 đơn vị nợ thuế phí và các khoản liên quan đến đất với tổng số tiền nợ gần 1.100 tỷ đồng. Công khai lại với 115 đơn vị nợ thuế phí và các khoản liên quan đến đất với tổng số tiền nợ hơn 2.568 tỷ đồng. Tổng cộng đã đăng công khai 373 DN và dự án với tổng số tiền nợ hơn 3.667 tỷ đồng.

Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, công tác quản lý nợ thuế tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ trong năm 2019. Do đó, ngay từ những ngày đầu năm, Cục đã quán triệt rõ mục tiêu và nhiệm vụ đến từng lãnh đạo đơn vị về việc thực hiện nhiệm vụ thu hồi nợ đọng, giao chỉ tiêu thu tiền thuế nợ tới từng lãnh đạo cấp phòng, từng lãnh đạo chi cục thuế, thậm chí tới từng cán bộ thuế. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tăng cường đẩy mạnh thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu hồi nợ đọng. Kết quả sau khi đăng công khai đã có 104 DN và dự án nộp 35,9 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế năm 2019 của ngành thuế, sẽ có 7.157 DN thuộc diện thanh tra thuế. Cùng với đó, sẽ có 79.941 DN thuộc diện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay ngành thuế đã rất tích cực trong việc thực hiện các giải pháp thu ngân sách Nhà nước (NSNN), trong đó có đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ thuế của các DN. Ngành đã quyết liệt triển khai công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, kịp thời thu vào NSNN đối với những khoản nợ thuế có khả năng thu; Chỉ đạo xử lý triệt để các khoản nợ thuế đang chờ điều chỉnh, các khoản nợ chờ xử lý còn tồn đọng.

Đồng thời đẩy mạnh việc đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với những trường hợp chây ỳ nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; Áp dụng nghiêm các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Tính đến hết quý I/2019, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và đã thu được 7.450 tỷ đồng tiền thuế nợ.

Nhằm kiên quyết đấu tranh với tình trạng DN cố tình chây ỳ nộp thuế, Tổng Cục thuế cũng đã  áp dụng giải pháp mạnh tay là cưỡng chế đối với các DN nợ thuế từ 91 ngày trở lên. Theo đó cơ quan thuế sẽ cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với toàn bộ DN có tiền nợ thuộc diện này.

Theo báo của Tổng cục Thuế, đến thời điểm 30/4/2019, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ ước đạt trên 10,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là trên 7,8 nghìn tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là trên 2,5 nghìn tỷ đồng.

Qua đó có thể thấy, mặc dù ngành thuế đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp thu hồi nợ thuế nhưng tình trạng chây ỳ của nhiều DN vẫn diễn ra, gây khó khăn trong thu NSNN. Theo các chuyên gia, điều này một phần do chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bởi vậy ngành thuế cần tích cực thực hiện các giải pháp, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ đọng thuế với hình thức tăng nặng xử phạt nhằm đấu tranh, phòng ngừa nợ đọng, thậm chí cố tình chiếm đoạt tiền thuế hiện nay.