20/11/2024 lúc 12:36 (GMT+7)
Breaking News

Người trẻ dấn thân vì Trái đất

VNHN-Giới trẻ khắp địa cầu từ Pháp, Anh, Bỉ đến Thụy Điển, Australia đang tham gia tích cực vào các chiến dịch bảo vệ môi trường, trong đó có phong trào bãi khóa buộc chính phủ các nước phải hành động khẩn cấp để bảo vệ môi trường.

VNHN-Giới trẻ khắp địa cầu từ Pháp, Anh, Bỉ đến Thụy Điển, Australia đang tham gia tích cực vào các chiến dịch bảo vệ môi trường, trong đó có phong trào bãi khóa buộc chính phủ các nước phải hành động khẩn cấp để bảo vệ môi trường.

Người khởi xướng

Mục tiêu của phong trào là đòi hỏi phải có hành động cụ thể hơn, quy mô hơn chống nhiệt độ Trái đất gia tăng. Nhiều người xem đây là một bài học mà giới trẻ muốn dạy các chính phủ. Và ít ai ngờ rằng, người khơi dậy bài học đó lại là một thiếu nữ 16 tuổi, người Thụy Điển, có tên Greta Thunberg.

Ngày 14-12-2018, ngày kết thúc của Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP24) tại Ba Lan, Greta khi đó 15 tuổi, đã có bài phát biểu mang tiêu đề “Các vị đang đánh cắp tương lai của chúng tôi”, chê trách các chính trị gia đáng tuổi ông bà, cha mẹ của mình rằng: “Các vị không đủ trưởng thành để nói đúng về các sự việc như nó vốn có. Các vị đã để mặc cho trẻ em phải đảm đương cái gánh nặng ấy. Các vị thường nói các vị yêu quý trẻ em hơn hết, vậy mà các vị lại đánh cắp tương lai của chúng ngay trước mắt chúng”.

Người trẻ dấn thân vì Trái đất ảnh 1

Greta Thunberg với bài phát biểu dậy sóng COP24

Sau khi lên án, Greta đề xuất phương hướng: “Nếu như không thể tìm ra được các giải pháp trong lòng hệ thống này, chúng ta cần phải thay đổi hệ thống. Chúng tôi đến đây không phải để cầu xin các nhà lãnh đạo quan tâm đến chuyện đó. Các vị đã không quan tâm đến chúng tôi trong quá khứ, các vị cũng sẽ không quan tâm đến chúng tôi trong tương lai… Chúng tôi không còn thời gian nữa, chúng tôi đến đây để nói với quý vị rằng thay đổi đang đến, dù các vị có muốn hay không”.

Lời lẽ cương quyết và già dặn tưởng như một bài diễn văn tranh đấu chính trị trong thế giới người lớn, được ai soạn sẵn, nhưng lại đến từ Greta. Từ tháng 8-2018, cứ thứ sáu hàng tuần, Greta không đi học mà biểu tình một mình trước trụ sở Quốc hội Thụy Điển để kêu gọi mọi người trẻ tuổi hãy hành động như cô, buộc các quốc gia tôn trọng các cam kết khí hậu đã được đưa vào Thỏa thuận chung Paris (hiệp định về chống biến đổi khí hậu được hơn 170 quốc gia ký kết năm 2015).

Ngoài ra, Greta cũng quyết định thay đổi cuộc sống của mình để làm gương. Cô ngừng ăn thịt, thuyết phục được cha mẹ lắp đặt pin điện Mặt trời sử dụng cho gia đình, trồng được một vườn rau gia đình.

Greta hình dung cô sẽ sống 100 tuổi, đến đầu thế kỷ 22. Từ giờ đến đó, nếu không hành động, thế giới mà các thế hệ đi trước để lại cho con cháu sẽ thật là khủng khiếp. Và sẽ thật là bất công khi các thế hệ đi sau phải trả giá cho các thiệt hại do những thế hệ đi trước gây ra. Vì vậy, Greta kêu gọi trẻ em hãy thể hiện thái độ không đồng tình, hãy làm cho tiếng nói của thế hệ trẻ được lắng nghe và buộc tất cả mọi thế hệ phải chịu trách nhiệm về những gì mà mình tạo ra.

Sáng kiến của cô bé Thụy Điển được hàng ngàn trẻ em trên thế giới hưởng ứng. Hàng ngàn bạn trẻ đã bãi khóa, biểu tình trước các tòa nhà Quốc hội, các hội đồng thành phố ở Australia, Thụy Điển, Bỉ, Pháp, Đức...

Lan tỏa

Tại Bỉ, giới trẻ tham gia ngày càng nhiều vào phong trào tuần hành vì khí hậu. Cuối tháng 1 vừa qua, theo thống kê của cảnh sát, có đến 35.000 thanh thiếu niên xuống đường ở Brussels tham gia cuộc tuần hành mang tên Youth for Climate (Giới trẻ vì khí hậu).

Theo kế hoạch, cứ thứ năm hàng tuần tại thủ đô của Bỉ, cuộc tuần hành này sẽ diễn ra. Những người tham gia là những học sinh đã quyết định sẽ bỏ học vào mỗi thứ năm cho đến khi nào các lãnh đạo của Bỉ có một chính sách tham vọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các học sinh này còn được sự yểm trợ của “đàn anh” - các sinh viên, nhất là những người thuộc phong trào Sinh viên vì khí hậu, cũng tham gia tuần hành. Trong cuộc tuần hành đầu tiên của Youth for Climate, chưa tới 3.000 thanh thiếu niên tham gia, nhưng tới nay con số này ngày càng tăng.

Trong khi đó, tại Pháp, ngày 15-2 vừa qua là ngày học sinh, sinh viên Pháp xuống đường tham gia vào phong trào bãi khóa khắp thế giới buộc chính phủ các nước hành động đối phó khẩn cấp bảo vệ môi trường. Tại thủ đô Paris và hơn 40 thành phố lớn, sinh viên, học sinh hẹn nhau xuống đường.

Theo tờ Le Monde, thế hệ sinh viên ưu tú của các trường danh tiếng nhất của Pháp tham gia với bản kiến nghị: Những ước mơ bằng cấp, địa vị trong một xã hội hài hòa không còn nữa trong một tương lai bất trắc do chiến tranh, nạn đói và làn sóng di dân đe dọa. Và trong cuộc tranh đấu vì tương lai sống còn, học sinh, sinh viên Pháp không đơn độc. Một mạng lưới mang tên Tập hợp giáo chức vì tương lai hành tinh đã huy động hơn 1 triệu giáo viên từ bậc mẫu giáo đến giáo sư đại học, tiếp sức cho thế hệ học sinh, với niềm tin tạo thành một phong trào tranh đấu không còn phân biệt thầy trò, gia thế.

Trong khi đó, tờ La Croix cho hay nếu giới lãnh đạo Pháp không đáp ứng sau cuộc biểu tình, học sinh, sinh viên Pháp có thể sẽ tiến thêm một bước: bất phục tùng công dân, mà cụ thể là bãi khóa, không đi học. Hay nói cách khác, giới trẻ Pháp đang tham gia kháng chiến. Cũng theo La Croix, Chính phủ Pháp không dám xem thường phong trào hành động vì môi trường của sinh viên, học sinh và 4 tổ chức phi chính phủ bởi họ là tác giả của bản kiến nghị đã thu được 2,1 triệu chữ ký.

Với tựa đề “Giải pháp cuối cùng”, bài xã luận đăng trên tờ Libération đã đưa ra phân tích vì sao nhân loại có quyền hy vọng vào thế hệ trẻ dấn thân. Điểm qua cuộc đấu tranh của giới trẻ ở các nước và bên cạnh người khởi xướng Greta, bài viết cung cấp thêm một tấm gương khác là Colombia  - một bài học cho các chính phủ. Năm 2015, Tòa án tối cao Bogota ra phán quyết ủng hộ đơn kiện của 25 học sinh và buộc chính phủ chấm dứt nạn phá rừng.

Vậy vì sao giới trẻ phải dấn thân? Theo Libération, thế hệ tương lai đang đứng trước 3 điều bất hạnh. Thứ nhất, giáo dục nhút nhát không dạy các bộ môn cốt lõi của thế kỷ 21 như khí hậu môi trường và đa dạng sinh thái. Thứ hai, hệ thống chính trị thiển cận chỉ giải quyết mối đe dọa khí hậu bằng biện pháp tình thế hơn là có một chiến lược khẩn cấp và lâu dài. Và cuối cùng, hệ thống thông tin báo chí tập trung vào thời sự giật gân, thường hay xếp các dữ kiện đáng báo động cho tương lai nhân loại xuống hàng thứ yếu.

Trong bài diễn văn từ giã khi hết nhiệm kỳ vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo: Không nhìn nhận Trái đất bị đe dọa diệt vong là phản bội thế hệ mai sau. Thế hệ cầm quyền hiện nay phải ý thức được nguy cơ này và phải hành động tức khắc vì chỉ còn 2 năm nữa, nguy cơ diệt vong sẽ không thể đảo ngược.

Phong trào bất phục tùng công dân của giới trẻ châu Âu, từ 15 đến 25 tuổi, theo Libération, đã phản ánh rõ thái độ nhút nhát, tê liệt, “mù lòa” của giới lãnh đạo chính trị và doanh nhân. Nhưng đồng thời phong trào tranh đấu này cũng là chiếc phao cứu hộ, phương án cuối cùng, cứu tinh của nhân loại. Giống như triết gia, thi sĩ Đức Friedrich Holderlin (1770-1843) nhận định: Nơi nào xảy ra tai họa thì nơi đó có cứu tinh.

Thỏa thuận chung Paris được coi là cơ may duy nhất giúp nhân loại duy trì được nhiệt độ Trái đất không vượt quá 1,50C, hoặc tối đa là 20C, so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tăng quá mức này, các hiện tượng thời tiết bất thường, nước biển dâng cao, nước biển acid hóa, suy thoái môi trường và vô vàn tai họa khác sẽ ập xuống, khiến Trái đất không còn là nơi để con người có thể sinh sống.

ĐỖ CAO (tổng hợp) - SGGP