23/12/2024 lúc 09:05 (GMT+7)
Breaking News

Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay

Để đạt mục tiêu 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước) như Chính phủ đề ra ở Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhiều cơ quan truyền hình tại Việt Nam đổi mới tư duy, quyết tâm hành động và coi truyền hình đa nền tảng là giải pháp đột phá với bước đi, lộ trình phù hợp. Bài viết khái quát xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay, những thành công và một số hạn chế của xu hướng này.

1. Truyền hình đa nền tảng là xu hướng tất yếu

Những năm qua, trước sự bùng nổ của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, báo chí thế giới và trong nước có bước phát triển mạnh mẽ cả về loại hình, số lượng cơ quan báo chí và nội dung, hình thức, chất lượng thông tin. Các cơ quan báo chí đều có xu hướng tích hợp nhiều loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) trên nhiều nền tảng khác nhau. Từ ứng dụng công nghệ số, một tác phẩm báo chí có thể tích hợp nhiều loại hình báo chí, vừa có hình ảnh, vừa có âm thanh, đồ họa, hình họa... trở thành một sản phẩm đa phương tiện hiệu quả để phát hành trên nhiều nền tảng như: báo in, báo điện tử, internet, mạng xã hội, máy tính bảng, điện thoại thông minh… đem đến cho người đọc thông tin đa chiều, ấn tượng. Đây là xu hướng tất yếu.

Nền tảng là một kiến trúc có thể lập trình, được thiết kế để tổ chức các tương tác giữa những người dùng(1). Ví dụ: Uber, Grap, Facebook, YouTube, Zalo, Viber, Whatsapp, Amazon, Gmail,… Theo khái niệm này, nền tảng không chỉ đơn giản là công cụ công nghệ cho phép thực hiện những hoạt động trực tuyến, như: trò chuyện, mua sắm, nghe nhạc, hẹn hò, gọi taxi... mà đằng sau đó còn là định hình cách sống, cách tổ chức xã hội. 

Nghị quyết Trung ương 10 khóa XI (tháng 1-2015) đã nêu rõ quan điểm định hướng cho sự phát triển của báo chí Việt Nam. Trên cơ sở phân tích, đánh giá sâu sắc thực trạng phát triển và quản lý báo chí với những kết quả và nguyên nhân xu hướng phát triển thông tin, truyền thông trên thế giới, Đảng đã xác định: “Phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học - công nghệ và xu thế phát triển thông tin, truyền thông thế giới” và “Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí, đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ trên mạng Internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng”.

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục"(2).

Theo định hướng đó, các cơ quan báo chí lớn ở Việt Nam như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân đã tích hợp đầy đủ các loại hình báo chí (báo in, báo mạng, truyền hình, phát thanh, báo ảnh) trong hoạt động của mình, trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện mạnh. Báo Nhân dân, ngoài Kênh Truyền hình Nhân dân, trên Báo Nhân dân điện tử có bộ phận sản xuất chương trình Media - Audio. Báo Hà Nội Mới (điện tử) có kênh TV online và chương trình bản tin hằng ngày.

Hiện nay, phần lớn các cơ quan báo chí đều có báo điện tử, sản xuất các chương trình Video - Audio phát trên internet, đưa lên mạng xã hội. Một số tờ báo mở các chuyên trang truyền hình trên Internet khác với các kênh truyền hình truyền thống. Truyền hình internet có nhiều ưu thế. Khán giả có thể xem các chương trình yêu thích bằng các thiết bị di động thông minh bất cứ lúc nào, nơi nào và có thể tương tác trực tiếp với tòa soạn. Ngoài báo điện tử, nhiều cơ quan báo chí tận dụng ưu thế của Internet và công nghệ số để tăng thêm các kênh chuyển tải thông tin đến bạn đọc bằng các ứng dụng đọc báo trên thiết bị điện thoại di động, máy tính bảng…

Tại Việt Nam, xu hướng truyền hình đa nền tảng (THĐNT) đang dần hoàn thiện và phát triển. Đây là xu hướng cộng sinh giữa các nền tảng của truyền hình với các nền tảng kỹ thuật số để sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm truyền hình nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin và trải nghiệm của công chúng. Các nền tảng thường được truyền hình cộng sinh để tổ chức sản xuất tin tức: nền tảng xuyên biên giới (như: Facebook, YouTube, Tiktok,…) và nền tảng của các đài truyền hình (ví dụ: VTVgo - nền tảng Truyền hình số Quốc gia, VTCNow - nền tảng của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, VOV - nền tảng số của Đài Tiếng nói Việt Nam…). Với nhiều ưu việt nổi trội trong chiến lược công nghệ của các nền tảng, truyền hình hoàn toàn có thể sử dụng chúng như một kênh để phân phối, sản xuất, tiêu thụ. Từ đó, hướng tới việc đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng của công chúng không chỉ về nội dung, mà còn cả trải nghiệm xem trên nhiều màn hình, nhiều thiết bị, mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm.

Với vai trò, vị trí chuyên biệt, hệ thống các đài truyền hình ở Việt Nam đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ để sẵn sàng cho xu hướng mới này khi các nền tảng ở vị trí trung tâm của việc phân phối nội dung tin tức. Chẳng hạn: từng bước liên thông phần mềm quản lý điều hành tác nghiệp với hệ thống thuộc Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương; xây dựng, hoàn thiện hệ thống sản xuất, lưu trữ tư liệu và phân phối nội dung đa nền tảng được tối ưu hóa theo nhu cầu của từng đơn vị, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong cơ quan; triển khai hệ thống bảo vệ bản quyền, kiểm duyệt các sản phẩm nội dung (âm thanh, hình ảnh, đồ họa) của cơ quan trên hạ tầng truyền thống và hạ tầng số; triển khai các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với môi trường phân phối nội dung đa nền tảng,... Đặc biệt, nhiệm vụ thiết kế, phát triển nền tảng riêng của các nhà đài để truyền hình cạnh tranh trực tiếp với nhiều nền tảng xuyên biên giới và góp phần hoàn thiện nền tảng Truyền hình số Quốc gia (VTVgo) được quan tâm.

Thực tế trên đã chứng minh, truyền hình đa nền tảng vừa là xu hướng, vừa là đặc tính phổ biến mới của truyền hình hiện đại. Nó giúp kéo dài thời gian tồn tại của các sản phẩm trên nền tảng kỹ thuật số, tối ưu hóa giá trị của truyền hình. Từ đó ngành truyền hình có thể tiếp cận và phục vụ tốt hơn các phân khúc khán giả, làm cách mạng để giữ vị thế, thích nghi với bối cảnh kỹ thuật số hiện đại.

2. Thành công của xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam

Một là, truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam bước đầu hoàn thiện và phát triển

Cụ thể: hoàn thiện và phát triển bằng xu hướng lưu trữ hỗn hợp trên các nền tảng. Toàn bộ nội dung của truyền hình được lưu trữ trên nền tảng riêng; lưu trữ một phần nhỏ trên nền tảng bên ngoài (nền tảng xuyên biên giới) và đính kèm đường dẫn (link) đến nền tảng riêng. Đây là xu thế tất yếu khi cộng sinh. Bởi, nếu lưu toàn bộ video ở nền tảng ngoài, truyền hình sẽ trở thành đơn vị sản xuất nội dung cho các nền tảng và thuê họ phân phối, kiếm tiền. Lúc này, mối quan hệ giữa truyền hình và khán giả/người dùng online bị phá vỡ. Đồng thời, tạo ra sự không công bằng, bình đẳng, trong việc tiếp nhận thông tin của khán giả/người dùng online. Các cơ chế của nền tảng cho phép cá nhân hoá nhu cầu, sở thích của khán giả online. Vì thế bằng thuật toán, chúng chỉ hiển thị những nội dung khán giả quan tâm hoặc “đang thịnh hành” mà bỏ qua những luồng tin tức khác. Một tác phẩm truyền hình hay và giá trị chưa chắc có mức độ phổ biến rộng rãi trên các nền tảng.

Hoàn thiện và phát triển bằng xu hướng chọn lựa những nội dung mang tính địa phương để phân phối trên các nền tảng bên ngoài. Cần khẳng định rằng, chính chiến lược lưu trữ hỗn hợp ảnh hưởng trực tiếp đến việc cân nhắc, chọn lựa, sản xuất nội dung của truyền hình trên nền tảng. 100% nội dung thuộc mọi đề tài hiển nhiên được phân phối ở nền tảng riêng. Với nền tảng bên ngoài, các đài sẽ chọn lựa những nội dung mang tính địa phương để phân phối. Ví dụ: với trường hợp của Đài Truyền hình Việt Nam, chủ đề giáo dục (18,4%) và dân sinh (18,8%) được chọn lựa xuất bản nhiều nhất trên Facebook(3).

Điểm mạnh của nền tảng bên ngoài (Facebook, YouTube,…) là tiếp cận toàn thế giới; điểm chưa mạnh là các hoạt động offline kết nối cộng đồng và đáp ứng nhu cầu nội dung tại mỗi quốc gia, mỗi một địa phương. Vì vậy, xu hướng này mang lại lợi ích kép: thứ nhất, hạn chế được sức mạnh của các nền tảng xuyên biên giới, không phải của tổ chức truyền hình; thứ hai, thu hút được công chúng/người dùng.

Hoàn thiện và phát triển bằng xu hướng kéo dài thời gian tồn tại trên các nền tảng. Ở cấp độ thứ nhất, 100% tin/phóng sự đều được định dạng mới với những thông số kỹ thuật phù hợp với từng nền tảng mà nó phân phối. Đây là điều kiện cần để các video thành phẩm của truyền hình có thể xuất bản, lưu trữ trên các nền tảng. Bên cạnh đó, khi tồn tại trên nền tảng, những thông số kỹ thuật này khiến tin/phóng sự tương thích với tất cả các hệ điều hành, các thiết bị của người dùng/khán giả. Cấp độ này cơ bản nhưng quan trọng.

Cấp độ thứ hai, khai thác tối đa phần ký tự của video ở mỗi nền tảng để kích thích sự chú ý của người dùng/khán giả. Đối với nền tảng riêng của nhà đài: 100% tin/phóng sự để tên chương trình; Facebook: 100% để title và caption, 100% caption được viết theo phong cách hài hước (kích thích tiếng cười)/trào phúng (chế giễu); YouTube: 100% để title. Mục đích của hoạt động này nhằm kích thích sự tò mò và ham muốn xem của người dùng/công chúng. Hơn nữa, nó phù hợp với văn hóa đọc lướt và nhu cầu nắm bắt thông tin nhanh của khán giả online. Cấp độ thứ ba, truyền hình tận dụng thế mạnh riêng của từng nền tảng để kéo dài thời gian tồn tại, qua nhiều hoạt động/tác vụ: thích, bình luận, chia sẻ, facebook reels, faccbook watch, gắn hashtag từ khóa, youtube short, tác vụ card/end screen, time labels, thumbnail,...

Bản chất của những hành vi/tác vụ ở ba cấp độ trên là cung cấp dữ liệu cho nền tảng hoạt động. Từ đó, bằng cơ chế và thuật toán, nền tảng tự động làm nổi bật và thu hút người dùng cho video truyền hình. Càng nhiều người dùng/khán giả biết đến video, thì thời gian tồn tại của nó trên nền tảng càng lâu. Vì thế, hoạt động xây dựng thương hiệu của tổ chức truyền hình trên không gian mạng phát triển và hoàn thiện; hoạt động kinh tế truyền hình được củng cố, dù không nhiều(4).

Hoàn thiện và phát triển bằng xu hướng quan tâm đến phản ứng của công chúng với thành phẩm sau khi phát sóng. Để biết được phản ứng của khán giả với sản phẩm của mình, truyền hình theo dõi các chỉ số được lượng hoá trên các nền tảng, như: lượt thích, chia sẻ, bình luận,… Đây là một trong những điểm khác biệt của THĐNT so với truyền hình tuyến tính. Việc này vừa giúp truyền hình tham khảo nhiều chiều thông tin, vừa kéo gần khoảng cách giữa nhà báo nói riêng và truyền hình nói chung với công chúng/khán giả. Từ đó, có những định hướng tốt hơn trong tổ chức sản xuất nội dung để tạo ra những sản phẩm gần nhất với nhu cầu của họ.

Như vậy, bốn xu hướng của truyền hình đa nền tảng đều hướng tới việc thích nghi và cộng sinh với các nền tảng truyền thông. Nói một cách khác, nó đang gây sự “chú ý” bằng việc tương tác với một loạt thuật toán của nền tảng; sử dụng nền tảng như một đối tác để lan rộng giá trị đích thực của truyền hình. Nó phát triển đúng hướng, khi biết phá vỡ sự lệ thuộc vào nền tảng. Cụ thể: phá vỡ sự độc quyền nội dung hiển thị; độc quyền chọn lựa tin tức; độc quyền loại phương tiện hiển thị, thông qua cơ chế chọn lựa của nền tảng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, nó làm thay đổi thói quen tác nghiệp của đội ngũ nhà báo và việc tổ chức quản lý của các cơ quan truyền hình.

Hai là, truyền hình đa nền tảng giúp các nhà báo hình thành thói quen mới để thích nghi

Hình thành thói quen kỹ thuật số mới

Các nền tảng kỹ thuật số là một sản phẩm của công nghệ. Nhà báo muốn cộng sinh với chúng thì buộc phải học cách sử dụng, quản trị (dưới góc độ người dùng). Lúc này, các tiêu chuẩn/chỉ dẫn/quy định/nguyên tắc/điều khoản trong cách sử dụng, quản trị của nền tảng trở thành những yếu tố định hướng, ràng buộc, điều chỉnh hành vi của nhà báo với môi trường mà chúng tạo ra. Những hành vi này được thực hiện thường xuyên sẽ trở thành phản xạ có điều kiện của nhà báo. Lâu dần, chúng trở thành thói quen mới. Đối với mỗi một nền tảng kỹ thuật số, thói quen của nhà báo được hình thành qua những hành vi khác nhau.

Nếu như trước đây, ở truyền hình truyền thống, nhà báo thực hiện chủ yếu hoạt động chuyên môn, thì nay, hoà chung với dòng chảy công nghệ, họ làm quen và chấp nhận thay đổi để cộng sinh với các nền tảng. Họ thực sự chú trọng tới việc tạo mối liên kết giữa các trang, kênh chính thức của nhà đài. Từ đó mở rộng, đáp ứng nhu cầu thông tin của khán giả trên nhiều nền tảng khác nhau. Đồng thời, củng cố mối quan hệ giữa “nguồn phát” và “nguồn nhận”, nỗ lực gia tăng mạng lưới khán giả trực tuyến. Quá trình đó cùng với những nguyên tắc/điều khoản sử dụng đã hình thành thói quen kỹ thuật số mới cho nhà báo để họ thích nghi với THĐNT. Đồng thời là cơ sở để nhà báo hình thành nhóm thói quen tác nghiệp mới.

Hình thành thói quen tác nghiệp mới

Thói quen sản xuất dựa vào nhu cầu của công chúng trên các nền tảng (chọn lựa tin/vấn đề được cộng đồng quan tâm trên nền tảng; liên hệ với khán giả trên nền tảng để xác minh thực tế; giới thiệu vấn đề sẽ sản xuất trên nền tảng để tham khảo ý tưởng của khán giả; đăng bản giới thiệu chương trình đã sản xuất trên nền tảng để thu hút khán giả; trích dẫn bình luận của khán giả trên nền tảng vào sản phẩm; sử dụng video/hình ảnh do khán giả cung cấp vào sản phẩm,…). Công chúng, giờ đây, trở thành trung tâm trên các nền tảng kỹ thuật số. Họ chủ động tiếp cận thông điệp theo sở thích, mong muốn và kiểm soát, chọn lựa cái mình nghe, xem mỗi ngày. Cùng với đó, cơ chế tiếp nhận không còn mang tính cưỡng chế, nghĩa là vai trò quyết định cho khán giả nghe gì, xem gì, khi nào và như thế nào của đài truyền hình đã giảm đáng kể. Thay thế là mô hình truyền thông đa chiều ứng dụng mềm dẻo, nhà báo vừa là nguồn phát vừa là người nhận, người tương tác thông tin với khán giả, trên kênh của mình.

Thói quen quan tâm đến sản phẩm sau khi phân phối trên nền tảng (theo dõi phản ứng của khán giả trên nền tảng; phản hồi bình luận của khán giả trên nền tảng; gợi vấn đề mở để khán giả thảo luận trực tuyến trên nền tảng; tham khảo bình luận của khán giả để mở rộng đề tài; liên hệ với khán giả có bình luận hợp lý trên nền tảng,...). Khi khán giả chủ động tiếp cận thông tin đa nền tảng, đồng nghĩa với việc nhà báo, ngoài sản xuất dựa vào nhu cầu của công chúng, còn tiếp tục quan tâm đến thành phẩm đã đăng tải. Có nghĩa rằng, họ quan tâm đến quan điểm, ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhóm công chúng đích. Từ đó, nhìn nhận mọi vấn đề của xã hội công tâm, toàn diện, đa chiều hơn.

Thói quen sản xuất phi định kỳ trên các nền tảng (cập nhật mọi nơi, mọi lúc trong ngày; rút ngắn quá trình đưa tin; đổi phong cách báo chí sang đơn giản, ngắn gọn; livestream các chương trình trên nền tảng; sử dụng những phần mềm và thiết bị thông minh để cắt, dựng và tác nghiệp,...). Trong mô hình truyền hình truyền thống, tính định kỳ chiếm ưu thế, chỉ việc phát sóng các chương trình truyền hình theo một lịch trình cụ thể; quá trình lên kế hoạch, quản lý tài nguyên được sắp xếp thời gian sản xuất, phân phối một cách hợp lý và chính xác. Tuy nhiên, cùng sự phát triển của các nền tảng truyền thông kỹ thuật số, tính định kỳ của truyền hình trở nên ít quan trọng hơn, người dùng có thể xem các chương trình ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Chính vì vậy, việc tổ chức sản xuất của nhà báo buộc phải thay đổi để thích ứng.

Với phương châm “Khán giả ở đâu, truyền hình ở đó” - một cam kết thể hiện nhận thức về sự ảnh hưởng sâu rộng của khán giả, các nhà báo truyền hình ở Việt Nam có sự thay đổi tích cực trong thói quen tác nghiệp của mình. Họ tạo điều kiện ở mức tối đa cho mối quan hệ giữa cung cấp thông tin và tiếp cận thông tin của mọi khách hàng. Đây cũng là lúc nhìn nhận thấu đáo hơn nữa về những tác động của công chúng trên không gian mạng. Giữa khán giả và nhà báo có sự tương tác hai chiều về vị trí, chỗ đứng trên cán cân cung – cầu thông tin, đặt ra yêu cầu thích ứng trên đường đua sản xuất, phân phối sản phẩm chuyên nghiệp, chất lượng, đáng tin cậy, chạm tới sự quan tâm, hứng thú của đông đảo công chúng.

3. Hạn chế của xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam

Thứ nhất, chưa phá vỡ hoàn toàn được sự phụ thuộc vào các nền tảng bên ngoài (nền tảng xuyên biên giới). Biểu hiện thứ nhất, truyền hình có thể không quyết định được khả năng hiển thị video thành phẩm của mình, khi cộng sinh với nền tảng xuyên biên giới; quyền đó thuộc về các nền tảng bên ngoài nhà đài. Nó tạo ra một “bong bóng bộ lọc” khiến công chúng bị phân mảnh và khó được tiếp xúc với các giá trị và quan điểm xã hội. Những sản phẩm truyền hình tốt, chuyên nghiệp, đôi khi khó được phổ biến rộng rãi tới đông đảo công chúng trên môi trường truyền thông xã hội. Nếu muốn nó xuất hiện với tần số lớn, ở đầu Google, trên nguồn cung cấp tin tức Facebook, hoặc xuất bản được nhiều bản sao,… thì nhà đài phải trả tiền cho các nền tảng.

Nguyên nhân của việc truyền hình có thể không quyết định được khả năng hiển thị video thành phẩm của mình khi cộng sinh với nền tảng xuyên biên giới, bắt nguồn từ các cơ chế, thuật toán, đặc biệt là cơ chế chọn lựa của chúng. Nếu việc chọn lựa của người dùng đối với những video họ yêu thích càng nhiều (dựa trên sự kết hợp chéo giữa các nền tảng và người theo dõi) thì khả năng hiển thị của những video đó càng cao. Chúng sẽ biến thành “xu hướng”, “chủ đề thịnh hành”, “nội dung được quan tâm nhiều”, “phổ biến”… trên môi trường truyền thông xã hội. Tuy nhiên, việc chọn lựa của người dùng thường không dựa trên những tiêu chí phức tạp, khoa học như các nhà đài. Do vậy, chất lượng và nội dung của video chưa đủ để đạt được phạm vi tiếp cận rộng lớn. Thêm vào đó, thuật toán - được bảo mật kỹ lưỡng - của nền tảng xuyên biên giới thao túng việc thúc đẩy hay kìm hãm dòng “xu hướng”, “chủ đề thịnh hành”,... hiện diện trên không gian mạng. Vì thế, bằng thuật toán và sự chọn lựa của người dùng, nền tảng đang quyết định khả năng hiển thị video trong hệ sinh thái mà nó tạo ra.

Biểu hiện thứ hai, truyền hình có thể không quyết định được hoạt động kinh tế của mình từ những video thành phẩm, khi cộng sinh với các nền tảng. Phần lớn lợi nhuận quảng cáo rơi vào tay nền tảng xuyên biên giới; truyền hình chỉ được một phần rất nhỏ. Dù sử dụng chiến lược lưu trữ gốc, chiến lược lưu trữ nối mạng, hay chiến lược lưu trữ hỗn hợp thì truyền hình cũng trao quyền phân phối nội dung và cho phép các thuật toán của nền tảng bên ngoài quyết định lưu lượng truy cập. Thậm chí, nó có thể quyết định nhà đài nào có lượng phát hành ít hay nhiều(5). Vì thế, kỳ vọng tăng doanh thu từ việc nhúng quảng cáo thông qua lưu lượng truy cập, trên các nền tảng bên ngoài, của truyền hình không đạt được. Nguyên nhân: khi khán giả có nhu cầu truy cập và sử dụng thông tin, qua các nền tảng, họ bắt buộc phải tạo tài khoản cá nhân. Bởi vậy, nền tảng nghiễm nhiên có trong tay dữ liệu người dùng. Điều này, tương ứng với việc nền tảng có quyền bán dữ liệu, không gian, thời gian quảng cáo, chứ không phải các nhà đài. Cấu trúc của nền tảng cho phép các tổ chức tin tức tiếp cận khán giả của mình, nhưng phá vỡ tính bền vững của mối quan hệ giữa khán giả và báo chí(6). Thêm vào đó, cơ chế chọn lựa và cá nhân hóa của nền tảng còn cho biết, khán giả muốn gì, tìm gì, cần gì,… để tiếp thị đúng khách hàng mục tiêu, đem lại hiệu quả cho các chiến dịch quảng cáo - chỉ nền tảng xuyên biên giới mới có đặc quyền này.

Biểu hiện thứ ba, truyền hình có thể bị mất vị trí đặc quyền cung cấp thông tin khi cộng sinh với các nền tảng xuyên biên giới. Tham gia đăng ký tài khoản, truyền hình chỉ ở vị trí người dùng với vai một tổ chức sử dụng nền tảng xuyên biên giới, khi cộng sinh với chúng, nhằm tận dụng sức mạnh phân phối, các công cụ theo dõi, đo lường hành vi của khán giả. Vì thế, nền tảng truyền thông xã hội tạo cơ hội mới để truyền hình tiếp cận với khán giả của mình nhưng cũng trực tiếp thách thức vị trí đặc quyền cung cấp thông tin, biểu hiện ở việc mất quyền kiểm soát các kênh truyền thông, gia tăng sự phụ thuộc vào đơn vị trung gian. Điều này đến từ việc: Các đài muốn biết khán giả của mình là ai, trên các nền tảng bên ngoài thì bắt buộc phải tạo tài khoản để sử dụng. Và hiển nhiên, dữ liệu cá nhân, dữ liệu nội dung của nhà đài và công chúng đều được các nền tảng nắm giữ, khiến họ có nhiều quyền lực hơn với nhà quảng cáo. Không chỉ vậy, nền tảng còn đóng vai trò là người gác cổng cho truyền hình trong việc nhận định và phân phối nội dung theo nhu cầu của khán giả, thông qua công cụ quản lý, phân tích đối tượng miễn phí, đặt giá thầu quảng cáo có lập trình của chính nó. Chất lượng hoặc loại nội dung không phải là thứ nền tảng quan tâm; họ quan tâm tới siêu dữ liệu và lưu lượng truy cập do nội dung tạo ra. Bởi thế, cho dù nền tảng không trực tiếp sản xuất nội dung, nhưng nó sẽ tìm đủ mọi cách để mọi loại nội dung của mọi tổ chức, mọi cá nhân đi qua (lưu trữ), trên nền tảng của mình.

Thứ hai, truyền hình chưa tận dụng hết được thế mạnh của từng nền tảng. Phần lớn các nền tảng riêng của nhà đài đều có mức đầu tư khiêm tốn. Sự khiêm tốn này được hiểu cả ở góc độ công nghệ và hạ tầng. Ở góc độ hạ tầng, công nghệ, nhiều nền tảng của các nhà đài, nhất là các đài địa phương của nước ta được thiết kế đơn giản, hạn chế về tính năng, giao diện chưa thực sự thân thiện với người dùng, hạ tầng lưu trữ, truyền tải còn tương đối đơn giản,… Ở góc độ chiến lược, thì còn nhạt nhoà, thậm chí chưa xác định được hướng đi và giải pháp hoàn thiện, phát triển. Biểu hiện rõ nét và dễ thấy nhất, đó là phần lớn trong số nền tảng của các đài truyền hình đều chưa đạt được số lượng tới hạn (số lượng lớn) người dùng. Ngoại trừ tính năng chia sẻ/share, thích/like, chỉ báo lượt xem/view, hầu như những tính năng khác để tăng lượng tương tác, gây sự chú ý và kéo dài thời gian tồn tại trên nền tảng riêng của nhà đài đều bị khoá hoặc hạn chế.

Đối với nền tảng xuyên biên giới, mặc dù có mức độ hoàn thiện rất cao và trở thành siêu nền tảng, nhưng truyền hình đa nền tảng ở nước ta nói riêng, ở các tổ chức truyền hình trên thế giới nói chung, chỉ tận dụng một phần và thực hiện theo kiểu “vừa ném đá, vừa dò đường”. Tính đến thời điểm hiện tại, biểu hiện rõ nhất của hạn chế này nằm ở chiến lược lưu trữ hỗn hợp và khoá hoặc hạn chế tính năng bình luận/comment. Đây là hạn chế của không ít các cơ quan truyền hình trong nước cũng như trên thế giới khi tham gia phân phối đa nền tảng. Họ đều phải đối diện với một lượng khổng lồ những tương tác phản hồi (cả tích cực lẫn tiêu cực) từ khán giả/người dùng. Để xử lý tình huống này nhiều tổ chức truyền hình ở Việt Nam khuyến khích các nhà báo - tác giả của những sản phẩm được phân phối trên các nền tảng - sao chép đường dẫn (link) và đăng lên các trang cá nhân của họ rồi tương tác, phản hồi với khán giả. Nó không những giúp giảm được áp lực cho các fanpage của tổ chức truyền hình, mà còn giúp nhà báo khai thác tối đa sức kiến tạo của khán giả/công chúng.

Như vậy, việc đánh giá những thành công và hạn chế của xu hướng THĐNT, ở Việt Nam hiện nay, giúp nhìn nhận một cách sâu sắc thực trạng, xu hướng vận động phát triển của nó trong dòng chảy công nghệ. Đồng thời, đưa ra những nhận định và cứ liệu thực tế, khoa học về chiến lược chuyển đổi số của truyền hình sau một thời gian triển khai. Những thành công bước đầu và hạn chế ấy có thể làm cơ sở vững chắc cho việc tiếp tục hoạch định chiến lược phát triển truyền hình đa nền tảng - một trong những giải pháp đột phá và bền vững để chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình.

ThS Nguyễn Dương Chân 

Đài Truyền hình Việt Nam

_________________

(1) J.Van Dijck, T Poell, M De Waal:The platform society: Public values in a connective world. Publisher: Oxford University Press, 2018.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.146.

(3) Kết quả khảo sát xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay (nghiên cứu trường hợp Đài Truyền hình Việt Nam). Cụ thể: Khảo sát 1045 tin/phóng sự của 06 chương trình tin tức, thuộc 3 kênh (VTV1, VTV Digital, VTV9) được phân phối trên 3 nền tảng (VTVgo, Facebook, YouTube) từ tháng 03-2022 đến hết tháng 03-2023. Kênh VTV1: Chương trình Việt Nam hôm nay, 5 phút hôm nay; VTV Digital: chương trình Chuyển động 24H, Chống buôn lậu, hàng giả - Bảo vệ người tiêu dùng; Kênh VTV9: chương trình Toàn cảnh 24H, Chuyển động đa chiều.

(4) Michael L. Wayne:Global streaming platforms and national pay-television markets: a case study of Netflix and multi-channel providers in Israel. Tạp chí The Communication Review, tập 23, số 01/2020, 29-45. https://doi.org/10.1080/10714421.2019.1696615.

(5) Myllylahti, M: An attention economy trap? An empirical investigation into four news companies Facebook traffic and social media. Journal of Media Business Studies, số 15, tập 04, 237-253. DOI:10.1080/16522354.2018.1527521.

(6) Billeaudeaux, A., Domke, D., Hutcheson, J. S., & Garland, P:News norms, indexing and a unified government: Reporting during the early stages of a global war on terror, 2023.

...