23/01/2025 lúc 02:24 (GMT+7)
Breaking News

Điện mặt trời sẽ giúp Việt Nam ghi điểm “phát triển kinh tế xanh" tại các hội nghị quốc tế về khí hậu

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia năng lượng, Quy hoạch điện VIII chưa đúng với xu hướng toàn cầu khi vẫn còn ưu ái cho điện than. Điều này có thể coi là sự vô lý, bởi Việt Nam thừa hưởng sự trù phú của thiên nhiên ban tặng, với nắng với gió là nguồn tài nguyên miễn phí nhưng vô cùng hữu ích cho năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế xanh, đúng với tinh thần không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

VNHN - Giữa lúc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu phủ bóng Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 thì Bản dự thảo Quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng phê duyệt của Bộ Công thương ngày 8/10/2021 có vẻ vẫn ưu ái điện than. Trong khi điện mặt trời sẽ giúp Việt Nam ghi điểm "phát triển kinh tế xanh".

Dự thảo QHĐ8 tiếp tục đi vào vết xe đổ nhiệt điện than mà thế giới đã và đang từ bỏ.

Dự thảo QHĐ8 tiếp tục đi vào vết xe đổ nhiệt điện than mà thế giới đã và đang từ bỏ.

Vì sao vẫn trong “cơn mê” điện than ?

Theo ông Nguyễn Đăng Anh Thi - Thạc sỹ ngành Quản lý công nghệ năng lượng sạch (Đại học British Columbia, Canada); Thạc sỹ Công nghệ môi trường, Viện Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho biết, dù là một bản quy hoạch ngành, nhưng Quy hoạch điện VIII không chỉ liên quan đến ngành điện, mà còn là tấm gương phản chiếu mô hình tăng trưởng của Việt Nam, có tính quyết định đến chất lượng môi trường, chất lượng sống và sức khỏe người dân Việt Nam ở hiện tại và tương lai. Không dừng lại ở đó, Quy hoạch điện VIII còn là bằng chứng để thế giới đánh giá về những cam kết và trách nhiệm về biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Điện mặt trời giúp Việt Nam ghi điểm “phát triển kinh tế xanh

“Dù quy mô hệ thống điện Việt Nam chỉ xếp thứ 23 thế giới nhưng chính nhiệt điện đã đưa chúng ta trở thành nơi nhập siêu than”, ông Nguyễn Đăng Anh Thi cho hay.

Tại một số buổi tọa đàm trực tuyến về Quy hoạch điện VIII do các tổ chức xã hội tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, tiếp tục phát triển các dự án điện than mới đến năm 2045 là trái với xu thế mới của khu vực và toàn cầu, rất khó khả khi vì nguồn tài chính quốc tế cho điện than ngày càng khó khăn hơn, nhiệt điện than ngày càng đắt đỏ hơn, các địa phương và người dân không ủng hộ.

Còn theo bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) kiêm Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), việc tiếp tục phát triển điện than theo Quy hoạch điện VIII là rất khó khả thi để triển khai trong bối cảnh nguồn tài chính cho nhiệt điện than ngày càng thắt chặt.

"Nếu tiếp tục đưa những dự án này vào quy hoạch thì nguy cơ cao sẽ lặp lại sai lầm của Quy hoạch điện VII điều chỉnh và ảnh hưởng lớn tới việc đảm bảo cung cấp điện, bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn vốn xanh", bà Khanh lưu ý.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ của các dự án nhiệt điện than là việc tiếp cận nguồn tài chính ngày càng khó khăn. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai trong số ba quốc gia vẫn còn đầu tư cho nhiệt điện than ở Việt Nam đã chính thức tuyên bố dừng cấp vốn cho các dự án điện than mới. Như vậy, áp lực cấp vốn sẽ đặt lên vai các ngân hàng trong nước.Trong kiến nghị gửi lên lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành góp ý về Quy hoạch điện VIII mới đây, VSEA cũng nêu lên thực tế, mặc dù đã được hưởng cơ chế đặc thù theo Quyết định 2414/TTg về việc điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013-2020, song có tới 16/34 dự án điện than vẫn không đi vào vận hành đúng tiến độ và tiếp tục bị đẩy lùi thêm nhiều năm trong dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Mặt khác, thực tế cho thấy, thế giới đã và đang hạn chế nhiệt điện vì vấn nạn môi trường, làm tăng hiệu ứng nhà kính) và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đã từ chối cho vay vì họ không muốn tiếp tay cho ô nhiễm.

Năng lượng sạch giúp Việt Nam “phát triển kinh tế xanh"

Trong 2 năm qua, năng lượng tái tạo mà điển hình là điện mặt trời đã là “vị cứu tinh” để bù đắp sự thiếu hụt năng lượng cho Việt Nam.

Ngoài ra, điện mặt trời còn là “cứu cánh” cho môi trường ở các vùng có khí hậu khắc nghiệt, cải thiện đời sống cư dân địa phương và chuyển đổi đất đai từ “xơ xác” trở thành trù phú.

Say mê trên những tấm gương Pin.

Hơn nữa, điện mặt trời còn giúp Việt Nam ghi điểm “phát triển kinh tế xanh” trên diễn đàn chống biến đổi khí hậu toàn cầu.Với lợi ích gần như tuyệt đối, điện mặt trời cần được phát triển.

Xu hướng thế giới đầu tư vào năng lượng tái tạo biến đổi (Variable Renewable Energy, VRE) để không chỉ đạt mục tiêu bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ sự ổn định cho nền kinh tế và cải thiện an ninh năng lượng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia năng lượng, Quy hoạch điện VIII chưa đúng với xu hướng toàn cầu khi vẫn còn ưu ái cho điện than. Điều này có thể coi là sự vô lý, bởi Việt Nam thừa hưởng sự trù phú của thiên nhiên ban tặng, với nắng với gió là nguồn tài nguyên miễn phí nhưng vô cùng hữu ích cho năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế xanh, đúng với tinh thần không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, Việt Nam có cả kho tài nguyên nắng - gió vô tận, không tốn tiền mua, rất thân thiện với môi trường, với con người. Do đó, chỉ cần chính sách tốt sẽ tạo đòn bẩy cho các nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc, bằng chứng chính là sự bùng nổ của điện mặt trời.

Vẻ đẹp bất tận của cánh đồng Pin xanh.

Ngoài ra, hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động cũng đang khát vốn để phục sinh sau đại dịch. Nguồn tiền ấy quý giá như liều vắc xin, như máy trợ thở giúp họ vượt cơn khủng hoảng mà các nước trên thế giới đang làm.Theo ông Thi, có thể tính toán, thay vì chi hàng tỷ USD nhập than để ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, thì nguồn kinh phí đó có thể tạo nên vô vàn kỳ tích từ việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường truyền tải để “bao trọn” hết công suất năng lượng sạch. Thực tế, sản lượng điện gió và điện mặt trời của nước ta hiện chỉ chiếm tỷ trọng 5,4% trên toàn hệ thống, thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng 9,4% của thế giới năm 2020.

Phải chăng chính “cơn mê” nhiệt điện than và những thứ hơn thế nữa đang ngáng chân chuyển dịch từ năng lượng bẩn sang năng lượng sạch tại Việt Nam?

Theo Báo Đầu tư