VNHN - Khi làm việc với TP. Hà Nội về thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định phải thay đổi tư duy từ tăng cường thu hút, sử dụng FDI sang hợp tác về đầu tư, phát triển.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung.
Sáng 29/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác của các bộ, ngành đã làm việc với TP. Hà Nội về việc thu hút và sử dụng vốn FDI trên địa bàn.
Đây là buổi làm việc thứ 4 của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan tới lĩnh vực này sau các địa phương Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh để xây dựng báo cáo trình Bộ Chính trị đầu năm nay.
Qua các lần khảo sát trước, Phó Thủ tướng cho biết FDI là thành phần kinh tế có đóng góp quan trọng tới sự phát triển kinh tế-xã hội, việc làm của các địa phương trong thời gian qua. Hiện nay, các dự án FDI đã có mặt ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Với vai trò là địa phương thu hút FDI lớn nhất của cả nước trong năm qua và cũng là một trọng điểm thu hút FDI, Phó Thủ tướng mong muốn TP. Hà Nội báo cáo những thuận lợi, bất cập trong lĩnh vực này, góp phần giúp Bộ Chính trị, Trung ương vạch ra hướng kêu gọi và sử dụng vốn FDI của đất nước trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Trọng tâm của định hướng thu hút, sử dụng hiệu quả vốn FDI của chúng ta là về thể chế, chính sách trên tinh thần coi trọng ngoại lực nhưng nội lực là quyết định. FDI là bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, góp phần tăng cường sức mạnh của các doanh nghiệp trong nước".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận, TP. Hà Nội đã thành công trong thu hút FDI. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tốc độ huy động vốn FDI của thành phố tăng về số tuyệt đối nhưng tỷ trọng lại theo xu hướng giảm xuống, ngược chiều với các địa phương khác.
Theo Phó Thủ tướng, "việc giảm này cần phân tích, đánh giá kỹ, đôi khi là tốt, chứng tỏ khu vực kinh tế trong nước mạnh lên, tránh lệ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI".
Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vấn đề tạo lập môi trường đáng sống, đáng đầu tư, giữ nét văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.
"Ngay khi đàm phán hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP, chúng ta phấn đấu có thời gian để bảo lưu, nhưng quan điểm của Chính phủ và chủ trương của Đảng là thời gian bảo lưu này cần thiết vừa đủ để chúng ta thay đổi hệ thống thể chế trong nước. Nếu kéo dài thời gian bảo lưu là chúng ta trì trệ. Phải tạo ra áp lực để có cải cách. Các tiêu chí cũng vậy, thu hút đầu tư phải có tiêu chí để thu hút".
Phó Thủ tướng cho rằng, tư duy về xúc tiến đầu tư phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ, chuyển trọng điểm thu hút từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng, hướng tới xây dựng mô hình khu công nghiệp gắn kết với đô thị, nhà đầu tư làm việc và sống tại chỗ./.