VNHN - Làm việc với tỉnh Bắc Ninh về tình hình thu hút, sử dụng FDI, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần có hệ thống chính sách khuyến khích chuyển giao khoa học công nghệ, kiện toàn hệ thống thông tin phân tích thống kê đánh giá tỷ lệ nội địa hóa, tiêu chí đánh giá về hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Báo Bắc Ninh.
Tiếp tục chương trình khảo sát tìm hiểu thực trạng tình hình đầu tư nước ngoài, góp ý hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị về "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030", chiều 25/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc tại Bắc Ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh cho biết, sau hơn 20 năm tái lập, thu hút đầu tư nước ngoài ở Bắc Ninh đã phát triển mạnh mẽ, trở thành khu vực kinh tế năng động, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, tạo giá trị gia tăng đáng kể cho nền kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Lũy kế đến hết năm 2018, Bắc Ninh đã thu hút khoảng 1.300 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 17,2 tỷ USD đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ, đầu tư vào 14 ngành, lĩnh vực, đứng thứ 6 cả nước về quy mô vốn đầu tư.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ đạo, chiếm 92,8% tổng vốn đầu tư trên địa bàn và Hàn Quốc hiện đang là quốc gia dẫn đầu về số dự án và tổng vốn đầu tư, chiếm 57% tổng vốn FDI toàn tỉnh. Riêng năm 2018, Bắc Ninh thu hút được 175 dự án, tổng vốn đầu tư là 1,1 tỷ USD.
FDI đã góp phần tích cực vào tăng trưởng GRDP và bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp; tăng kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2018, khu vực FDI đóng góp vào ngân sách 8.055 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng thu ngân sách của tỉnh và tạo việc làm cho 196.500 lao động, chiếm 29,3% tổng số lao động của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người khu vực FDI năm 2018 là 11,2 triệu đồng, gấp khoảng 1,5 lần khu vực tư nhân trong nước…
Tuy nhiên, ông Quỳnh cho rằng, trong những năm gần đây, do kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, đầu tư nước ngoài vào tỉnh lớn, các thiết chế hạ tầng kỹ thuật – xã hội phát triển chưa theo kịp tốc độ phát triển dẫn đến tình trạng quá tải, nhất là hạ tầng nhà ở chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp.
Chính sách hiện nay đang quy định thời gian ưu đãi thuế cho các dự án đầu tư đều là khoảng thời gian tuyệt đối tính từ khi dự án đi vào hoạt động (đối với ưu đãi thuế suất) và từ khi có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư (đối với ưu đãi miễn giảm). Thời gian ưu đãi thuế không có bất kỳ sự ràng buộc nào về thời gian thực hiện dự án.
Quy định này dễ dẫn đến nhà đầu tư lợi dụng chính sách ưu đãi để hưởng lợi, sau khi hết thời gian ưu đãi họ thực hiện đầu tư mới dự án tại địa phương khác với cùng mục tiêu thực hiện nhằm tiếp tục hưởng ưu đãi, ông Nguyễn Tử Quỳnh nói.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng: "Chừng nào còn quy định nhiều loại ưu đãi, nhiều chế độ chính sách thì càng khó thực thi trên thực tế, do vậy cần cân nhắc ưu đãi thế nào. Dựa vào ưu đãi để thu hút đầu tư thì không bền vững được, cần nghĩ đến những vấn đề dài hơi".
Các ý kiến khác của tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và khu vực kinh tế tư nhân trong nước còn hạn chế. Tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, doanh nghiệp FDI có xu hướng nhập khẩu cao.
Một số doanh nghiệp FDI có biểu hiện kê khai lỗ nhiều năm, chuyển giá thông qua các giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết không theo giá thị trường, làm giảm nghĩa vụ thuế tại Việt Nam. 5 năm gần đây, Cục Thuế Bắc Ninh đã rà soát các doanh nghiệp FDI, xử lý 17 doanh nghiệp vi phạm, truy thu hơn 26,3 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tử Quỳnh cho biết Bắc Ninh sẽ chuyển hướng thu hút đầu tư FDI theo tiêu chí 3 "cao": "Công nghệ cao, môi trường cao (coi trọng bảo vệ môi trường-PV), ngân sách cao" và 2 "ít": Ít đất, ít lao động.
Nhấn mạnh Bắc Ninh thuộc top 7 về GRDP, top 2 về thu nhập bình quân đầu người, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng thành tích này có đóng góp lớn của khu vực FDI- khối chiếm tới 63% tổng vốn đầu tư trên địa bàn, chiếm 93% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, 99,6% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng FDI chỉ đóng góp vào ngân sách 28,7% tổng thu ngân sách dù tổng mức đầu tư chiếm tỷ lệ lớn, tỉnh Bắc Ninh cần làm rõ.
Phó Thủ tướng cho rằng cần có hệ thống chính sách khuyến khích chuyển giao khoa học công nghệ, kiện toàn hệ thống thông tin phân tích thống kê đánh giá tỷ lệ nội địa hóa, tiêu chí đánh giá về hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp, tác động lan tỏa với các lĩnh vực khác.
"Các chính sách phải rõ ràng, tường minh, phân tích rõ các chỉ tiêu đánh giá đóng góp vào GRDP, ngân sách. Hiệu quả của doanh nghiệp không chỉ ở việc mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn đóng góp tốt hơn cho ngân sách nhà nước và mang lại giá trị cho người dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá cao các kiến nghị, đề xuất của Bắc Ninh, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện Đề án./.