28/11/2024 lúc 03:51 (GMT+7)
Breaking News

Ngoại giao thời 4.0 dưới góc nhìn IT

VNHN-Vốn là dân kỹ thuật, bôn ba hải ngoại làm IT cho “Tây” hơn 20 năm trời nhưng tôi lại rất quan tâm đến ngoại giao và những người làm ngoại giao nước ta. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang được nhắc đến khá nhiều, đặc biệt trong ASEAN và Việt Nam, tôi thích khái niệm ngoại giao kiểu 4.0.

VNHN-Vốn là dân kỹ thuật, bôn ba hải ngoại làm IT cho “Tây” hơn 20 năm trời nhưng tôi lại rất quan tâm đến ngoại giao và những người làm ngoại giao nước ta. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang được nhắc đến khá nhiều, đặc biệt trong ASEAN và Việt Nam, tôi thích khái niệm ngoại giao kiểu 4.0.

ASEAN và Việt Nam 4.0Các học giả tiên đoán cuộc CMCN 4.0 sẽ phát triển và thay đổi diện mạo nhân loại trong những thập kỷ tới. ASEAN bàn về ASEAN 4.0, Thái Lan nói về Thai 4.0 và Việt Nam cũng bàn nhiều đến CMCN 4.0 và cũng có VN 4.0 cho riêng mình.

Trong Sách trắng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) “ASEAN 4.0: What does the Fourth Industrial Revolution mean for regional economic integration? (4.0 có ý nghĩa kinh tế như thế nào trong khu vực) xuất bản năm 2017 cho thấy, GDP của ASEAN trong 10 năm qua đã tăng gấp đôi, từ 1,3 ngàn tỷ (2007) lên 2,6 ngàn tỷ (2016). Sách trắng ADB 2017 cũng dự báo, trong tương lai, số người thu nhập 5.000 USD/năm trong ASEAN sẽ tăng lên 400 triệu người vào năm 2020, cho thấy ASEAN là khu vực có tăng trưởng năng động bậc nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, với cuộc CMCN 4.0 đang nổi lên, ASEAN sẽ chịu tác động lớn bởi công nghệ cao cần tay nghề cao, môi trường thông thoáng cho sáng tạo. Do đó, chỉ có quốc gia nào nhìn xa từ 10 đến 30 năm sẽ tránh được khủng hoảng về khoảng cách số.

ngoai giao thoi 40 duoi goc nhin it

Không thể có CMCN 4.0 với tư duy 1.0. (Nguồn: CNET)

Thách thức như thế nhưng cơ hội là không nhỏ. ADB ước tính, đến 2030, thị trường công nghệ mới sẽ tạo ra giá trị lên đến 625 tỷ USD hàng năm cho ASEAN và tạo ra những cơ hội khó tính được bằng tiền.

Với 4.0 thì công dân khu vực được tiếp xúc với dịch vụ hiện đại như y tế từ xa, giáo dục, và các định chế tài chính... Đó cũng là cơ hội cho SMEs (các xí nghiệp vừa và nhỏ) vượt lên, hiện SMEs chiếm khoảng từ 88% đến 99% các doanh nghiệp trong khu vực và tạo ra từ 52% đến 97% việc làm cho ASEAN.

Với “miếng bánh” 600 tỷ USD do CMCN 4.0 tạo ra trong những năm tới, không khó đoán kinh tế ASEAN sẽ tiếp tục tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ với trình độ IT của khu vực...

Tiếp đến là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới được Quốc hội thông qua, Việt Nam được dự đoán hưởng lợi nhiều nhất. Trong Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội, CPTPP sẽ giúp kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có khả năng tăng thêm hơn 4 % đến năm 2035 và có thể tạo thêm đến 26.000 việc làm mỗi năm cho Việt Nam.

Có cơ hội thì có thách thức. Mình làm được thì người khác cũng làm được. Cơ hội của mình cũng là cơ hội của người khác trong một thế giới mở, với CPTPP và CMCN 4.0, khó có quốc gia nào đóng cửa mà có thể phát triển, theo kịp thế giới.

Hồi tháng 11/2018, trong khi chờ gần 20 tiếng ở sân bay Dubai để bay tiếp về Hà Nội, tôi thấy rất nhiều cửa hàng miễn thuế, hàng ăn sang trọng. Nhưng ít thấy người bán là người Arab mà toàn thấy người Phillipines bán đồ ăn và người Trung Quốc bán đồng hồ, vàng và kim cương. Cố tìm người Việt xem thế nào mà không thấy. Thế giới phẳng của Friedman và dấu ấn CMCN 4.0 đã len lỏi khắp thế giới.

Ngoại giao giúp gì cho CMCN 4.0 và CPTPP

Để chia được miếng bánh mà CMCN4.0 và cơ hội CPTTP, mối bang giao khu vực và quốc tế sẽ thay đổi tùy quyền lợi của từng quốc gia. Chính sách miễn thị thực (Visa-free) của ASEAN là một lợi thế lớn, giúp cho hàng hóa thông thoáng, dịch vụ cao cấp đi lại dễ và thương mại đa chiều tăng lên.

Mới đây, Hàn Quốc không thuộc ASEAN ngỏ lời cho công dân Việt Nam có thu nhập cao, trình độ đại học trở lên, được cấp visa dài hạn. Có lẽ không phải do nền bóng đá Việt Nam do Thầy Park Hang -seo mang lại, mà họ nhìn xa hơn. Đó là cách người Hàn “nhờ du khách Việt để bán hàng Hàn”, từ tivi, tủ lạnh, xe hơi, mỹ phẩm, phim ảnh, món ăn kim chi đến nhảy Gangnam. Sâu xa mà nói, đó là “ngoại giao 4.0” kiểu Hàn, bằng chính sách mà chẳng cần nhiều công nghệ.

Hàn Quốc làm việc này ngay trước khi CPTPP được ký kết. Mới hiểu tại sao Hàn Quốc là con rồng của châu Á dù dân số chỉ hơn 51 triệu nhưng thu nhập bình quân gần 40 ngàn USD/người/năm.

Khi tôi muốn tìm hiểu các nước, tôi thường vào trang web của Bộ Ngoại giao nước đó. Vào trang web của bộ ngoại giao Mỹ, Anh hay Thái Lan…, tôi đều thấy có tầm nhìn và định hướng quốc gia của họ rất rõ ràng. Với Mỹ, đó là đẩy mạnh dân chủ, nhân quyền quốc tế để gia tăng và phục vụ lợi ích quốc gia. Còn Thái Lan không định hướng như Mỹ nhưng nhấn mạnh tới quyền lợi quốc gia như nhiều nước khác.

Có lẽ trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cần những định hướng và những thông tin được cập nhật để khi đối tác muốn tìm hiểu Việt Nam làm gì trong đối ngoại sẽ tìm đến trang này.

Trải thảm qua cửa VISA

Chúng ta nói nhiều về trải thảm đỏ cho nhân tài về nước. Trong bối cảnh thế giới phẳng, ngồi đâu cũng làm được thì không nhất thiết về cố hương. Nhưng đối với người gốc Việt khi về công tác, dự hội thảo, ở dài hạn... thì thủ tục cấp visa thời 4.0 với giá cả và dịch vụ được công bố rõ ràng cũng là một yếu tố quan trọng.

Nếu ai từng xin visa đi Mỹ hay vào EU, thủ tục đều qua trang web của lãnh sự, từ khai form, gửi ảnh, trả phí… chỉ khi phỏng vấn mới phải có mặt. Vào Pháp thông qua một công ty dịch vụ tự phỏng vấn, nếu OK thì gửi hồ sơ cho bên lãnh sự kiểm tra an ninh và cộp dấu. Với gần 5 triệu người Việt ở hải ngoại và cần sự đóng góp của họ cho CMCN 4.0, Internet vạn vật (IoT) hay CPTPP, thì cũng cần có “Ngoại giao 4.0” ở thủ tục visa, hộ chiếu... Chúng ta cũng đã có nhiều thay đổi tích cực trong chuyện này. Ví dụ khi chuyên gia nước ngoài đến làm việc, chỉ cần làm thủ tục ở cửa khẩu 1 phút/người ngay tại sân bay như ta đang làm là rất tuyệt vời. Du lịch sinh lời hàng tỷ USD hàng năm, nhiều nước trong khu vực khôn khéo trong chính sách visa nên thu lợi lớn do tiện đi lại, tổ chức sự kiện quan trọng.

Ngoài ra, khi CPTTP và CMCN 4.0 giúp tạo ra hàng hóa, sản phẩm mới, khâu quảng bá cũng rất quan trọng? Ngoài chuyện biết quốc gia sở tại muốn xuất nhập khẩu hàng gì, Việt Nam có gì và làm gì để kết nối hiệu quả, đó cũng chính là làm Ngoại giao 4.0.

Mới đây, ông Ousman Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đã nói về chữ TIP để Việt Nam có thể thích ứng với CMCN 4.0. Đó là Công nghệ (Technologies), Thể chế (Institutions) và Con người (People). Với Ngoại giao, chữ TIP đó cũng còn nguyên giá trị, bởi sẽ không thể có CMCN 4.0  với bộ máy 1.0.

Nói về giá trị mà ngoại giao mang lại, tôi thích cách mà Bộ Ngoại giao Thái Lan viết trên trang web của họ. Đó là chữ CARE (Constructive - Xây dựng, Accountable – Trách nhiệm, Reliable – Tin cậy, Excellent – Tuyệt vời).  Với người làm IT như tôi, có TIP và CARE sẽ có nền Ngoại giao 4.0 thành công thời CMCN 4.0 mà mục đích cuối cùng là bảo vệ quyền lợi quốc gia trong việc chia sẻ miếng bánh hàng trăm tỷ USD do CMCN 4.0 và CPTPP mang lại.

Tiến sĩ Hiệu Minh