08/01/2025 lúc 14:24 (GMT+7)
Breaking News

Đừng để lợi ích công nghiệp 4.0 chỉ trên giấy!

VNHN-Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 28,5 – 62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng 7-16% GDP đến năm 2030, trong đó, nhiều ngành kinh tế dự báo sẽ tăng thêm giá trị gia tăng hàng tỷ USD. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lợi ích "trên giấy", còn kết quả thực tế đang rất hạn chế.

VNHN-Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 28,5 – 62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng 7-16% GDP đến năm 2030, trong đó, nhiều ngành kinh tế dự báo sẽ tăng thêm giá trị gia tăng hàng tỷ USD. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lợi ích "trên giấy", còn kết quả thực tế đang rất hạn chế.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 28,5 – 62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng 7 – 16% GDP đến năm 2030. GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm 315 – 640 USD/người vào năm 2030 nhờ tăng năng suất và tăng việc làm…

Doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng?

CIEM cũng cho biết, các ngành truyền thống của Việt Nam dự báo sẽ tăng thêm giá trị gia tăng nếu thực hiện CN 4.0. Đơn cử, ngành chế tạo sẽ tăng thêm 7-14 tỷ USD tùy mức độ ứng dụng. Ngành nông nghiệp truyền thống tăng thêm 4,9 tỷ USD nhờ tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất.

Ngành tài chính sẽ tăng thêm 3,5 tỷ USD nhờ có thêm sản phẩm, dịch vụ và tiết kiệm chi phí. Ngành thông tin và truyền thông sẽ tăng thêm 2,5 tỷ USD, tăng 77% so với trường hợp không thực hiện CMCN 4.0…

Ngoài các ngành, lĩnh vực truyền thống, CN 4.0 sẽ phát triển những ngành, lĩnh vực mới là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam (internet vạn vật, media, kinh tế số…). Dự báo các ngành này sẽ có doanh thu năm 2030 rất cao như thương mại điện tử đạt 40 tỷ USD, sản xuất thiết bị robot – trí tuệ nhân tạo (AI) hơn 420 triệu USD, phân tích dữ liệu: 730 triệu USD, điện toán đám mây: 2,2 tỷ USD, gọi xe công nghệ: 2,2 tỷ USD, Fintech: 1,5 tỷ USD, nông nghiệp thông minh: 1,7 tỷ USD…

Tuy vậy, báo cáo trên cũng cho biết năng lực khoa học công nghệ của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước trên thế giới. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp thứ 84/100 xét về đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) nhưng xếp thứ 74/100 xét về số lượng công bố khoa học chia cho GDP.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu: nhỏ lẻ, phân tán; thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết cho các công ty khởi nghiệp như kết nối internet, phòng thí nghiệm R&D, trung tâm dữ liệu để truy cập thông tin ở Việt Nam và trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam chỉ có 9 trung tâm dữ liệu chuyên dụng cho các doanh nghiệp (DN), ít hơn rất nhiều so với các nước láng giềng Đông Nam Á như Singapore và Indonesia.

Đặc biệt, đại đa số DN có trình độ công nghệ thấp và chưa quan tâm đến ứng dụng công nghệ mới. Vốn đầu tư cho công nghệ có tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu; thiếu quy mô và khả năng kết nối cung-cầu. Hiện nay, không có công ty lớn nào trên thị trường tạo ra tác động lớn.

Tuy môi trường có nhiều cải thiện trong những năm gần đây nhờ nỗ lực cải cách của Chính phủ, nhưng thực tế cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều khó khăn. Thể chế kinh tế thị trường nhìn chung chưa phù hợp với đổi mới sáng tạo; pháp luật về kinh doanh chậm thay đổi trước các xu hướng công nghệ và thị trường.

Bởi vậy, khảo sát của Bộ Công Thương mới đây cho thấy phần lớn DN sản xuất công nghiệp đang có mức độ tiếp cận thấp với cuộc CMCN 4.0, trong đó những trụ cột có mức độ tiếp cận thấp nhất là chiến lược tổ chức và sản phẩm thông minh.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, đặt vấn đề: thời gian qua, Việt Nam nói nhiều về CMCN 4.0 nhưng kết quả vẫn còn hạn chế, dù chúng ta có nhiều tiềm năng.

Ông Bình cho rằng vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay là dữ liệu. Nói tới CMCN 4.0 phải nói tới startup, nhưng khi làm việc, vấn đề mà các DN than nhất là "xin – cho". Cụ thể, nhiều DN cho biết, họ làm một số loại sản phẩm mới nhưng đi đăng ký cho sản phẩm mới đã phát hiện ra trong các danh mục quản lý lại không có.

Bởi vậy, ông Bình nhận xét Việt Nam đang đi trong vòng luẩn quẩn. Các DN khởi nghiệp đều vướng xin – cho, trong khi luôn nói Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp.

Ông Bình chia sẻ, vừa qua ông có cơ hội được cùng đoàn của Văn phòng Chính phủ đi thăm những quốc gia hàng đầu về kinh tế số, cụ thể Estonia – quốc gia nhỏ bé vùng biển Baltic không có hạ tầng công nghiệp, không có khoáng sản nhưng vươn lên hàng đầu về CMCN 4.0. Họ có dữ liệu mở để DN, người dân khai thác dữ liệu. Hiện nay, Việt Nam không phải không có dữ liệu nhưng dữ liệu bị cát cứ, người dân, DN không thể dùng.

Vấn đề là cách làm

Trước thực tế trên, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng CMCN 4.0 là cơ hội lớn, nếu không nắm được sẽ bị tụt hậu. Nhà nước cần có thái độ tích cực về công nghệ và sáng tạo, chấp nhận các công nghệ mới – mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu; Coi công nghệ và sáng tạo là cơ hội để giải quyết các vấn đề phát triển, do đó cần tạo điều kiện tốt nhất để khuyến khích công nghệ và sáng tạo.

Cụ thể, Nhà nước cần rà soát, sửa đổi thể chế quản lý kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trên nền tảng số; tạo không gian thể chế cho các thử nghiệm công nghệ (regulatory sandbox); rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế cho các ngành công nghiệp mới xuất hiện, ví dụ như thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ; các công nghệ tài chính - ngân hàng số (Fintech); nâng cao chất lượng pháp luật và thi hành pháp luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ để khuyến khích R&D, đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần rà soát, sửa đổi các quy định về thúc đẩy R&D và chuyển giao công nghệ cho DN, thay các chính sách khuyến khích hiện hành (như Quỹ phát triển KHCN trong DN) bằng các chính sách hiệu quả hơn, ví dụ như dùng ngân sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân lực của DN…

Theo ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), để có được những định hướng, chính sách phát triển phù hợp, giải pháp cụ thể hỗ trợ, thúc đẩy DN tiếp cận, tham gia cuộc CMCN 4.0, cần phải hiểu các DN đang đứng ở đâu so với các yêu cầu của một nền sản xuất hiện đại thông minh trong tương lai.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình cho rằng startup ở Việt Nam đang có hàng vạn lĩnh vực để khởi sự kinh doanh, không cứ phải đối đầu với các tập đoàn khổng lồ để chế tạo lại bánh xe, thay vào đó cần tập trung giải quyết bài toán mà người Việt đang cần.

"Kinh tế chia sẻ không chỉ chia sẻ vấn đề giao thông đi lại. Mỗi startup phải sáng tạo, đổi mới, tìm ở "biển xanh" những "ốc đảo" của mình để phát triển", ông Bình nhắn nhủ.

Còn đối với các DN hiện đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ tiêu dùng, dịch vụ…, việc chuyển đổi số của khu vực này đang có không gian mênh mang, vấn đề là DN cần người tài để thực hiện.

Theo ông Bình, số liệu thống kê từ nhiều nguồn trên thế giới cho biết hiện đang có khoảng 22.000 chuyên gia về dữ liệu, chuyên gia cấp cao có 5.000 người, người Việt chiếm gần 1/10 trong số này.

"Như vậy, DN Việt Nam đang có lợi thế để chuyển đổi số, phát triển đi lên CN 4.0. Vấn đề là làm thế nào để khai thác lợi thế, tiến nhanh tới nền kinh tế số. Đây là thách thức của cả dân tộc", ông Bình nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Trong kỷ nguyên số, nếu không sẵn sàng, có năng lực, nhận thức, tư duy và từ đó đưa ra những chiến lược, hành động cụ thể để nắm bắt được cơ hội từ CMCN 4.0, DN không thể nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất và sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc chơi này.

Ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

CMCN 4.0 không phải đang gõ cửa mà đã hiện diện trong nhà của chúng ta rồi. Điều đầu tiên mà Việt Nam phải làm là làm sao có thể thúc đẩy được khối tư nhân trong nước phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ, tạo đột phá về cơ sở hạ tầng và đầu tư vào nguồn nhân lực cho phù hợp với thế kỷ XXI.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT

Quá trình chuyển đổi số chắc chắn sẽ đầy thách thức, những cản trở trên đường mà chúng ta gặp phải là rất nhiều. 5 năm tới, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy một thế giới mới, 15 năm nữa thế giới sẽ dịch chuyển sang giai đoạn đầu của CMCN 4.0. Vấn đề là Việt Nam định đi ở hàng nào: cuối, giữa hay đầu? Hy vọng Nhà nước, cộng đồng DN, người dân cùng nỗ lực để đưa Việt Nam lên những toa đầu của CN 4.0.

Theo thoibaokinhdoanh.vn