23/04/2024 lúc 20:26 (GMT+7)
Breaking News

Ngành nông nghiệp Kiên Giang tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế tỉnh

Ngày 03/04, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang đã có buổi làm việc với Đoàn nghiên cứu thực tế của Lớp cao cấp lý luận chính trị K73. A06 (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) do PGS. TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn.

Tham dự buổi làm việc, có đồng chí Nguyễn Thiện Cẩn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang và các thành viên trong đoàn công tác.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thiện Cẩn và ông Huỳnh Thanh Liêm, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã thông tin khái quát về kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 và tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Đồng chí Huỳnh Thanh Liêm cho biết, tỉnh Kiên Giang có tổng diện tích tự nhiên là 6.349 km2, gồm 15 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm phần đất liền và phần hải đảo, dân số 1.748.465 người. Là tỉnh có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, Kiên Giang xác định sản xuất nông nghiệp sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của tỉnh và của đời sống người dân.

Ngành nông nghiệp Kiên Giang, với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự vào cuộc của các ngành, các cấp, sự hỗ trợ từ các bộ ngành Trung ương, đã phát huy những điều kiện thuận lợi, khắc phục dần những hạn chế trong chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất nông nghiệp, đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh (với tỷ trọng chiếm 38,27%). Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 64.854 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Sản lượng lúa cả năm được hơn 4,408 triệu tấn, vượt 0,19% kế hoạch.

Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 176 sản phẩm đã được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên; Công nhận thêm 17 xã đạt chuẩn NTM và 5 xã đạt chuẩn nâng cao theo tiêu chí mới. Toàn tỉnh có 107/116 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 92,24%; 05/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ NTM; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch là 64,1%, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo 1,90%, hộ cận nghèo 3,18%.

Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có thêm 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 02 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; có thêm 09 xã NTM, trong đó có 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Lũy kế đến năm 2025, nâng tổng số toàn tỉnh có 09/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (60%), trong đó có 02/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (13,33%); có 116/116 xã đạt chuẩn NTM (100%), trong đó có 40/116 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (34,48%), 15/116 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (12,93%).

Đoàn nghiên cứu thực tế Lớp cao cấp lý luận chính trị K73. A06 - Học viện Chính trị làm việc tại Kiên Giang

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, diện mạo khu vực nông thôn đã có nhiều thay đổi tích cực, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện, an ninh chính trị được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Về phát triển Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT) nông nghiệp, đồng chí Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 01 Liên hiệp HTX tại huyện Giang Thành có 07 HTX thành viên, với vốn điều lệ 210 triệu đồng. Thành lập mới 34 HTX nông nghiệp, sáp nhập 17 HTX thành 8 HTX. Tổng số HTX trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay là 447 HTX (355 HTX trồng trọt, 90 HTX thủy sản, 02 HTX chăn nuôi) số vốn điều lệ 143.758 triệu đồng, 31.726 thành viên, diện tích sản xuất 55.212 ha. Hiện tỉnh có 2.183 tổ hợp tác đang hoạt động, với tổng số 43.740 tổ viên; số vốn góp 17.630 triệu đồng và 65.714 ha canh tác.

Đoàn nghiên cứu thực tế Lớp cao cấp lý luận chính trị K73. A06 và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang

Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên, tỉnh đã xây dựng, áp dụng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KTTT, như: Chính sách cán bộ và nguồn nhân lực; chính sách xúc tiến thương mại mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm; chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; chính sách thành lập mới HTX; Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Đặc biệt, với chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, đến nay tỉnh đã hỗ trợ máy móc thiết bị cho các HTX tham gia xây dựng mô hình HTX điểm ở các huyện: Hòn Đất, Tân Hiệp, U Minh Thượng, Châu Thành, Gò Quao với kinh phí 2,5 tỷ đồng; Tổ chức 159 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 11.925 tổ viên và thành viên; Hỗ trợ HTX sản xuất dịch vụ Kinh 10 xây dựng nhãn hiệu tập thể và truy xuất nguồn gốc nông sản đối với khoai mỡ Mộng Linh; Hỗ trợ HTX Nông nghiệp Tân An xây dựng nhãn hiệu tập thể và truy xuất nguồn gốc chả lụa Kênh 5B; Hỗ trợ HTX Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát xây dựng nhãn hiệu tập thể và truy xuất nguồn gốc đối với tôm khô Vĩnh Thuận, với tổng kinh phí 121 triệu đồng.

Đoàn nghiên cứu thực tế Lớp cao cấp lý luận chính trị K73. A06 - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Từ những đặc điểm thực tế của địa phương qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, đồng chí Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy rút ra 5 bài học kinh nghiệm; đồng thời, nêu ra những yêu cầu và xu hướng mới phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thời gian tới. Đồng chí nhấn mạnh 7 giải pháp để địa phương thực hiện thắng lợi Nghị quyết XI của Đảng bộ tỉnh.

Thay mặt Đoàn nghiên cứu thực tế, PGS. TS Nguyễn Danh Tiên bày tỏ cảm ơn sự tiếp đón và chuẩn bị nội dung buổi làm việc chu đáo; đồng thời, khẳng định các báo cáo, trao đổi tại buổi làm việc là những tư liệu quan trọng, thiết thực, ý nghĩa giúp cán bộ, học viên của Đoàn có thêm tư liệu để hoàn thành nội dung nghiên cứu thực tế tại tỉnh Kiên Giang.

Thanh Bút