Theo đó, Cơ quan thanh tra, giám sát yêu cầu các tổ chức tín dụng quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài. Đồng thời thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thực tế về nhà ở của người dân. Hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Trên thực tế các ngân hàng đã hạn chế tín dụng vào bất động sản hơn một tháng qua. Vừa qua một ngân hàng cổ phần trong nhóm Big 4 mới đây cũng bất ngờ tạm ngưng giải ngân các khoản tín dụng bất động sản dù đã được phê duyệt hồ sơ để rà soát toàn hệ thống.
Trước đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh, điểm giao dịch trong hệ thống về kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022.
Theo đó, một nội dung quan trọng là yêu cầu không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay đối với cán bộ, công nhân viên và người mua/xây/sửa bất động sản để ở. Ngân hàng này cũng yêu cầu các đơn vị không thực hiện huy động, cho vay cầm cố sổ cùng lúc.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng thông báo kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản.