23/11/2024 lúc 23:02 (GMT+7)
Breaking News

Ngăn chặn hàng hoá giả mạo nhãn mác xuất xứ Việt Nam

VNHN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả, vừa ký ban hành Kế hoạch Tăng cường phòng chống buôn lậu sản xuất kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác xuất xứ Việt Nam. Kế hoạch được thực hiện từ 1/8/2019 đến 1/8/2020.

VNHN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả, vừa ký ban hành Kế hoạch Tăng cường phòng chống buôn lậu sản xuất kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác xuất xứ Việt Nam. Kế hoạch được thực hiện từ 1/8/2019 đến 1/8/2020.

Ảnh minh họa - TL

Việt Nam đang nằm trong nguy cơ cao bị các nước áp đặt mức thuế do đội lốt xuất xứ. Khả năng các doanh nghiệp, thương hiệu Việt sẽ bị mất nhãn mác, người tiêu dùng không thể phân biệt được hàng xuất xứ ở đâu đang hiện diện. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến thương hiệu quốc gia, khiến hàng Việt gặp khó ở các thị trường phát triển Mỹ, châu Âu, Nhật, Úc...

Trước nguy cơ trên, Kế hoạch được ban hành nhằm phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam, trong đó có sự tham gia của các bộ ngành và cơ quan trung ương.

Cụ thể, Ban chỉ đạo 389 (BCĐ 389) quốc gia yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quản tăng cường kiểm tra phát hiện các dấu hiệu hành vi sản xuất hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất nhập khẩu. Chỉ đạo lực lượng thuế qua công tác quản lí, phát hiện tổ chức cá nhân sử dụng hóa đơn có dấu hiệu bất thường, không để các đối tượng lợi dụng hóa đơn quay vòng để hợp thức hóa các loại hàng hóa nhập lậu...

Đặc biệt, Văn phòng 389 Quốc gia yêu cầu ngành Hải quan kiểm tra chặt chẽ việc khai báo mã HS cho mặt hàng nhập khẩu của doanh nghiệp, không để các đối tượng cố tình khai báo sai mã HS của nguyên liệu nhập khẩu để làm căn cứ xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu tại các đơn vị cấp C/O.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội biên phòng tăng cường quản lí chặt chẽ việc xuất nhập cảnh, chốt chặn tại một số đường mòn trọng điểm nhằm ngăn chặn tình trạng mang vác hàng hóa giả mạo nhãn mác xuất xứ Việt Nam qua biên giới bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực biên giới. Phối hợp lực lượng hải quan, quản lí thị trường ngăn chặn, xử lí nghiêm hành vi lưu thông, bày bán hàng hóa giả mạo nhãn mác xuất xứ Việt Nam trên thị trường ở khu vực biên giới.

Bộ Công thương rà soát sửa đổi bổ sung thay thế các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định về hàng hóa xuất xứ Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tế. Chỉ đạo Cục xuất nhập khẩu kiểm tra chặt chẽ việc cấp C/O theo các hiệp định thương mại tự do FTA…

Bộ Thông tin & Truyền thông chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lí nghiêm hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn mác xuất xứ Việt Nam trên các trang thông tin điện tử; mạng xã hội.

Bộ Khoa học công nghệ  tăng cường rà soát những bất cập về các quy định ghi nhãn hàng hóa. Xem xét ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa trong đó quy định cụ thể cách ghi nhãn hàng hóa “Made in Việt Nam” hoặc “hàng hóa Việt Nam chất lượng cao” hoặc tiêu chí ghi nhãn hàng hóa bằng tiếng nước thứ ba khi nhập khẩu; quy định cụ thể về việc đặt gia công, ủy thác sản xuất hàng hóa từ nước ngoài…để tránh việc các đối tượng lợi dụng để vi phạm .

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các cấp phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra, phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị các bộ: Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... cùng vào cuộc với các bộ, ngành địa phương và cơ quan chức năng để ngăn chặn giả mạo, nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Số liệu thống kê của BCĐ 389 quốc gia cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 10.517 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.007 tỷ đồng, khởi tố hình sự 20 vụ; Tổ chức thanh tra, kiểm tra 29.283 doanh nghiệp (DN), thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.819 tỷ đồng.