VNHN - Mặc dù hàng Việt luôn được người tiêu dùng trong nước đánh giá cao, nhưng theo nhận định từ nhiều chuyên gia kinh tế, khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi thì hàng Việt sẽ phải chịu áp lực và cạnh tranh rất lớn.
Ngày 1/8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu (XK) sang thị trường EU sẽ được giảm thuế. Ngược lại, nhiều mặt hàng từ EU nhập khẩu vào Việt Nam cũng được giảm thuế theo cam kết của EVFTA. Tuy nhiên, hiện nay vấn nạn hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là hàng kinh doanh trên môi trường mạng Internet vẫn đang rất khó kiểm soát, ngăn chặn triệt để, đang là áp lực cho hàng Việt trong quá trình cạnh tranh với hàng ngoại nhập, có chất lượng và tiêu chuẩn cao của EU tại thị trường nội địa...
Thời gian qua, mặc dù hàng Việt luôn được người tiêu dùng trong nước đánh giá cao, nhưng theo nhận định từ nhiều chuyên gia kinh tế, khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi thì hàng Việt sẽ phải chịu áp lực và cạnh tranh rất lớn.
Hàng Việt tại hệ thống siêu thị có khả năng cạnh tranh tại thị trường nội địa với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ EU.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao. Như tại hệ thống siêu thị Co.opmart chiếm 90 - 93%, Satra 90 - 95%, Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%…
Cùng với đó, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị nước ngoài như Lotte, BigC, AEON - Citimart, Emart cũng chiếm từ 65 - 96%. Mặc dù hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại chiếm tỷ lệ khá lớn, nhưng hàng Việt cũng đang đứng trước nhiều thách thức cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ EU.
Bởi khi EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020, hàng XK của EU vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay đối với 48,5% số dòng thuế, và sau 7 năm sẽ xóa bỏ đến 91,8% số dòng thuế. Không chỉ cắt giảm thuế, hàng hóa xuất xứ từ EU cũng có thương hiệu với chất lượng cao nổi tiếng toàn cầu như mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm... là những áp lực đối với hàng Việt, khi cùng cạnh tranh tại thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vẫn chưa được kiểm soát triệt để, nhất là hàng hóa rao bán trên môi trường online vẫn đang là thách thức của hàng Việt.
Điển hình, đầu tháng 7/2020, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hòa Bình đã kiểm tra phát hiện 3 điểm kinh doanh qua địa chỉ facebook gồm: facebook Thoa Nguyễn, do bà Nguyễn Thị Bích Thúy làm chủ, kinh doanh các mặt hàng túi xách nữ, giày dép nam nữ, trẻ em, gối massage; địa điểm kinh doanh do ông Lê Xuân Dân làm chủ (địa chỉ facebook Quách Thị Ngọc Anh), kinh doanh các loại giày dép nam nữ và điểm kinh doanh do bà Phạm Thị Hoàn làm chủ (địa chỉ facebook Phạm Hoàn) bán các mặt hàng đèn tích điện, ga chống thấm, quạt tích điện.
Tất cả hàng hóa bán tại các địa chỉ facebook này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và đã bị cơ quan chức năng xử phạt gần 50 triệu đồng; Đặc biệt, chiều 7/7, Tổng cục QLTT phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng lậu có có quy mô hơn 10.000m2 chứa trữ hàng hóa để bán qua Internet tại TP Lào Cai, tạm giữ nhiều mặt hàng giày dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm... với số lượng gần 160.000 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng lậu), và hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, EU... Theo Tổng cục QLTT, đây là vụ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất từ trước tới nay...
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho rằng: Việc kiểm tra kiểm soát trong kinh doanh TMĐT là rất khó khăn bởi: Các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. Hơn nữa, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch TMĐT, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay.
Ông Linh cho rằng, để đấu tranh có hiệu quả với buôn lậu gian lận kinh doanh TMĐT cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng chức năng: QLTT, Công an, ngân hàng, hải quan, thuế... cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng).
Thực tế cho thấy, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì tại thị trường trong nước hàng Việt sẽ cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ thị trường EU. Nhìn ở góc độ tích cực thì áp lực cạnh tranh này sẽ giúp cho các DN, hàng hóa trong nước hoàn thiện hơn để tăng sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ EU. Nhưng, với áp lực cạnh tranh này cũng đặt ra vấn đề cấp bách cho các cơ quan thực thi tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng để bảo vệ DN sản xuất chân chính, bảo vệ hàng Việt và tạo niềm tin cho người tiêu dùng Việt.