VNHN-Việc áp dụng hệ thống quản lý năng suất chất lượng tại TPHCM đang tạo ra nhiều thay đổi lớn, nhiều doanh nghiệp đạt được doanh số gấp 3-7 lần so với doanh nghiệp không áp dụng. Nếu không thực sự đổi mới bằng cách nâng cao năng suất chất lượng, các doanh nghiệp rất khó có thể cạnh tranh trên thị trường khốc liệt hiện nay.
Những hệ thống quản lý và công cụ năng suất lao động đã giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, ngăn ngừa sai lỗi, giảm thiểu rủi ro, lãng phí
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp các doanh nghiệp định hướng mô hình kinh doanh, cải thiện năng lực.
Nâng cao chất lượng để chinh phục thị trường tiềm năng
Gần 20 năm gắn bó với GTCLQG và cũng là một trong 2 doanh nghiệp của TPHCM đoạt giải vàng vào năm 2017, đại diện Công ty Cổ phần Cáp điện Thịnh Phát, ông Trương Cao Cường, Phó Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: “GTCLQG là giải thưởng cấp nhà nước, hình thành từ phong trào năng suất chất lượng, do vậy doanh nghiệp xem đây là niềm tự hào, niềm tin để khẳng định mình trên thương trường. Gần 20 năm tham gia giải thưởng và hướng tới 7 tiêu chí của giải thưởng đã giúp chúng tôi có được mô hình kinh doanh hoàn thiện”.
Hàng loạt giải thưởng Công ty Thịnh Phát đã đạt được trong suốt gần 20 theo đuổi GTCLQG
Ông Cường kể lại một kỷ niệm khó quên: “Có thời điểm, Thịnh Phát có cơ hội rất lớn để thâm nhập thị trường cáp điện rất tiềm năng tại Úc. Tuy nhiên, chúng tôi phải đối mặt với một điểm bất ngờ mà chưa bao giờ tính tới. Đó là khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này, nhiều khu vực ở đây có nhiệt độ xuống thấp tới âm 25 độ C làm cho vỏ cáp bị giòn, không đảm bảo được yêu cầu. Thách thức đặt ra với công ty lúc đó là phải làm sao nhanh chóng nghiên cứu giải pháp cho vấn đề này”.
Bằng việc tập trung nghiên cứu và kịp thời nâng cấp sản phẩm, công ty đã hoàn thành được sản phẩm chịu được thời tiết khắc nghiệt, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, đến nay Úc vẫn là một thị trường chủ lực của công ty.
Theo ông Cường, đây là thành quả kinh nghiệm đúc kết được từ việc rèn luyện, theo đuổi năng suất chất lượng qua gần 20 năm tham dự GTCLQG. Đồng thời việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất và các hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001; hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001; công cụ KAIZEN, 5S… đã giúp công ty rất nhiều trong việc hình thành một mô hình kinh doanh tiên tiến, hiện đại.
Theo thống kê của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TPHCM, những doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý ISO 9001: 2015, năng suất, doanh thu, lợi nhuận tăng lên đáng kể từ 30% - 50% so với năm trước. Khách hàng từ các doanh nghiệp này có tỷ lệ quay lại vượt ngưỡng 80%. Các quy trình hoạt động phối hợp giữa các bộ phận trở nên nhịp nhàng hơn nhờ phân công rõ ràng trách nhiệm.
Phía Chi cục cũng cho biết thêm, hiện nay, nhiều doanh nghiệp biết và muốn áp dụng các công cụ cải tiến nhưng lại băn khoăn chưa biết liệu có đem lại lợi ích, giải quyết vấn đề hiệu quả hay không. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lúng túng, không biết áp dụng công cụ hệ thống nào phù hợp với doanh nghiệp mình khi có quá nhiều hệ thống, công cụ khó phân biệt.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM cho biết, khoảng 70% doanh nghiệp trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TPHCM có hoạt động năng suất chất lượng
Hình thành 20 doanh nghiệp mô hình điểm
Nhằm giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua các trở ngại, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TPHCM đã tổ chức 922 lớp học phổ biến, tuyên truyền, tập huấn và hợp tác quốc tế về xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, GTCLQG và các công cụ cải tiến, nâng cao năng suất.
Những hệ thống quản lý và công cụ năng suất lao động đã giúp các doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, ngăn ngừa sai lỗi, giảm thiểu rủi ro, lãng phí.
Chương trình đã thu hút được 38.530 lượt người tham gia, trong đó đã có 719 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và cộng cụ cải tiến năng suất chất lượng. Qua đó, nhiều Hệ thống quản lý chất lượng như ISO 9001, ISO/IEC 17025, ISO 14001, IATF 16949, ISO 13485, OHSAS 18001, GMP, 5S,
Kaizen, ISO 22000, ISO 50001 đã được Chi cục hỗ trợ huấn luyện và tư vấn cho các doanh nghiệp...
Năm 2018, Chi cục cũng đã bước đầu xây dựng các mô hình doanh nghiệp kiểu mẫu, các mô hình năng suất điển hình. Những doanh nghiệp kiểu mẫu này sẽ được hỗ trợ kinh phí xây dựng, mở rộng các hệ thống quản lý, công cụ năng suất chất lượng, đồng thời sẽ được hỗ trợ về mặt truyền thông để các đơn vị khác tham quan, học tập.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, TPHCM sẽ hình thành 20 doanh nghiệp mô hình điểm về áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất chất lượng. Các mô hình này sẽ áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng như 5S, KPI, ISO 9001, ISO 14000… Các đối tượng tham gia sẽ được hỗ trợ tuyên truyền, tham gia và tập huấn với mức 15 triệu đồng/lần/ngày và hỗ trợ kinh phí xây dựng, hình thành mô hình điểm.