VNHN-Chiều 5/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp dự Diễn đàn CEO 2019 với chủ đề “Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo: Bứt phá từ tư duy đến hành động”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Diễn đàn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, lãnh đạo các bộ, ngành, đại sứ quán của 20 quốc gia, vùng lãnh thổ và hơn 400 CEO doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Diễn đàn CEO là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ chương trình Liên hoan các doanh nghiệp Việt nam và doanh nghiệp FDI, được khởi xướng từ năm 2001 và duy trì thường xuyên tới nay.
Bứt phá trên nền tảng của công nghệ được lựa chọn làm chủ đề cho năm nay cũng trùng với một trong 6 phương châm của Chính phủ năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” được nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghệ hiện nay tác động mạnh mẽ, toàn diện đến kinh tế - xã hội, môi trường trên toàn thế giới, và tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực với tốc độ, công nghệ đột phá chưa từng có.
“Việc Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới tất nhiên sẽ không nằm ngoài cuộc cách mạng mang tính toàn cầu này”, Phó Thủ tướng khẳng định, đồng thời nêu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chính phủ tiếp tục cải thiện thực chất hơn môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ và thúc đẩy phát triển khởi nghiệp.
Chính phủ đang tổng kết thực tiễn để hoàn thiện thể chế, chính sách và xây dựng chiến lược thu hút, sử dụng có hiệu quả đầu tư nước ngoài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quyết liệt chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng nền kinh tế số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 5G, xây dựng khung khổ thể chế để thí điểm ứng dụng các mô hình kinh doanh mới như thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, cho vay ngang hàng, các mô hình kinh tế chia sẻ...
Ngay trong năm 2019, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các tổ chức hữu quan để xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của Việt Nam, dự kiến đặt tại khu công nghệ cao Hòa Lạc.
“Chủ trương đã rõ, yêu cầu đã rất cấp thiết, từ đổi mới, bứt phá về tư duy, từng doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp phải hành động ngay, kịp thời, quyết liệtvà khẩn trương, để có thể đạt kết quả cụ thể về đổi mới sáng tạo trong từng ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo để thành công”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh và khẳng định chính quyền cam kết sẽ đồng hành sát cánh với cộng đồng doanh nghiệp trong sự nghiệp đầy khó khăn thách thức nhưng cũng rất nhiều tiền đồ và tương lai của đất nước.
Nhấn mạnh tới vai trò thực thi chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế số của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khái quát: “Tương lai không nằm trên đường thẳng kéo dài. Một công ty thành công đứng ở vị trí số 1 thì vẫn dễ sụp đổ khi công nghệ phát triển mà không thay đổi theo”.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ về nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo đáp ứng mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế số khi cho rằng yếu tố con người là quan trọng nhất.
“Ngành sẽ đồng hành trong đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh, tạo sự chuyển biến thực chất, đổi mới nâng cao chất lượng lao động khi hiện mới chỉ có 23% lực lượng lao động có chứng chỉ nghề nghiệp”, ông Đào Ngọc Dung nói.
Trong khuôn khổ Diễn đàn CEO 2019, các hội thảo tập trung đề cập và chia sẻ về câu chuyện đổi mới, sáng tạo từ thế giới đến Việt Nam, phân tích xu thế tất yếu và giá trị của đổi mới, sáng tạo đối với sự tăng trưởng và phát triển của các nền kinh tế cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thông qua phần chia sẻ của đại diện các tập đoàn như: ANA Việt Nam, aTIBCO Software, FPT Software, EVN, TH True Milk, TVP và Ngân hàng OCB cho thấy, hoạt động đổi mới, sáng tạo đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp.
Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong mô hình quản lý, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp hay nâng cấp/thay thế công nghệ sản xuất mà đại diện các doanh nghiệp chia sẻ đều mang lại giá trị hiện hữu trong các chỉ số tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp. Điều này là minh chứng thuyết phục giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận diện rõ hơn vai trò và giá trị của đổi mới sáng tạo, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp và cải thiện chỉ số sáng tạo của nền kinh tế trong các thang bậc đánh giá của quốc tế.