27/04/2024 lúc 10:34 (GMT+7)
Breaking News

Nâng cao năng lực, sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, do cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đường sắt Việt Nam không có toa xe tiêu chuẩn, vỏ container đủ điều kiện vận tải liên vận quốc tế nên phải phụ thuộc nhiều vào đường sắt Trung Quốc nên khối lượng hàng hóa tăng thêm không nhiều.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt VN về giải pháp nâng cao năng lực, sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Theo văn bản báo cáo của Tổng công ty Đường sắt VN, từ các tháng cuối năm 2021, nhu cầu vận tải bằng đường sắt phục vụ xuất nhập khẩu tăng cao, đặc biệt qua cửa khẩu ga Đồng Đăng. Tổng công ty đã có nhiều giải pháp tháo gỡ để tăng khối lượng vận chuyển.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay,sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế 3 tháng đầu năm nay tăng trên 30% so với cùng kỳ 2021 và xu hướng thời gian tới tiếp tục tăng cao.

Nếu năm 2017 thực hiện được hơn 870.000 tấn qua cả hai cửa khẩu ga Lào Cai và ga Đồng Đăng thì năm 2021, đạt hơn 1.130.000 tấn. Sản lượng năm 2021 tăng trưởng 31% so với năm 2020.

Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đường sắt Việt Nam không có toa xe tiêu chuẩn, vỏ container đủ điều kiện vận tải liên vận quốc tế, phải phụ thuộc nhiều vào đường sắt Trung Quốc nên khối lượng hàng hóa tăng thêm không nhiều. Do đó, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, tổng công ty đã xây dựng phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt.

Đối với nhóm giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, Tổng công ty Đường sắt, cho biết Tổng công ty đã khảo sát, lựa chọn ra các khu ga hàng hóa, bãi hàng có vị trí chiến lược để phục vụ cho hoạt động vận chuyển liên vận quốc tế phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Toàn bộ các khu ga đề xuất đầu tư trong phương án là các ga hàng hóa và cần thiết phải xây dựng bãi hàng đủ tiêu chuẩn vận hành container cũng như các nhà kho đủ tiêu chuẩn lưu giữ hàng hóa xuất nhập khẩu.

“Với phương án này, sau khi thực hiện các giải pháp trong giai đoạn trước mắt sẽ đáp ứng được 4,55 triệu tấn/năm hàng hóa vận tải bằng đường sắt để phục vụ xuất nhập khẩu, trong đó: qua cửa khẩu ga Đồng Đăng 2,3 triệu tấn và cửa khẩu ga Lào Cai 2,25 triệu tấn”, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết.

Về lâu dài, theo tổng công ty, khối lượng hàng hóa vận chuyển được phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt và việc chấp nhận khối lượng hàng quá cảnh Trung Quốc đi các nước khác của đường sắt Trung Quốc.

Theo tổng công ty, trong các giải pháp nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế, nhóm giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng và nhóm giải pháp về cơ chế chính sách là các giải pháp then chốt, có tính chất quyết định đến việc nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt để hỗ trợ công tác xuất nhập khẩu của quốc gia.

Tuy nhiên, theo Tổng công ty Đường sắt VN, hiện nay toàn bộ các tài sản trên đều là tài sản công do Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu theo Luật Đường sắt. Do đó việc đầu tư nâng cấp, cải tạo chỉ thực hiện được bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN).

“Trường hợp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp thì chưa có các hướng dẫn, quy định pháp luật. Do đó, tổng công ty không thể triển khai đầu tư cũng như kêu gọi bên ngoài đầu tư vào các hạng mục nhà ga, bãi hàng”, báo cáo của Tổng công ty Đường sắt VN nêu rõ.

Để có thể kịp thời về vốn đầu tư cho các ga này, Tổng công ty Đường sắt VN đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng hai phương án Đầu tư bằng vốn NSNN và đầu tư không sử dụng vốn NSNN.

Nguyễn Lâm