22/01/2025 lúc 16:06 (GMT+7)
Breaking News

Sản phẩm OCOP Ninh Bình gắn với tiềm năng phát triển du lịch

Thực hiện hóa Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 về quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025, Ninh Bình đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng trong chương trình OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Tận dụng lợi thế là vùng đất di sản, tỉnh đã kết hợp hiệu quả giữa phát triển sản phẩm OCOP và khai thác tiềm năng du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Sản phẩm OCOP - Điểm tựa cho nông nghiệp và văn hóa địa phương

Trong thời gian qua, Ninh Bình đã tập trung đầu tư và phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy các làng nghề truyền thống và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình:
“Chương trình OCOP không chỉ giúp định vị thương hiệu nông sản địa phương mà còn là cơ hội để quảng bá văn hóa và du lịch Ninh Bình đến với du khách trong và ngoài nước. Để đạt được thành công như hôm nay, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm đến xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường.”

Đến hết tháng 11 năm 2024, toàn tỉnh có 199 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong đó: 69 sản phẩm 4 sao và 130 sản phẩm 3 sao. Sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình được chuẩn hoá, phát triển từ sản phẩm đặc sắc của những làng nghề truyền thống, từ những sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, riêng có, từ những nghề gia truyền nông thôn,… thấm sâu trong những sản phẩm OCOP Ninh Bình là giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá, truyền thống của những vùng quê Ninh Bình; sản phẩm OCOP Ninh Bình vừa có sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái (dịch vụ du lịch Vân Long Gia Viễn, khu du lịch Hang Múa Hoa Lư, du lịch cộng đồng Quèn Thờ Tam Điệp), vừa có sản phẩm phục vụ ẩm thực cho khách du lịch (thịt dê, cơm cháy, ruốc cá rô Tổng trường, mắm tép…), sản phẩm chăm sóc sức khỏe (Trà hoa vàng Cúc Phương, cà gai leo, tinh dầu,…), vừa là lựa chọn của du khách khi mua làm quà tặng (tranh lá bồ đề, cói mỹ nghệ, gốm Bồ Bát,...).

Gắn kết OCOP với du lịch - Hướng đi tất yếu

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang là điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với du khách trong nước và quốc tế, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam với nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng, quy mô quốc gia và quốc tế như: Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động... Tại các điểm du lịch của tỉnh đều có các khu trưng bày bán sản phẩm OCOP, việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại, hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Quan tâm, đầu tư tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững…

Tại các khu du lịch lớn như Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư, hay khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, các sản phẩm OCOP đã được trưng bày và giới thiệu đến du khách thông qua các gian hàng, trung tâm quảng bá. Điều này không chỉ giúp du khách có cơ hội trải nghiệm và mang về những sản phẩm chất lượng mà còn góp phần xây dựng hình ảnh địa phương là một điểm đến đa dạng và giàu bản sắc.

Ngoài ra, nhiều tour du lịch trải nghiệm nông thôn cũng đã được xây dựng, kết nối du khách với các cơ sở sản xuất OCOP. Đây là hình thức vừa tạo thu nhập cho người dân vừa mang đến trải nghiệm thú vị, gần gũi cho du khách.

Hiệu quả kinh tế và chiến lược phát triển lâu dài

Chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các chủ thể sản xuất, từ việc mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đến gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 về quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025 đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất nhỏ lẻ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, áp dụng khoa học công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm và với việc được công nhận sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể tạo được uy tín, thương hiệu, mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh, sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng, có xuất xứ hàng hóa rõ ràng nên được khách hàng ưu tiên lựa chọn so với các sản phẩm cùng loại.

Trong tương lai, tỉnh Ninh Bình tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đặc biệt chú trọng xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Đồng thời, tỉnh sẽ đầu tư hơn nữa vào các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm OCOP với các sàn thương mại điện tử, chuỗi cung ứng toàn cầu để tăng cường giá trị sản phẩm. Ngoài ra, Ninh Bình định hướng phát triển thêm các làng du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, tạo nên những điểm nhấn độc đáo, đưa khách du lịch về gần hơn với đời sống và văn hóa bản địa. Đây không chỉ là giải pháp giúp quảng bá hiệu quả các sản phẩm địa phương mà còn là cách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiềm năng du lịch đã chứng minh tính đúng đắn của định hướng này. Ninh Bình không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi hội tụ những giá trị văn hóa và nông nghiệp độc đáo. Sự kết hợp này hứa hẹn sẽ mang lại động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống người dân và xây dựng hình ảnh Ninh Bình ngày càng thăng hoa trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế./.

Nguyễn Thắng

...