VNHN - Đất nước ta đang đứng trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, mục tiêu đặt ra là nước ta phải tạo được nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, ngoài những yếu tố khách quan như hành lang pháp lý, cơ sở vật chất thì yếu tố về chất lượng nhân lực có vai trò hết sức quan trọng, đồng thời cũng là một lĩnh vực cần sự đầu tư dài hơi và có bài bản mới có thể đáp ứng được… Hiện tượng nhiều người tài ra nước ngoài học tập mà không về nước làm việc vẫn chưa chấm dứt (mà ta vẫn gọi là chảy máu chất xám). Điều đó chẳng biết nên vui hay buồn?
Ảnh minh họa - TL
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn dân tộc Việt Nam phải giàu mạnh, phú cường, hơn nữa dân tộc ta nhất định phải trở thành một dân tộc thông thái, xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là một xã hội văn hóa cao. Để khát vọng đó trở thành hiện thực sinh động, cần có nhiều nguồn lực, vốn liếng, của cải; đặc biệt phải có rất nhiều người tài đức, tức là nhân tài, hiền tài tham gia vào công cuộc kiến thiết đất nước. Không có nguồn lực, nguồn vốn, của cải, tài sản nào quý hơn, quan trọng hơn là nguồn lực về con người, và không nguồn lực nào mạnh mẽ bằng nguồn lực trí thức.
Trong quản lý một cơ quan, một doanh nghiệp hay rộng hơn là một quốc gia, phải xem việc thất thoát nhân tài, nhất là nhân tài trẻ, là một thất thoát lớn nhất. Đã có ý kiến cho rằng nếu văn hóa như tấm căn cước của một dân tộc để dân tộc đó đi vào đời sống thế giới văn minh, nhất là trong hội nhập quốc tế hiện nay, thì biết dùng văn hóa để làm nền tảng phát triển, thì giáo dục con người, đặc biệt là giáo dục nhân tài bậc cao lại cho ta hình dung diện mạo tinh thần của một xã hội, biết đất nước đó ở thế mạnh hay yếu, lực nhiều hay ít, đang có sức sống, sức bật vươn lên hay đang suy yếu, suy kiệt.
Hiện nay nhiều ban ngành, địa phương đã đưa ra những chính sách nhằm thu hút nhân tài, tuy nhiên vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả. Nguyên nhân từ đâu? Từ yếu tố vật chất hay tinh thần? Nếu nhân tài nhận thấy chưa được đãi ngộ xứng đáng và chưa được tôn vinh xứng đáng với đóng góp của mình thì họ có quyền chuyển đến nơi khác tốt hơn.
Trước hết, do ta còn thiếu những mục tiêu cụ thể, chương trình, kế hoạch tổng thể, giải pháp chiến lược để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nhân tài. Do đó, chưa chú ý tới nhiệm vụ theo dõi quá trình phát triển của những mầm mống tài năng được phát hiện sớm. Nhân tài sau những lần được vinh danh, chúng ta thường ít có kế hoạch cụ thể cho việc sau đó nhân tài sẽ làm gì? Kết thúc khóa học bổng, có kế hoạch ra sao?
Trong công tác tuyển dụng, đôi khi người tuyển dụng vẫn còn mang tính chủ quan, cảm tính. Vì thế, không ít người tài bị “lọt lưới”, đã không được phát hiện, trọng dụng hoặc bố trí vào vị trí phù hợp.
Phát hiện và nuôi dưỡng nhân tài trong đội ngũ trí thức cũng là một vấn đề còn nhiều hạn chế. Rất cần có những “con mắt” khách quan và tinh tường biết phát hiện và tin cậy vào nhân tài thì lúc đó nhân tài mới được trọng dụng. Có một thực tế là nhân tài của chúng ta có thể phát hiện được nơi này nơi kia nhưng chưa sử dụng được nhiều. Thời gian qua, có những người tài của Việt Nam lại do nước ngoài phát hiện và bồi dưỡng rồi sau đó báo chí trong nước mới biết đến và tuyên truyền, đưa tin.
Nên chăng cũng cần tham khảo cách làm của một số nước về thu hút, bồi dưỡng nhân tài, “nắn dòng chảy” chất xám quay về quê hương? Người Mỹ rất thành công trong việc “nắn dòng chảy” chất xám tự nhiên vào Mỹ. Sau chiến tranh họ đã tìm kiếm được những nhà khoa học Đức vĩ đại như Wernher von Braun hay Einstein… Những tên tuổi đó đã từng là chìa khóa mở cánh cửa thành công của chương trình vũ khí hạt nhân hay tên lửa hành trình của Mỹ sau này. Hiện nay, rất nhiều nhà khoa học ở Mỹ được Giải thưởng Nobel, nhưng họ không phải sinh ra ở xứ cờ hoa này.
Còn Việt Nam chúng ta thì sao? Đành rằng về chế độ đãi ngộ ở một nước còn nghèo như nước ta, chưa thể so với các nước phát triển được, nhưng vấn đề còn ở chỗ cách đãi ngộ và sử dụng, phát huy tài năng người tài của chúng ta thực sự chưa có sức thuyết phục, chưa thể hiện được đầy đủ bản chất của vấn đề đó, cũng như chưa thực hiện với khả năng và giải pháp cao nhất của mình. Những chương trình tìm kiếm tài năng được truyền thông nhiều trên truyền hình mỗi ngày lại chủ yếu là những “nhân tài” dạng như nuốt kim vào bụng rồi lôi ra, đi trên mảnh chai vỡ, …Đã đành đóng góp cho đất nước trên bất cứ một lĩnh vực nào, từ văn hóa, nghệ thuật cho đến kinh tế cũng đều đáng trân trọng. Tuy nhiên, giá như có nhiều hơn, chất lượng hơn những cuộc thi tìm kiếm tài năng về khoa học công nghệ, thì tốt hơn rất nhiều. Cho nên việc tìm kiếm tài năng khoa học công nghệ cũng mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ truyền thông, từ dư luận, như những cuộc tìm kiếm vừa nêu trên.
Tương lai phát triển của đất nước trông cậy rất lớn vào nhân tài - nguồn nguyên khí của quốc gia. Đã đến lúc phải chấn hưng, phát triển, “nắn dòng chảy” đồng loạt các nguồn nguyên khí theo các chuẩn mực quốc tế, nhằm đủ sức cạnh tranh, bảo vệ và phát triển quốc gia trong thời đại khoa học công nghệ ngày nay.