25/11/2024 lúc 10:57 (GMT+7)
Breaking News

Bác Hồ với vấn đề Nhân lực Nhân tài

VNHN - “Trí thức không những là một bộ phận trong lực lượng cách mạng mà trí thức còn là vốn liếng quý báu của dân tộc”. (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

VNHN - “Trí thức không những là một bộ phận trong lực lượng cách mạng mà trí thức còn là vốn liếng quý báu của dân tộc”. (Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày 13/9/1958, Bác Hồ đã có bài nói quan trọng về nhiệm vụ của những người thầy giáo với sự nghiệp giáo dục- đào tạo. Bác căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang”.

Câu nói nổi tiếng này đã phản ánh tư tưởng Hồ Chí Minh về Giáo dục.

Trong Thư gửi cho học sinh vào ngày 5/9/1945, Bác đã viết “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Bác Hồ và 3 học trò ưu tú của Người - Ảnh: TL

Rất nhiều lần Bác đề cập đến việc đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Ngay từ ngày 14/11/1945 Bác đã viết: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Và ngay từ ngày 13/11/1946 theo đề nghị của Bác, Quốc hội Khóa I đã cử GS.TS.Nguyễn Văn Huyên, một trí thức ngoài Đảng mới 37 tuổi làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục. Nhà trí thức ngoài Đảng này đã làm rất tròn nhiệm vụ mà Bác Hồ giao phó trong suốt 29 năm cho đến tận ngày ông mất (19/10/1975) .

Bác rất quan tâm đến nhân tài và không phân biệt đó là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Ngay từ ngày mới dựng nước Bác đã rất quan tâm đến các trí thức ngoài Đảng.Bác Hồ là vị lãnh tụ đặc biệt quý trọng trí thức. Trong thư gửi Tổng bộ Việt Minh Bác đã viết: “ Việt Minh định tổ chức một Chính phủ rộng rãi, gồm tất cả các nhân tài trong nước để gánh vác việc quốc gia. Lúc đó có người nghĩ rằng các nhân sĩ có danh vọng chưa chắc vui lòng hợp tác với Việt Minh. Song vì Việt Minh đặt quyền lợi Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, và lấy lòng chí công vô tư mà làm việc, cho nên các bậc có tài đức, danh vọng đều vui lòng hợp tác trong Chính phủ” (HCM toàn tập, 1995,T.5, tr.412). Khi thành lập Chính phủ tại kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa I (ngày 3/11/1946) Bác Hồ đã đề nghị lựa chọn khá nhiều trí thức không phải là đảng viên. Đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Trần Đăng Khoa, Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Chu Bá Phượng, Bộ trưởng Không Bộ Nguyễn Văn Tố và Bồ Xuân Luật. Về sau Bác cho biết: “Khi tổ chức Chính phủ lâm thời, có những đồng chí trong Ủy ban Trung ương do Quốc dân đại hội bầu ra, đáng lẽ tham gia Chính phủ, song các đồng chí ấy đã tự động xin lui, để nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước nhưng còn ở ngoài Việt Minh. Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học” (Sách đã dẫn,1996, T.6, tr.160). Năm 1947 Chính phủ được cải tổ với sự tham gia thêm của một số trí thức ngoài Đảng khác như Bộ trưởng Kinh tế Phan Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám. Sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế Bác Hồ mời cụ Phan Kế Toại làm Quyền BT Bộ Nội vụ. Khi đó trong Chính phủ có tới 10 vị là người ngoài Đảng nhưng đều là những trí thức nhiệt tình và đem hết tâm trí ra để hoàn thành trọng trách của mình. Ông Tạ Quang Bửu là một nhà toán học nổi tiếng (lưu học tại Đại học Paris, Bordeaux - Pháp và ĐH Oxford-Anh) về nước năm 1934 và dạy hoc ở Huế. Năm 1945 cùng LS Phan Anh ra Hà Nội để tham gia Cách mạng. Tháng 3/1946 tuy chưa vào Đảng ông đã được Bác Hồ giao cho làm Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng. Tháng 8/1947, tuy chỉ mới được kết nạp vào Đảng tròn 1 tháng ông đã được giao trọng trách làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chỉ có Bác Hồ mới dám tin dùng cán bộ trí thức như vậy. Sau ngày Hòa bình lập lại, ngày 20/9/1955 Chính phủ được bổ sung và thay đổi nhân sự. Đến lúc này trong Chính phủ vẫn còn tới 8 vị Bộ trưởng là người ngoài Đảng. Có những vị Bộ trưởng tuy ở ngoài Đảng nhưng đã hoàn thành một cách xuất sắc cương vị công tác của mình trong mấy chục năm liền (Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đăng Khoa...). Cụ Phan Kế Toại về sau được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ.

 Bên cạnh các vị trí thức tham gia Chính phủ, Bác Hồ còn ân cần chăm sóc đội ngũ trí thức ngoài Đảng tham gia trực tiếp trong các ngành giáo dục, y tế, khoa học...Trong bản báo cáo với Bác sau cuộc Chỉnh huấn ở chiến khu Việt Bắc Giáo sư Hồ Đắc Di đã viết:

“Hôm qua tôi đã tu trong chuyên môn, say mê với kỹ thuật, ngày mai tôi sẽ ăn chay nằm đất trong quần chúng, vui sống với nhân dân. Lời hứa này tôi quyết tâm thi hành”. Và quả đúng như vậy, trong suốt cuộc đời mình Giáo sư Hồ Đắc Di cùng các trí thức lớn được Bác Hồ giao trọng trách xây dựng ngành Y tế như Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Chung, Đỗ Xuân Hợp... đã có những cống hiến hết sức xuất sắc. Bác Hồ đã theo sát từng bước tiến của các trí thức này và thường xuyên có những thư ngắn để động viên, thăm hỏi. Một cái thiếp Bác gửi cho Giáo sư Tùng chỉ có vài dòng nhưng chứa chan tình thân ái :

“Bác sĩ Tùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo: Chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo. Thím và các cháu đều mạnh khỏe chứ? Tôi luôn luôn bình an. Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thắng”. Bác còn đặt tên là Bách cho con trai cả của Giáo sư Tùng.

Bên ngành giáo dục cũng có rất nhiều trí thức ngoài Đảng được Bác Hồ chăm sóc, bồi dưỡng và tin tưởng giao cho những trọng trách nặng nề. Đó là Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, vị Bộ trưởng tận tụy hoạt động suốt 3 thập niên để xây dựng ngành giáo dục. Khi nghe tin thân mẫu của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên và bà Phan Kế Toại qua đời bác viết ngay thư chia buồn với lời lẽ thật thân tình:

“Cụ Phan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ông Nguyễn, Bộ trưởng Bộ giáo dục, Tôi rất buồn được tin Bá Mẫu qua đời. Nhân danh tôi và nhân danh Chính phủ, tôi kính gửi lời chia buồn với Cụ và Ông cùng quý quyến.

Hồ Chí Minh”

Đó còn là rất nhiều Giáo sư ngoài Đảng khác như Giáo sư Ngụy Như Kontum, Giáo sư Nguyễn Xiển, Giáo sư Nguyễn Lân, Giáo sư Trần Văn Giáp, Giáo sư Trần Văn Khang, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào, Giáo sư Nguyễn Thạc Cát, Giáo sư Ngô Thúc Lanh... được Bác cử sang Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc) để góp phần đào tạo ra hàng nghìn giáo viên và trí thức chuẩn bị cho đất nước sau khi kết thúc chiến tranh chống thực dân Pháp. Khi đang làm nhiệm vụ Giám đốc Giáo dục Liên khu X, Giáo sư Nguyễn Lân đã vô cùng cảm kích khi nhận được tấm Bằng khen của Bác Hồ với lời ghi Một Giám đốc có tài kèm theo là một bộ quần áo lụa bên trong có thêu hàng chữ Chúng cháu kính dâng Bác Hồ.

Về khoa học thì có lẽ trường hợp tiêu biểu nhất là Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Ông là KS Phạm Quang Lễ, Bác trực tiếp thuyết phục ông và tìm cách bí mật đưa ông từ Pháp về nước để giao trọng trách làm Cục trưởng Cục Quân giới. Bác còn tự tìm tên để đổi cho ông. Bác nói:

“Việc của chú là việc đại nghĩa, vì thế kể từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình , bà con chú còn ở trong Nam”

Bác tin ai là không có nhầm. Là một Việt kiều sống lâu năm xa Tổ quốc, mặc dầu bắt đầu từ hai bàn tay trắng nhưng Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã ra sức góp phần tích cực xây dựng ngành quân giới non trẻ để phục vụ trực tiếp cho chiến đấu. Có lần Bác gửi cho Giáo sư Nghĩa một chiếc áo với mẩu giấy ghi hàng chữ: “Chiếc áo sơ mi của đồng bào Thái Lan tặng Bác. Bác tặng lại chú, mặc cho ấm để làm việc tốt”. Có lần khác Bác còn căn dặn: “Khi nào chú bị người ta trù dập, chú báo ngay cho Bác biết để Bác giải quyết”.

Những chuyện ấm lòng như vậy đối với những người trí thức ngoài Đảng kể sao cho xiết.

Bác phân tích: “So với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết... Ta cần hợp tác với người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ... Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên không làm nổi”. (Sđd, 1995, T.5, tr.238).

Ngày nay cả nước đã có tới trên 86 triệu người, kể cả bà con sinh sống ở nước ngoài thì đã có đến gần 88 triệu người. Trong khi đó mới chỉ có 3 triệu đảng viên. Đa số đảng viên là tốt, nhưng không phải chỉ có đảng viên mới là người tốt. Có lần tiếp xúc với cử tri trước ngày bầu cử Quốc hội tôi đã bị một người dân chất vấn:

Trong lý lịch ông ghi 19 năm là Chiến sĩ thi đua, vậy bây giờ ông hãy nói thật với cử tri là ông đã phạm tội lỗi gì mà không được vào Đảng?

Tôi chỉ biết trả lời là: “Nước ta còn trên 83 triệu người chưa phải là đảng viên, nhẽ nào họ đều là người phạm tội? Tôi mong muốn là một công dân tốt trong một nước có một Đảng tiền phong vững mạnh”. Bà con vỗ tay hoan hô. Trong quá trình tham gia Quốc hội, nhất là lại ở trong Ủy ban Đối ngoại, rất nhiều lúc vị trí ngoài Đảng của tôi lại là một hình ảnh tốt cho tinh thần Đại đoàn kết của đất nước ta. Vừa qua Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội Vụ về việc chỉ cử đảng viên vào các chức vụ lãnh đạo là lãng phí tài năng của 83 triệu người. Câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi ấy chưa thật thỏa đáng. Trung Quốc có tới 73 triệu đảng viên, trong số này thiếu gì nhân tài vậy mà họ đã cử các ông Vạn Cương và Trần Trúc không phải là đảng viên giữ các chức vụ Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ và Bộ trưởng Y tế, ngoài ra còn có rất nhiều nhân sĩ ngoài Đảng khác tham gia công việc quản lý đất nước.

Tôi chỉ mong muốn Đảng và Nhà nước cần lựa chọn ra những trí thức đáng tin cậy, dù là đảng viên hay không phải là đảng viên, và hãy giao cho họ những trách nhiệm cụ thể, dù là nặng nề, nhưng để cho họ có điều kiện cống hiến hết sức mình cho các mục tiêu mà họ đã hàng nửa thế kỷ theo đuổi.

Ngày 10/01/1946 Bác đã khẳng định mục đích của tự do độc lập là 4 nhiệm vụ . Đó là:  “Làm cho dân có ăn, Làm cho dân có mặc, Làm cho dân có chỗ ở, Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là 4 điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do, độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.

Để giúp cho dân có học hành Bác đã động viên mạnh mẽ phong trào Bình dân học vụ. Trong thư gửi anh chị em giáo viên Bình dân học vụ vào tháng 5/1946 Bác đã viết: “Anh chị em làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người vô danh anh hùng. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”.

Bác luôn luôn đề cao đến việc Học phải đi đôi với Hành. Trong bài nói chuyện tại Thanh Hóa ngày 20/2/1947 Bác đã nói: “Trước học một đường, hành một nẻo. Nay phải sửa chương trình làm sao để học thì hành được ngay”. Đến tận hôm nay với lời dặn ấy chúng ta vẫn chưa làm được tốt. Không ít sinh viên ra trường mà vẫn bỡ ngỡ trước những công việc được giao , dù là đúng với chuyên ngành được đào tạo, phải mất rất nhiều thời gian để đào tạo lại.

Bác rất ghét bệnh thành tích. Trong Thư gửi các bạn thanh niên ngày 17/8/1947 Bác nhấn mạnh: “Chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng phải thiết thực; nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ chỗ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được, hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”. Chúng ta phát động rầm rộ phong trào Hai không từ năm 2006 vậy mà kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay nhiều phóng viên đã nhận xét sau giờ thi “phao” vẫn trắng sân trường và tỷ lệ tốt nghiệp cao chưa từng thấy (!)

Bác rất quan tâm đến việc cải tiến cách dạy trong Nhà trường. Trong thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc (tháng 7-1948) Bác đã nhắc nhở: “Chúng ta phải sửa đổi cách dạy cho hợp với sự đào tạo nhân tài”. Vậy mà cho đến gần đây thầy giáo Dương Minh ở Trường THPT Quy Nhơn vẫn phải thốt lên: “Vòng chu chuyển vẫn theo con đường khuôn mẫu: Học sinh sợ Thầy; Thầy sợ Trường; Trường sợ Sở; Sở sợ Sách giáo khoa, sợ quy định của Chương trình, sợ kết quả thi cử.” (http://quynhon. edu.vn/) (!)

Ngay từ tháng 5/1950 Bác đã cảnh báo về việc ham mở thật nhiều trường lớp mà thiếu giáo viên cơ hữu. Bác nói: “Hiện nay đang có một cái dịch mở trường… Vì mở nhiều lớp nên thiếu người giảng. Thiếu người giảng thì học viên đâm chán nản. Thiếu người giảng thì phải đi bắt phu, vì thế người đến giảng khi nào cũng hấp tấp, lướt qua lớp này một chút, lớp khác một chút như chuồn chuồn đạp nước, dạy không chu đáo. Thiếu người giảng thì thường khi lại phải bịt lỗ, người bịt lỗ năng lực kém, nói sai, có hại cho học sinh…”Bác nói cách đây những 61 năm mà đúng y như chuyện chạy sô của nhiều giảng viên Đại học, Cao đẳng hiện nay.

Hiện nay học sinh rất sợ học, sợ thi và không còn thời gian và tâm trí đâu để tận hưởng hạnh phúc hồn nhiên của tuổi thơ. Điều này ngay từ ngày 28/8/1950 Bác đã phê phán và căn dặn: “Phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng trở nên già cả… Trong lúc học cũng cần làm cho chúng vui. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội chúng đều vui, đều học”. Bao giờ chúng ta mới thực hiện được lời căn dặn này của Bác?

Bác luôn luôn quan tâm đến việc nâng cao vị trí của các thầy cô giáo. Ngày 12/6/1956 Bác đã viết: “ Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu. Tuy không có gì oanh liệt nhưng làm tròn nghĩa vụ là anh hùng, anh hùng tập thể”.

Nhớ lại những lời căn dặn từ cách đây trên nửa thế kỷ của Bác Hồ chúng ta càng thấy trách nhiệm nặng nề nhưng vẻ vang của đội ngũ các thầy cô giáo và các nhà quản lý giáo dục đúng như tinh thần của Nghị quyết của Đảng: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước”.