26/12/2024 lúc 13:54 (GMT+7)
Breaking News

Tư duy đổi mới và phát triển trong Di chúc của Bác Hồ

VNHN - 50 năm sau ngày Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố, chúng ta vẫn thấy tầm nhìn thời đại trong mỗi lời thiêng liêng Người để lại. Dường như những gì Người vạch ra, tiên lượng từ hơn 4 thập kỷ trước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

VNHN - 50 năm sau ngày Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố, chúng ta vẫn thấy tầm nhìn thời đại trong mỗi lời thiêng liêng Người để lại. Dường như những gì Người vạch ra, tiên lượng từ 5 thập kỷ trước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Di chúc thể hiện tinh thần của một cương lĩnh không chỉ xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo các diễn đạt ngày nay, mà còn đưa Việt Nam tiến cùng nhịp bước của thời đại.

Tư duy cải cách, đổi mới xuất hiện ở tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 1919 khi Người đòi “cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách ban hành những đảm bảo cho người bản xứ cũng như người Âu”. Tư duy đó được nâng cao, mang nội dung khoa học và cách mạng dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin. Người quan niệm “cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới”, và “công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Ngay từ năm 1923, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”.

Di chúc kết tinh tinh thần đổi mới của Hồ Chí Minh mà trước hết là đổi mới tư duy. Ngoài nội dung cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và phong trào cộng sản quốc tế, toàn bộ Di chúc bàn về tương lai của đất nước với “một kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Về kinh tế, Di chúc nói tới việc “khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”. Về văn hóa, Di chúc đề cập việc “sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động”. Ngay cả khi bàn về cuộc kháng chiến chống Mỹ, Di chúc cũng thể hiện niềm tin chắc chắn, nhất định thắng lợi, rồi “ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Người suy nghĩ “về một kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để xây dựng lại đất nước đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh”.

Từ phác thảo một kế hoạch bao quát về mở rộng kinh tế, phát triển công tác vệ sinh, y tế, giáo dục, quốc phòng, công việc thống nhất Tổ quốc, tư duy đổi mới sáng suốt nhằm xây dựng và phát triển đất nước có thể nhận rõ qua các nội dung chủ yếu sau:

Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, nỗi bận tâm lớn nhất của Hồ Chí Minh là Đảng cầm quyền. Tại sao như vậy?

Một là, Người hiểu rõ sứ mệnh của Đảng cầm quyền rất nặng nề, vì từ xóa bỏ sang xây dựng là hai loại quy luật hoàn toàn khác nhau. Người chỉ rõ “thắng đế quốc phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”. Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Phải tạo lập một lực lượng sản xuất hiện đại và cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới.

Hai là, Đảng cầm quyền, cán bộ đảng viên có quyền lực nên có thuận lợi cho Đảng lãnh đạo, nhưng từ hai mặt của quyền lực nên cũng là “mảnh đất” làm nảy sinh nhiều thói hư, tật xấu như quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Ba là, từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, không chỉ khó khăn về lực lượng sản xuất, về kinh tế nông nghiệp lạc hậu, mà một điều đáng quan ngại là tư duy tiểu nông gắn với những nếp sống, thói quen, ý nghĩa và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng nghìn năm.

Trong Di chúc, Hồ Chí Minh coi “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi là cuộc chiến đấu khổng lồ”. Sự hư hỏng ở đây không đơn giản chỉ là vật chất mà nguy hại hơn là con người, tư tưởng, tổ chức. Người lường tới những khó khăn, phức tạp cho cách mạng Việt Nam, đòi hỏi Đảng đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, vượt qua khó khăn, chiến đấu với niềm tin nhất định thắng lợi.

Tóm lại, Di chúc thể hiện tinh thần của một cương lĩnh không chỉ xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo các diễn đạt ngày nay, mà còn đưa Việt Nam tiến cùng nhịp bước của thời đại. Đó cũng chính là chân giá trị lý luận và thực tiễn của Di chúc Bác Hồ trong thời đại ngày nay.