02/12/2024 lúc 22:01 (GMT+7)
Breaking News

Thu hút nhân tài Việt - Từ chính sách tới thực tiễn

VNHN - Trong giai đoạn đất nước ngày càng phát triển và nâng cao vị thế trên trường quốc tế, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực học hỏi, không ngừng sáng tạo và phát triển của nguồn chất xám trong nước thì sự đóng góp của những người Việt tài năng trên toàn thế giới là vô cùng cần thiết.

VNHN - Trong giai đoạn đất nước ngày càng phát triển và nâng cao vị thế trên trường quốc tế, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực học hỏi, không ngừng sáng tạo và phát triển của nguồn chất xám trong nước thì sự đóng góp của những người Việt tài năng trên toàn thế giới là vô cùng cần thiết.

Trong thời gian qua chính phủ và một số doanh nghiệp đã thể hiện những mối quan tâm và có một số chính sách, sự kiện thu hút và đãi ngộ nhân tài. Tuy nhiên các chính sách đó có kết quả đến đâu, ảnh hưởng của nó đến sự phát triển của đất nước thế nào vẫn là mối băn khoăn của lực lượng trí thức, nhân lực trình độ cao Việt Nam đang ở ngoài nước.

Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội - Biểu trưng của khoa bảng Việt Nam

Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu

Theo báo cáo về chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu năm 2019 vừa xuất bản (The Global Talent Competitiveness Index) thực hiện bởi INSEAD, Adecco Group và Tata Communications trên dữ liệu của 125 quốc gia về thu hút, phát triển và gìn giữ nhân tài thì 3 quốc gia đứng đầu thế giới lần lượt là Thụy Sĩ, Singapore và Mỹ.

Việc xếp thứ hạng dựa trên 68 chỉ số, với 6 nhóm chỉ số chính: Kích hoạt các nhân tài, Thu hút nhân tài, Phát triển nhân tài, Giữ chân nhân tài, Kỹ năng và trình độ quốc gia, Kỹ năng tri thức toàn cầu. Báo cáo cho thấy rất nhiều các khía cạnh như chi phí cho R&D, giáo dục, quyền cá nhân, bình đẳng giới, môi trường kinh doanh, khả năng tìm lao động có trình độ cao, lượng xuất bản khoa học quốc tế, quỹ hưu, bảo trợ xã hội, an toàn cá nhân...đều đóng vai trong chỉ số cạnh tranh nhân tài.

Việt Nam đứng thứ 92 trong bảng xếp hạng năm 2019 (tụt 5 hạng so với bản báo cáo 2018), chỉ có duy nhất Global knowledge skill là nhỉnh hơn trung bình nhóm các nước thu nhập trung bình thấp, các chỉ số khác đều phải cải thiện mới có hy vọng thu hút, phát triển và giữ được nhân tài.

Khảo sát thu hút nhân tài

Với mong muốn tham gia hỗ trợ và đồng hành cùng chính phủ trong quá trình xây dựng chính sách thu hút, gìn giữ và tạo môi trường thuận lợi cho lực lượng tri thức tham gia xây dựng đất nước một cách lâu dài và có hệ thống, Hội các nhà Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE-Global) có trụ sở tại Paris đã thực hiện khảo sát Thu hút nhân tài từ cuối tháng 12 năm 2018.

17 câu hỏi khảo sát đã được gửi tới các cộng đồng người Việt hiện đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài và nhận được kết quả tham gia ban đầu từ hơn 300 nhà khoa học, chuyên gia, nghiên cứu sinh Việt Nam từ 31 quốc gia trên thế giới. Hơn 52% người tham gia có học vị Tiến sĩ, hơn 30% người tham gia có thu nhập ròng trung bình hơn 60.000 USD/năm từ công việc hiện tại. Đặc biệt bản khảo sát sẽ phân tích các yếu tố chính thu hút những nhân tài quyết định trở về và các vấn đề rào cản đối với họ khi làm việc ở Việt Nam. Các góp ý cụ thể cho chính sách thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài cũng được ghi nhận.

Kết quả ban đầu cho thấy yếu tố chính để thu hút các trí thức chuyên gia về làm việc ở Việt Nam là Gia đình (60%). Một nửa số người tham gia muốn về Việt Nam nếu có các “Cơ hội được nhìn nhận và khả năng thăng tiến trong sự nghiệp”. 50% ý kiến “Mong muốn được tạo những tác động tích cực đến Kinh tế xã hội Việt nam”.

Một trong những rào cản khiến những người muốn trở về ngần ngại là môi trường làm việc (83%) và lo lương bổng không đảm bảo cho cuộc sống (70%). Các chính sách xã hội như bảo hiểm, lương hưu cũng là mối lo lắng của những người muốn quay về. 46% người tham gia e ngại không áp dụng được kiến thức mình đang có trong môi trường Việt Nam.

Do cuộc khảo sát mới được tiến hành trong thời gian ngắn nên số lượng người tham gia còn khá khiêm tốn (hơn 300 người) so với lực lượng lớn những tri thức, chuyên gia người Việt đang công tác ở nước ngoài quan tâm đến chính sách thu hút, sử dụng và gìn giữ nhân tài ở Việt Nam.

Để kết quả khảo sát xác thực hơn, nhóm Khảo sát Thu hút nhân tài rất mong muốn tiếp tục nhận được sự tham gia và đóng góp ý kiến của các trí thức, chuyên gia Việt Nam đã và đang ở các quốc gia khác nhau trên thế giới theo đường link: http://www.avseglobal.org/khao-sat-ve-thu-hut-nhan-tai

Hội AVSE-Global sẽ luôn đồng hành với các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam trên toàn thế giới trong việc chuyển tải các ý kiến về chính sách thu hút và phát triển nhân tài ở Việt Nam. Những người tham gia khảo sát để lại email sẽ nhận được bản kết quả tổng hợp của đợt khảo sát