15/01/2025 lúc 06:44 (GMT+7)
Breaking News

Cơ chế thu hút nhân tài

VNHN - Một trong những nội dung được các Ủy viên UBTVQH đặc biệt quan tâm khi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là chính sách đối với người có tài năng. Đây được xem là một trong giải pháp tháo gỡ “nút thắt” về thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước.

VNHN - Một trong những nội dung được các Ủy viên UBTVQH đặc biệt quan tâm khi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là chính sách đối với người có tài năng. Đây được xem là một trong giải pháp tháo gỡ “nút thắt” về thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước. Nhiều ý kiến đề nghị, dự thảo Luật cần làm rõ khái niệm “người có tài năng” là thế nào, đồng thời quy định cơ chế, nguyên tắc để thu hút, sử dụng nhân tài.

Người tài cần có chính sách để phát huy

Thế nào là người có tài năng?

Luật Cán bộ, công chức hiện hành đã có những quy định về chính sách đối với người có tài năng và một số nghị định của Chính phủ cũng có quy định chi tiết về vấn đề này. Trên cơ sở đó, một số địa phương cũng đã triển khai thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân tài vẫn gặp khó, một trong những nguyên nhân của tình trạng này chính là cơ chế chính sách chưa đủ sức hút đối với người tài.

Dự thảo Luật lần này đã có quy định về chính sách đối với người có tài năng. Theo đó, Khoản 2, Điều 1 của dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Luật Cán bộ, công chức quy định theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết khung cơ chế, chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng.

Là người nhất trí cao với việc cần phải có chính sách thu hút nhân tài nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, một số địa phương như TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội... đã có chính sách để thu hút nhân tài. Hay trong tuyển dụng, một số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đã được xét tuyển. Tuy nhiên, để có chính sách thỏa đáng đối với người có tài năng, Chính phủ phải căn cứ vào thực tiễn thi hành chính sách này thời gian qua, có định lượng để xác định được người có tài năng là thế nào. Ít nhất cũng phải có khái niệm cơ bản, có định nghĩa khái quát để tránh gây tranh cãi thế nào là có tài, thế nào không có tài, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga nói.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, chính sách đối với nhân tài là nội dung được nhiều người quan tâm. Chính phủ cần tổng kết, đánh giá kinh nghiệm trong thực hiện chính sách này trước khi quy định trong dự thảo Luật. Cùng với đó, cần có một khái niệm, định nghĩa như thế nào là nhân tài. Đồng thời, dự thảo Luật phải đưa ra được các nguyên tắc để thu hút, sử dụng người tài, trong đó phải quy định cơ chế đặc biệt để chọn người tài, nhất là cơ chế thi tuyển. Đặc biệt, phải luật hóa nội dung thi tuyển các chức danh lãnh đạo để thống nhất trong tổ chức thực hiện, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ lưu ý.

“Bây giờ đang có thực trạng không muốn làm công chức, viên chức vì lương thấp. Có trường hợp về làm để nuôi một hoài bão, ước mơ gì đó, còn để sống thì người ta lại làm việc khác. Do đó, rất cần có chính sách để thu hút nhân tài là công chức, viên chức. Tuy nhiên, để thu hút được nhân tài thì phải đào tạo, trong đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều người tài thì chúng ta có thể phát hiện để đào tạo, nâng cao trình độ để những người này làm việc có chất lượng, hiệu quả hơn. Cùng với đó, phải phát hiện được người tài để tuyển dụng, nhưng hiện nay, việc phát hiện còn kém. Thậm chí, có nơi phát hiện được người có tài năng, đưa về thì lại áp dụng theo quy trình bổ nhiệm thì làm sao tuyển dụng được? Điều quan trọng nhất là phải làm thế nào để tìm được người tài, phát hiện ra người tài”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

“Cởi trói” cho người đứng đầu trong tuyển dụng, sử dụng cán bộ

Thời gian qua, việc cán bộ công chức, viên chức “dứt áo ra đi” để tìm công việc mới với thu nhập, môi trường làm việc tốt hơn không phải là hiếm gặp. Không ít bác sỹ, thẩm phán đã làm đơn xin nghỉ việc. Điều này cho thấy chính sách tiền lương hiện nay chưa đủ để “giữ chân” cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là những người tài, những người có chuyên môn nghiệp vụ cao.

Nhìn nhận vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải dẫn trường hợp của Giáo sư Ngô Bảo Châu về thành lập Viện Toán học vào năm 2011. Khi đó bàn về việc trả lương nhưng cả hai bộ trưởng khi ấy không quyết định được. Sau đó, Viện Toán học quyết định “phá lệ” trong việc chi trả lương cho Giáo sư Ngô Bảo Châu nhưng mức cao nhất cũng chỉ là 5 triệu đồng/tháng. Hay có một phó giáo sư, tiến sĩ học ở Đại học Seoul ngành động cơ về Trường Đại học Bách khoa, trường đã trả lương trung bình của giảng viên khoảng 17-18 triệu đồng, nhưng Vinfast đã trả lương 200 triệu/1 tháng. Mặc dù Trường Đại học Bách Khoa đã tìm mọi biện pháp, có những chính sách bồi dưỡng đào tạo đối với người này nhưng vẫn không “giữ” được. Điều đáng nói là hiện tượng này xảy ra ở nhiều khoa, bộ môn khác, đặc biệt là bộ môn cơ khí chế tạo máy và bộ môn động cơ.

Cũng theo Trưởng ban Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, người đứng đầu các Ủy ban, cơ quan của QH có thể nhìn thấy có người này hoặc cán bộ kia rất giỏi nhưng chưa thi được vào chuyên viên chính do chưa đến thời hạn, nên lương “chỉ thế thôi”. Trong khi đó, có những cán bộ đã thi được vào chuyên viên chính, thậm chí là chuyên viên cao cấp nhưng đóng góp cho công việc rất hạn chế. Điều đáng nói là, để cho nghỉ hay giảm lương, thay đổi vị trí công tác của những người này lại rất khó, bởi “quyền hạn của chúng tôi không có”, Trưởng ban Nguyễn Thanh Hải chia sẻ. Trong khi đó, những cơ quan ngoài nhà nước, các doanh nghiệp không bao giờ có chuyện người này làm kém mà được hưởng lương cao, người kia làm giỏi mà lương lại thấp, tất cả được đánh giá đúng trên năng lực và vị trí việc làm. Đây là thực tế, là bất cập cần sớm giải quyết. Trên cơ sở đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, cần “cởi trói” cho người đứng đầu trong công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ.

Ở một góc nhìn khác, đề cập đến chính sách đối với nhân tài, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đưa ra ví dụ: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tự chủ toàn bộ chi thường xuyên nên đã thu hút được những nhân tài từ Australia, Mỹ và các Việt kiều về làm việc. Do vậy, chính sách đối với người tài năng cần giải quyết theo định hướng cơ chế thị trường. Việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính nhằm tạo điều kiện để các đơn vị được quyền quyết định cơ chế thu hút nhân tài. Một trường đại học có quyền quyết định trả lương cho giáo sư sau khi thực hiện tự chủ tài chính là 30 - 50 - 70 triệu dựa trên hoạt động của đơn vị. Nếu dùng Luật này để giao cho Chính phủ quy định thì không biết bao nhiêu cho đủ, bởi tùy từng lĩnh vực, có trường không tự chủ được. Do đó, nên trao quyền tự chủ cho các đơn vị tài chính để họ quyết định cơ chế chính sách thu hút người tài, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải đề nghị.