03/05/2024 lúc 11:15 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể

Nam Định nằm ở Nam vùng đồng bằng sông Hồng, là nơi phát tích của Vương triều Trần, nơi sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng, danh nhân văn hóa của Việt Nam. Mảnh đất này còn chứa đựng một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể quý báu, được ví như những viên ngọc tỏa sáng lấp lánh điểm tô thêm sự đa dạng cho mảnh đất này.

Di tích Tháp Phổ Minh, bảo vật vô giá trong khu Di tích Lịch sử Văn hóa Đền Trần

Di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh Nam Định đa dạng ở nhiều loại hình, từ lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống đến phong tục, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian. Hiện tại, toàn tỉnh có 1.359 di tích, đa dạng về quy mô, độc đáo về kiến trúc nghệ thuật; trong đó có 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt là khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh và di tích Chùa Keo Hành Thiện; 87 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 307 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, 963 di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 400 nhà thờ Thiên chúa giáo; trên 3.000 từ đường dòng họ; gần 100 làng nghề truyền thống; 4 nhóm bảo vật quốc gia, hơn 25 nghìn tài liệu, hình ảnh, hiện vật được lưu giữ, trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh và các địa phương trong tỉnh. Cùng với đó là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm các lễ hội: Đền Trần, Phủ Dầy, Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Đại Bi, Đền thờ Đức Thánh tổ làng Tống Xá, Đền - Chùa Linh Quang, nghệ thuật ca trù, nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định, nghề sơn mài Cát Đằng cùng nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn, diễn xướng dân gian như: hát chèo, hát văn, hát xẩm, múa rối nước, rối cạn, cà kheo, múa lân - sư - rồng, nhạc kèn, trống hội… Các di sản văn hóa tại Nam Định trở thành điểm đến thu hút du khách tham quan thông qua các lễ hội truyền thống diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Rước kiệu trong lễ hội đền Bảo Ninh, xã Hải Phương, huyện Hải Hậu

 Với tổng số 236 lễ hội truyền thống, trong đó có 6 lễ hội cấp huyện, thành phố, 230 lễ hội cấp xã và 4 ngày hội văn hóa cấp huyện. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý các lễ hội trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, Ban Quản lý các di tích triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Các lễ hội hầu hết được tổ chức tại các điểm di tích, danh thắng nên việc tổ chức tốt lễ hội vừa tạo thuận lợi cho người dân vãng cảnh, chiêm bái các công trình di tích, tham gia các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng vừa tạo điều kiện phát triển du lịch tâm linh. Trong đó Khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Hàng năm, tại di tích diễn ra các kỳ lễ, lễ hội với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc mang ý nghĩa tôn vinh thời đại nhà Trần. Trong đó, có hai kỳ lễ hội quan trọng nhất là Lễ Khai ấn đầu Xuân và Hội Trần tháng 8. Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Trần là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thực hiện Đề án đổi mới công tác tổ chức Lễ hội Trần, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan của tỉnh đã nghiên cứu, phục dựng nhiều nghi thức trong lễ hội xưa. Từ năm 2014 đến nay, trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần, lễ rước kiệu Ngọc Lộ, lễ Rước Nước và Tế Cá được phục dựng. Việc phục dựng các nghi lễ tại Lễ Khai ấn dựa trên việc tìm hiểu nghiên cứu các thư tịch cổ, tìm hiểu trong dân gian. Đối với Lễ hội Trần tổ chức vào tháng 8 âm lịch, phần lễ và phần hội được cử hành trang nghiêm. Ngày 20-8 âm lịch tiến hành nghi lễ dâng hương nhân kỷ niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, tưởng nhớ công lao của các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, cùng ôn lại những áng thiên cổ hùng văn bất hủ của Người như: “Vạn Kiếp Bí Tông Truyền thư”, “Binh Gia Diệu Lý yếu lược” và “Hịch Tướng sĩ”. Phần hội có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá phong phú, độc đáo như những hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian: múa lân, múa sư tử, hát chèo, chọi gà, đấu vật… Để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị tiền nhân để lại, ở thời điểm hiện tại, tỉnh Nam Định đang triển khai thi công, hoàn thiện dự án xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần trên tổng diện tích đất 92,5 ha, gồm các phân khu: công viên văn hóa Trần, khu Trung tâm lễ hội và khu đệm. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của quần thể khu di tích trong giai đoạn mới. Dự án được kỳ vọng sẽ hình thành một điểm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hoá thời Trần, làm phong phú hơn các địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, phù hợp với ước nguyện của nhân dân.

Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Đền Trần

Nếu như Đền Trần tượng trưng cho tín ngưỡng thờ Cha thì Phủ Dầy gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu (Mẹ). Phủ Dầy gắn liền với chợ Viềng mỗi năm chỉ họp một phiên. Với khoảng 400 điểm thờ thánh Mẫu trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó, quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản có tới 18 điểm đền, phủ, lăng… phụng thờ, tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh (vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu, một trong “Tứ bất tử” trong tâm thức người Việt). Là một trong những trung tâm lớn của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, hàng năm vào ngày mùng 3 đến mùng 8-3 âm lịch hàng năm, lễ hội Phủ Dầy được tổ chức trên quy mô vùng, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương về dự. Trong lễ hội diễn ra các nghi lễ trang trọng, gồm: Hầu đồng, rước thỉnh kinh, rước đuốc, hoa trượng hội; các hoạt động văn hóa dân gian như: Thi hát văn, đánh cờ người và nhiều trò chơi dân gian độc đáo khác. Từ năm 2012, 2013, “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy-Nam Định” được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đặc biệt, năm 2016, UNESCO đã ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” (trong đó Nam Định là một trung tâm thực hành lớn) vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cần được bảo vệ. 

Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định hiện có 5 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Tỉnh đã chú trọng quảng bá, giới thiệu các bảo vật này tới nhân dân, du khách, nhất là học sinh, sinh viên nhằm nâng cao hiểu biết về lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước. Năm bảo vật quốc gia gồm: Tượng Phật thời Lý (thế kỷ XII), đang lưu giữ tại chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi (huyện Ý Yên); Thành bậc lan can thời Lý (thế kỷ XII), Mô hình kiến trúc đất nung thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc (thế kỷ XVI) hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định; Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ (niên đại thế kỷ thứ XVII) đang được thờ tại Chùa Phổ Minh, thành phố Nam Định. Đây là những bảo vật hội tụ tinh hoa văn hóa mang giá trị đặc biệt về lịch sử của vùng đất Thiên Trường xưa - Nam Định ngày nay. Phòng Quản lý Di sản Văn hóa - Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cho biết, Thành bậc lan can thời Lý là bảo vật quốc gia đầu tiên trên địa bàn, được tìm thấy trong đợt khai quật phế tích Bảo tháp Vạn Phong Thành thiện trên núi Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên vào năm 1966-1967. Bảo vật còn tương đối nguyên vẹn, được làm bằng đá nguyên khối, màu xám (đá cát). Các đề tài hoa văn trang trí, nhất là hình tượng người được thể hiện trên bảo vật cung cấp khá nhiều thông tin giá trị về nghệ thuật tạo hình, tư duy thẩm mỹ, trang phục, trang sức, nghề thủ công chạm khắc truyền thống; đồng thời phản ánh mối quan hệ, sự giao lưu, ảnh hưởng văn hoá giữa quốc gia Đại Việt thời Lý với các nền văn hoá lớn như Chăm Pa, Trung Quốc và Ấn Độ trong lịch sử. Tượng Phật thời Lý được làm bằng đá nguyên khối. Toàn bộ phần tượng còn nguyên vẹn. Đây là một trong hai pho tượng Phật thời Lý bằng đá còn nguyên vẹn của Việt Nam. Mô hình kiến trúc đất nung thời Trần do người dân đào được tại khu lăng Chiếng, thôn Lại Xá, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản năm 1973. Mô hình gồm 14 mảnh ghép với nhau tạo thành bố cục kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Đây là mô hình nhà nguyên gốc, được chế tác hoàn toàn thủ công. Ngoài việc nguyên vẹn về hình dáng, có nguồn gốc rõ ràng thì các chi tiết kiến trúc cột, trụ, xà, đấu, vì kèo…được trang trí tỉ mỉ, thiết kế tinh xảo. Đây là nguyên mẫu chân thực và đầy đủ nhất để hình dung ra các công trình kiến trúc thời Trần, từ đó có căn cứ để phục dựng các công trình lịch sử văn hóa thời Trần. Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc làm bằng chất liệu gốm men, sưu tầm tại đình Cự Trữ và chùa Cổ Chất, xã Phương Định, huyện Trực Ninh. Chân đèn là hiện vật duy nhất thời Mạc ở Việt Nam có đầy đủ các bộ phận hợp thành, hoàn thiện về hình thức.  Lư hương hiện là tiêu bản duy nhất có hình thức, hoa văn trang trí cầu kỳ tinh xảo. Căn cứ vào hoa văn trang trí (với 258 chữ Hán), đặc điểm hình dáng, nhất là niên đại ghi trên hiện vật không chỉ là cơ sở để nhận biết phong cách tạo hình, nghệ thuật trang trí đặc trưng của thời Mạc thế kỷ XVI, mà còn là cơ sở để đối chiếu, so sánh, xác định niên đại cho các hiện vật cùng thời. Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ còn nguyên vẹn, được tạo tác bằng chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng, khắc họa 3 vị Tổ của thiền phái Trúc Lâm gồm: Đệ nhất Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ tam Tổ Huyền Quang. Bộ tượng thường được làm theo mô típ, tượng Phật nhập niết bàn thường gối đầu lên tay phải, đầu quay về hướng Bắc, mặt ngoảnh về hướng Tây, tay trái duỗi thẳng đặt lên người. Tuy nhiên, Bộ tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ở chùa Phổ Minh đầu lại hướng về phía Đông, nơi có Đền Trần thờ Thủy tổ và 14 vị Hoàng đế triều Trần, với ý nghĩa hướng về nguồn cội, tổ tiên. Đây được xem là điểm độc đáo nhất của tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại chùa Phổ Minh, Nam Định. Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ gắn với lịch sử hình thành, tồn tại của chùa Phổ Minh, công trình kiến trúc nổi tiếng thời Trần. Mỗi bảo vật quốc gia mang đến nhiều câu chuyện về lịch sử, văn hóa, tư duy thẩm mỹ, khoa học của con người ở mỗi gia đoạn lịch sử khác nhau. Việc phát huy giá trị các bảo vật không chỉ cung cấp cho người dân kiến thức, từ đó có cái nhìn toàn diện về lịch sử, văn hóa của dân tộc mà còn nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ giá trị truyền thống của cha ông để lại. Từ năm 2014 đến nay, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho học sinh, sinh viên tại bảo tàng và các điểm di tích lịch sử; trong đó có các điểm đang lưu giữ, thờ tự bảo vật quốc gia. Đây được xem là cách làm sáng tạo của Nam Định để đưa di sản đến gần hơn với công chúng, nhất là thế hệ trẻ nhằm bồi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc, khơi dậy ý thức bảo vệ, gìn giữ những di sản của đất nước.

Lễ hội đền Gin, xã Nam Dương, huyện Nam Trực

Cùng với nỗ lực của ngành văn hóa, các địa phương trong tỉnh cũng chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản bằng cách vận động xã hội hóa trùng tu, tôn tạo các di tích, trong đó có những di tích đang lưu giữ tự bảo vật quốc gia. Tỉnh cũng thực hiện các chương trình, đề án quản lý, phát huy giá trị các di sản văn hóa, bảo vật quốc gia, gắn bảo vệ với phát triển du lịch vừa để bảo tồn văn hóa vừa thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo bản sắc riêng cho Nam Định trong quá trình phát triển và hội nhập. Không chỉ bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản, di tích, ngày nay cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân ở Nam Định còn có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực để bổ sung, bồi đắp, hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong thời đại mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững. Theo đó, trong nhiều năm qua, toàn tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đều có nhà văn hóa, 100% làng, thôn, xóm có nơi sinh hoạt văn hóa. Nhiều nơi đã xây dựng hương ước, quy ước nhằm giữ gìn và phát huy các chuẩn mực đạo đức truyền thống, tích cực xây dựng nông thôn mới, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh.  Hiện hơn 1.500 hương ước, quy ước làng, thôn, xóm, tổ dân phố được tỉnh phê duyệt góp phần đổi mới ở nông thôn, giữ vững ổn định chính trị, an ninh nông thôn, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường.

Không chỉ bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản, di tích, ngày nay cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân ở Nam Định còn có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực để bổ sung, bồi đắp, hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong thời đại mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Nam Định đã vượt qua nhiều tỉnh, thành lớn để đứng thứ 3/11 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 6/63 tỉnh, thành phố cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay ngành công nghiệp và dịch vụ của Nam Định chiếm tỉ trọng khoảng 80% trong cơ cấu kinh tế. Nam Định cũng là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và hầu hết xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nhiều xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh đang là điểm đến được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và thế giới đánh giá cao bởi có lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Kết quả đó đã góp phần thức hiện thắng lợi Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định “Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nam Định”.

Trần Quốc Khải

...