14/12/2024 lúc 22:43 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai: Khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh tăng cường thu hút đầu tư

Với vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đặc hữu, hệ thống giao thông liên vùng, giàu tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa độc đáo... Lào Cai là địa phương đã có những tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.

Là một tỉnh vùng cao, biên giới ở phía Bắc của Việt Nam, nằm giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc, Lào Cai có vị trí nằm tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; là con đường ra biển ngắn nhất, hiệu quả nhất của hàng hoá từ thị trường Vân Nam – Trung Quốc đến với thị trường Đông Nam Á, Đông Á và ngược lại.

Phát triển tỉnh Lào Cai trở thành một cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam của Trung Quốc.

Đây cũng là vùng đất có điều kiện tự nhiên đa dạng, khí hậu ưu đãi để trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế, với lượng du khách dẫn đầu khu vực Tây Bắc; kinh tế du lịch đã đóng góp hơn 15% tổng GRDP của cả tỉnh. Dự kiến đến năm 2030, Khu du lịch Quốc gia Sa Pa với tuyến cáp treo đạt 02 kỷ lục Thế giới cùng với Khu nghỉ dưỡng Quốc tế Y Tý đang được đầu tư sẽ đưa Lào Cai đón 15 triệu du khách và nguồn thu từ du lịch chiếm 25% – 30% GRDP.

Không những vậy, Lào Cai còn có thế mạnh lâu dài về phát triển công nghiệp chế biến gắn với hoạt động khai khoáng, với trên 35 loại khoáng sản, 150 điểm mỏ có trữ lượng lớn. Đặc biệt, Lào Cai cùng với Lai Châu là nơi có trữ lượng đất hiếm lớn nhất cả nước, là loại khoáng sản giữ vai trò chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật công nghệ cao của Thế giới…

Vì vậy, Lào Cai có điều kiện để thực hiện vai trò đầu mối thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các tỉnh trong vùng và tỉnh Vân Nam-Trung Quốc, đây chính là lợi thế lâu dài để Lào Cai trở thành cửa ngõ tin cậy và là điểm trung chuyển hàng hoá quan trọng trên tuyến hành làng kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng – Quảng Ninh.

Đặc biệt, cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu là điểm giao thương quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Cửa khẩu này mở ra cơ hội giao lưu kinh tế, kết nối với các nước ASEAN và cung cấp thị trường lớn cho tỉnh Vân Nam cùng khu vực miền Tây Nam Trung Quốc. Để khai thác tối đa tiềm năng này, Lào Cai đã tập trung phát triển khu kinh tế cửa khẩu, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Tỉnh cũng đã xây dựng môi trường kinh doanh năng động, khuyến khích xuất nhập khẩu hàng hóa chính ngạch, phát triển các dịch vụ đa dạng từ tài chính, ngân hàng, thủ tục hải quan đến logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Tỉnh Lào Cai đã và đang dần khẳng định vai trò của mình như một trung tâm phát triển kinh tế quan trọng tại khu vực miền núi phía Bắc. Những tiềm năng nổi bật về du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, và các dự án hạ tầng đồng bộ đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc thiểu số. Sự quan tâm từ chính quyền địa phương trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ cho các nhà đầu tư là nền tảng vững chắc để Lào Cai trở thành điểm đến lý tưởng cho các dự án đầu tư trong tương lai.

Về tiềm năng phát triển Nông – Lâm nghiệp, Lào Cai có tổng diện tích đất nông - lâm nghiệp lên tới 551.690 ha, chiếm 86,69% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 132.716 ha, đất lâm nghiệp 414.930 ha, đất nuôi thủy sản 3.623 ha và các loại đất nông nghiệp khác 421 ha. Diện tích đất chưa sử dụng là 47.194 ha, tương đương 7,41%, đây là tiềm năng lớn để mở rộng sản xuất nông nghiệp. Khí hậu và điều kiện địa lý đa dạng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Lào Cai phát triển các loại cây trồng và vật nuôi khác nhau: Ở vùng cao, khí hậu á nhiệt đới thích hợp cho các cây ôn đới như đào, lê, táo, và nuôi cá nước lạnh. Ngược lại, vùng thấp có điều kiện thuận lợi cho các cây trồng như quế, chè, chuối, dứa, cũng như phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lào Cai đã ghi nhận những kết quả đáng khích lệ trong sản xuất các cây hàng hóa chủ lực. Cụ thể, diện tích trồng chuối đạt 601 ha với sản lượng thu hoạch 4.363 tấn, mang lại giá trị khoảng 23,3 tỷ đồng. Về cây dứa, diện tích canh tác lên tới 1.657 ha, sản lượng đạt 35.164 tấn, mang về giá trị khoảng 249,9 tỷ đồng. Đối với chè, diện tích sản xuất đạt 5.456 ha, sản lượng thu hoạch 20.095 tấn chè búp tươi, giá trị ước tính khoảng 144,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Lào Cai hiện có 197 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, với 3 sản phẩm tiêu biểu hiện nay là Tương ớt Mường Khương của Hợp tác xã Hoa Lợi, Gạo lứt Séng cù Mường Vỉ, và Gạo Séng cù Mường Vỉ từ Hợp tác xã Nông nghiệp Hảo Anh, thôn Cánh Chín, xã Vạn Hòa. Thành phố đang tích cực hướng dẫn các xã, phường tiếp tục đăng ký ý tưởng sản phẩm tham gia OCOP trong thời gian tới, nhằm nâng cao giá trị nông sản và hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, hoạt động nuôi trồng thủy sản tại Lào Cai đã được duy trì và ổn định. Diện tích nuôi thủy sản đạt khoảng 2.677,98 ha, sản lượng thu hoạch trong tháng 9 ước tính đạt 636 tấn, giảm 3,20% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của lũ. Bên cạnh việc phát triển thủy sản nuôi có quản lý, tỉnh cũng chú trọng tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên bằng cách thả cá giống vào các hồ thủy điện, sông, suối, kết hợp với các hoạt động bảo vệ môi trường. Người dân Lào Cai đã nắm vững quy trình nuôi, chăm sóc và sản xuất con giống thủy sản nước lạnh trong môi trường nước ngọt. Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 95.000 m³ bồn bể để nuôi cá tầm và cá hồi, chủ yếu tập trung ở thị xã Sa Pa và các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Văn Bàn, và Bảo Yên.

Lâm nghiệp chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, phát triển vùng nguyên liệu quế, tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,2%, cao hơn mức trung bình quốc gia. Ngành chế biến lâm sản cũng được đầu tư công nghệ mới. Kết quả, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 6,01%/năm…

Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai

Về phát triển công nghiệp: Lào Cai có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, đặc biệt là liên quan đến hoạt động khai khoáng. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 35 loại khoáng sản và khoảng 150 điểm mỏ với trữ lượng lớn. Sản xuất công nghiệp đã có những bước tiến mạnh mẽ, là một trong những điểm sáng phát triển kinh tế của cả nước, với quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt bình quân 14% mỗi năm. Nhiều nhà máy chế biến sâu khoáng sản đã đi vào hoạt động hiệu quả, như Nhà máy tuyển đồng Tả Phời với công suất 35.000 tấn tinh quặng/năm; Nhà máy luyện đồng Bản Qua với công suất 20.000 tấn đồng thỏi/năm; Nhà máy phân bón DAP số 2 với công suất 330.000 tấn/năm và Nhà máy gang thép Lào Cai với công suất 500.000 tấn phôi thép/năm. Hiện tại, Lào Cai đã có 67 dự án thủy điện đi vào hoạt động, với tổng công suất đạt 1.063MW, cung cấp nguồn điện quan trọng hòa lưới điện quốc gia, với 100% xã, phường, thị trấn và thôn bản được sử dụng điện lưới quốc gia; 97% hộ gia đình được tiếp cận nguồn điện.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai, trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 7 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng số vốn là hơn 3.312 tỷ đồng (tăng gần 30 lần tổng mức thu hút đầu tư so với cùng kỳ năm 2023). Các dự án được phê duyệt chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng; cụ thể là: Dự án Nhà ở xã hội tại khu dân cư giáp đường B6 kéo dài, với tổng mức đầu tư 2.085 tỷ đồng; Dự án Nhà ở xã hội tại xã Vạn Hòa, với tổng mức đầu tư 562 tỷ đồng; Dự án nhà máy sản xuất sợi dệt và tinh bột chuối Musa Golden, với tổng mức đầu tư 386 tỷ đồng; Dự án khu nhà ở thương mại tại lõi đất sau khu dân cư các đường Hoàng Liên, Lý Công Uẩn, Nguyễn Du, với tổng mức đầu tư 51,4 tỷ đồng; Dự án khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng tại mỏ đá Võ Lao, với tổng mức đầu tư 22,3 tỷ đồng; Dự án đầu tư chăn nuôi lợn công nghệ cao, tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng và Dự án chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn, với tổng mức đầu tư 14,9 tỷ đồng. Năm 2024, UBND tỉnh Lào Cai chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm: Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị xã Sa Pa theo hình thức BOT; Cải tạo nâng cấp Tỉnh lộ 156 đoạn Kim Thành - Ngòi Phát; Tỉnh lộ 151 đoạn từ ngã ba Xuân Giao đến đường Quý Xa - Tằng Loỏng; dự án Cảng hàng không Sa Pa.

Liên quan tới phát triển doanh nghiệp, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND với mục tiêu phấn đấu thành lập mới khoảng 800 doanh nghiệp/năm 2024, trên 50% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả/tổng số doanh nghiệp đang hoạt động… Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 50% GRDP của tỉnh; đóng góp 50% tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn tỉnh; tổng vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp chiếm từ 40 - 50% tổng vốn đầu tư trên địa bàn. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) thuộc nhóm 10 tỉnh đứng đầu cả nước… Cũng theo kế hoạch, mục tiêu năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ thực hiện hỗ trợ đào tạo khoảng 400 đội ngũ kinh doanh về quản trị doanh nghiệp và khởi sự doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng nghề cho 12.000 người; cung ứng khoảng 6.000 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Tư vấn, kết nối giải quyết việc làm cho 14.495 lao động, trong đó 9.100 lao động là người dân tộc thiểu số, 6.523 lao động là nữ, vay vốn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho 3.200 lao động.

Để đạt các mục tiêu đề ra, Lào Cai phát động mạnh mẽ các chương trình khởi nghiệp, đưa tinh thần khởi nghiệp đến với mọi người dân. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật, cơ chế chính sách; về chuyển đổi số; các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết… Đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Lào Cai sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, chú trọng thu hút doanh nghiệp lớn, chủ chuỗi cung ứng đầu tư và hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Lào Cai tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút thêm các doanh nghiệp và các nhà đầu tư đến đầu tư trên địa bàn

Một trong những thế mạnh nữa của Lào Cai là phát triển kinh tế Du lịch, với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, trong đó nổi bật là những điểm đến độc đáo như đỉnh Phan Xi Păng, cao nhất Đông Dương, cùng với khí hậu mát mẻ quanh năm tại Bắc Hà và Sa Pa; Bãi đá cổ huyền bí và nhiều di tích lịch sử được xếp hạng, là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch văn hóa. Bên cạnh đó, sự đa dạng văn hóa của 25 dân tộc anh em cũng góp phần làm phong phú thêm tiềm năng du lịch với những nét đặc trưng về chữ viết, trang phục, ẩm thực và tâm linh. Những tiềm năng như vậy sẽ tạo cho Lào Cai có cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế du lịch, với đủ các loại hình du lịch gắn với văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tham quan, thể thao và nghiên cứu khoa học.

Để đạt mục tiêu thu hút 60.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong năm 2024, tỉnh Lào Cai tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút thêm các doanh nghiệp và các nhà đầu tư đến đầu tư trên địa bàn. Trong đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương tập trung vào 2 nội dung chính là Cải cách thủ tục hành chính và các vấn đề về đất đai.

Trong cải cách hành chính sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nội bộ tại các sở, ban, ngành; chú trọng khai thác hiệu quả cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp; thành lập bộ máy chuyên môn để hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và hoạt động của Trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp... Về đất đai, sẽ giảm giá đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và giá đất tại các khu, cụm công nghiệp, khu thương mại - công nghiệp; miễn tiền thuê đất đối với các công trình xã hội hóa.

Với phương châm: thay vì chờ nhà đầu tư tự tìm đến, tỉnh sẽ chủ động tìm và mời nhà đầu tư đến đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; đồng thời, sẽ tiếp tục tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai trên địa bàn./.

Thanh Huyền - Phương Anh

...