Trong khi đó, quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định “tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trọng điểm” để tạo đà cho Nam Định cất cánh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Đoạn tuyến đường bộ ven biển qua thị trấn Rạng Đông nhìn từ trên cao
Tập trung phát triển và hoàn thiện 5 hành lang kinh tế
Để nâng cao năng lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Nam Định đã chủ động tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ. Nhiều dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Nam Định đang được đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo hoàn thành trước kế hoạch đề ra, với kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Vì vậy dựa trên việc tối ưu hóa khả năng kết nối giữa các vùng trọng điểm trong tỉnh và kết nối với các tỉnh lân cận, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh đã xây dựng quy hoạch 5 HLKT tạo động lực mới cho phát triển kinh tế.
Hành lang Quốc lộ 10 (thành phố Nam Định - Cao Bồ) kết nối từ huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) - thành phố Nam Định - thị trấn Gôi (Vụ Bản) - thị trấn Lâm (Ý Yên) - đến thành phố Ninh Bình là hành lang động lực chủ đạo của tỉnh; Hành lang cao tốc Bắc - Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông) đi từ huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) - Cao Bồ (Ý Yên) - thị trấn Liễu Đề - thị trấn Quỹ Nhất - thị trấn Rạng Đông là hành lang phát triển động lực chủ đạo của tỉnh giúp tăng cường liên kết khu vực; HLKT ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy) đi từ huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) - đô thị Đại Đồng - thị trấn Quất Lâm - thị trấn Cồn - thị trấn Thịnh Long - thị trấn Rạng Đông - đến huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) là hành lang phát triển động lực chủ đạo tạo động lực cho kinh tế biển; Hành lang Quốc lộ 21 và tuyến đường từ thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy đi từ huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) - thành phố Nam Định - thị trấn Cổ Lễ - thị trấn Xuân Trường - thị trấn Quất Lâm là hành lang phát triển động lực thứ cấp đến năm 2030 và chủ đạo đến năm 2050 thúc đẩy giao thương và phát triển nông nghiệp, du lịch; và Hành lang tuyến cao tốc CT.08 (Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng) đi từ huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) - thị trấn Cổ Lễ - thị trấn Liễu Đề - đến huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) là hành lang phát triển động lực thứ cấp đến năm 2030 và chủ đạo đến năm 2050 gia tăng khả năng kết nối đến các trung tâm kinh tế trọng điểm.
Đến thời điểm nay, 3 trong số 5 HLKT đã được hoàn thiện về hạ tầng giao thông đảm bảo thúc đẩy liên kết vùng và phát triển bền vững. Trong đó, Quốc lộ 10 đã hoàn thành đầu tư, khai thác từ nhiều năm nay với vai trò là tuyến huyết mạch giao thông của tỉnh có ảnh hưởng và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hành lang cao tốc Bắc - Nam nối dài từ Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông đã cơ bản hoàn thành, hiện chỉ chờ cầu Đống Cao hoàn thiện đưa vào lưu thông là sẽ hoàn tất kết nối hạ tầng giao thông hành lang này. Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 30/6/2024.
Còn lại, hạ tầng giao thông cụm hành lang Quốc lộ 21 và tuyến đường thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy (dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11) tỉnh đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Hạ tầng giao thông hành lang tuyến cao tốc CT.08 (Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng) đang được tỉnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Trong vòng 2 năm tới, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh sẽ hoàn chỉnh mạng lưới đường cao tốc, thuận lợi kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm quốc gia như Hà Nội, Hải Phòng, tạo nhiều thuận lợi cho giao thông đi lại của người dân và các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa. Dọc các HLKT của tỉnh như hành lang Quốc lộ 10, hành lang thành phố Quốc lộ 21, hành lang kinh tế ven biển đã hình thành một số KCN tập trung gần các đô thị lớn như Bảo Minh, Bảo Minh mở rộng, Mỹ Thuận, Dệt may Rạng Đông… Hiện tại các HLKT có một số KCN gồm: Hải Long (khoảng 1.100ha); Thịnh Tân (khoảng 400ha); Nam Hồng (khoảng 200ha); Thượng Thành (khoảng 395ha); Minh Châu (khoảng 300ha); Lạc Xuân (khoảng 210ha), Trung Thành (200ha) đang được đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các phần việc liên quan, khẩn trương hoàn tất thủ tục được cấp phép và sớm triển khai khởi công xây dựng hạ tầng để sẵn sàng đón nhận các dự án công nghệ cao, sản xuất xanh, bền vững.
Bằng việc đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, kiến tạo 5 HLKT trọng điểm, Nam Định đang đi đúng hướng trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững và hội nhập. Các HLKT này đã không chỉ tạo động lực cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của các địa phương dọc các tuyến HLKT, nhất là các HLKT đã hình thành; mà còn góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư lớn từ trong và ngoài nước. Hiện Nam Định đã đang ngày càng thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp vị thế toàn cầu lựa chọn là địa điểm đầu tư, tiêu biểu như: Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư Tổ hợp 3 dự án quy mô 98.900 tỷ đồng phát triển ngành công nghiệp thép xanh tại khu vực Cồn Xanh (Nghĩa Hưng). Tập đoàn Quanta Computer Inc., (Đài Loan - Trung Quốc) đầu tư dự án sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính với quy mô tạo ra hàng nghìn việc làm mới cho lao động địa phương; 2.000 lao động vào cuối năm 2024 và đến cuối năm 2025 sẽ sử dụng 9.000 lao động. Với khả năng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, nhà máy của Quanta giúp Nam Định không còn phụ thuộc vào các ngành công nghiệp truyền thống mà mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ hiện đại và giá trị gia tăng cao; định vị Nam Định trên bản đồ toàn cầu của các tập đoàn công nghệ quốc tế.
Thời gian tới, Nam Định tiếp tục tăng tốc thực hiện quyết liệt các giải pháp thiết thực, đảm bảo 5 HLKT phát huy tối đa hiệu quả, đưa tỉnh trở thành điểm sáng phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước. Trong đó, tỉnh sẽ tích cực hoàn thiện hạ tầng giao thông và thúc đẩy đầu tư phát triển các đô thị nằm dọc 5 HLKT, đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng bản sắc đô thị riêng và hoàn thiện diện mạo các đô thị ven biển. Trong thu hút đầu tư phát triển văn hóa - du lịch, tỉnh chú trọng khuyến khích thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa, phát triển hạ tầng du lịch, và nâng cao chất lượng dịch vụ... tạo điều kiện cho Nam Định tận dụng được các nguồn lực liên kết vùng, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện. Chính quyền tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của các HLKT này.
Tập đoàn Quanta Computer Inc., (Đài Loan - Trung Quốc) đầu tư dự án sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính với quy mô tạo ra hàng nghìn việc làm mới cho lao động địa phương; 2.000 lao động vào cuối năm 2024 và đến cuối năm 2025 sẽ sử dụng 9.000 lao động
Hướng đến hoàn thiện và khai thác một số công trình trọng điểm
Những tháng cuối năm, các công trình giao thông trọng điểm Nam Định đang thực hiện ba ca, bốn kíp, để công trình "về đích" đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Các công trình trọng điểm không chỉ có ý nghĩa cảnh quan mà còn tạo diện mạo mới, điểm nhấn về hạ tầng cho tỉnh Nam Định. Trên các công trường thi công các dự án trọng điểm của tỉnh Nam Định như: Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển. Giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình… nơi đâu các nhà thầu cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa công trình vào khai thác.
Nổi bật trong đó có dự án xây dựng đường trục phát triển nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình. Đây là công trình giao thông đường bộ cấp I, có tổng mức đầu tư 5.326,5 tỉ đồng, từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Điểm đầu dự án tại khu vực nút giao Cao Bồ địa phận huyện Ý Yên, điểm cuối dự án tại xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng, chiều dài tuyến khoảng 46km. Dự kiến, hạng mục cầu Đống Cao và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ góp phần quan trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông huyết mạch, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định. Đồng thời, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Bắc - Nam, kết nối mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia.
Cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi (thành phố Nam Định) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn tất đưa vào khai thác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Ảnh: Báo Nam Định
Ngoài dự án trên, tỉnh Nam Định cũng đang đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm khác như: Dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, dự án cầu vượt sông Đáy thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, dự xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi (TP Nam Định), đường trục phía Nam TP Nam Định…Thông tin về tiến độ một số công trình trọng điểm do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết: Các tuyến giao thông trọng điểm đang được tỉnh Nam Định tích cực triển khai sẽ cơ bản đảm bảo kết nối các hành lang kinh tế của tỉnh và kết nối thuận tiện với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đây là những công trình có ý nghĩa quan trọng tạo thế và lực mới cho Nam Định bứt phá phát triển kinh tế. Thêm nữa thời gian tới tỉnh Nam Định sẽ hoàn chỉnh mạng lưới cao tốc, kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm quốc gia như Hà Nội, Hải Phòng; là một trong những nhà ga chính trong hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Việc đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường giao thông huyết mạch, kết nối trong tỉnh cũng như với thủ đô Hà Nội, cảng Hải Phòng và các tỉnh thành lân cận đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và kết nối giao thương. Bởi vậy, quyết tâm dồn lực từng bước đầu tư trọng tâm, trọng điểm hệ thống hạ tầng giao thông là giải pháp đúng đắn để tỉnh Nam định xây chắc nền móng, kỳ vọng tạo sức đột phá toàn diện, mạnh mẽ với cơ hội, không gian phát triển mới, kiến tạo các lợi thế mới nhằm đưa Nam Định sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.