09/11/2024 lúc 09:18 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định: Chuyển đổi số - Một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ

Thời gian qua tỉnh Nam Định nói chung, ngành Thông tin và Truyền thông đã làm và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện chiến lược chuyển đổi số (CĐS), xây dựng chính quyền điện tử và dịch vụ công. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Cơ quan Việt Nam Hội Nhập thường trú Khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Trọng Quế, TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định.

Ông Vũ Trọng Quế, TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định chia sẻ, truyền tải nội dung trong thực hiện việc chuyển đổi số.

Phóng viên: Xin ông đánh giá cụ thể kết quả đạt được trong thực hiện chiến lược CĐS, xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ công thời gian qua như thế nào?

Ông Vũ Trọng Quế: Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng và quyết tâm thực hiện mạnh mẽ việc CĐS, xây dựng chính quyền điện tử gắn với công tác cải cách hành chính, thực hiện các Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XX; Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CĐS của tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả tiến trình thực hiện CĐS, xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đáp ứng yêu cầu thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06. Đến nay, công tác thực hiện CĐS của Nam Định đã đạt nhiều kết quả quan trọng góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, các địa phương, mỗi người dân và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số. Hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, dữ liệu số của Nam Định được đầu tư, phát triển hiện đại, đồng bộ từ tỉnh đến cấp xã. Hệ thống thông tin, phần mềm, dịch vụ số dùng chung của tỉnh được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ đến các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử. Công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về CĐS được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa lớn, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân. Công tác đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, kỹ năng số cho các cơ quan, đơn vị, người dân được quan tâm đẩy mạnh. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, CĐS đều đạt và vượt so với yêu cầu đề ra của Chính phủ và của tỉnh. Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng chỉ số CĐS (DTI Index) của tỉnh đạt thứ 10/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2021. Chỉ tiêu thành phần về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong Bộ chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2022 của Nam Định được Bộ Nội vụ xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021. Chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2022, 2023 của Nam Định đều đứng trong Top 10 tỉnh dẫn đầu, trong đó có nhiều tháng, nhiều quý là tỉnh dẫn đầu của cả nước…

Đội ngũ cán bộ, viên chức Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ, hướng dẫn cán bộ các đơn vị cài đặt, vận hành phần mềm dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền điện tử.

Phóng viên: Với trách nhiệm của người đứng đầu, điều gì khiến ông và các cộng sự tâm huyết và quyết tâm nỗ lực thực hiện quyết liệt việc xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ công, xã hội số?

Ông Vũ Trọng Quế: Kể từ khi Chính phủ phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia và chỉ đạo các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định đã xây dựng, thực hiện kế hoạch CĐS của ngành, đồng thời tích cực tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CĐS của tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả tiến trình thực hiện CĐS, xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Từ kinh nghiệm của người đang trực tiếp tham gia vào chương trình hành động của tỉnh, của ngành, tôi cho rằng vai trò của người đứng đầu quyết định phần nhiều đến thành bại trong CĐS tại mỗi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi người lãnh đạo quản lý phải đồng hành, quyết đoán với chương trình này với thời gian đủ dài. Điều khiến tôi và các cộng sự tâm huyết và quyết tâm nỗ lực thực hiện quyết liệt đó chính là CĐS là vấn đề quan trọng nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. CĐS cũng sẽ là xu hướng tất yếu đòi hỏi tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm trong việc thực hiện quá trình CĐS vì sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.

Là người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì phải cố gắng nhiều hơn những gì mà mình mong muốn ở các đồng nghiệp cấp dưới của mình. Người đứng đầu cũng phải nêu gương rèn luyện phẩm chất, đạo đức tốt, làm việc công hiến. Tập thể cấp ủy, Ban Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất và gương mẫu đi đầu, làm việc tận tụy, sông pha nhận làm những việc khó, việc mới. Thường xuyên khuyến khích, động viên những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong việc tham mưu, tổ chức thức hiện công việc. Thành tích tốt đạt được của ngành Thông tin và Truyền thông trong những năm qua có sự đóng góp rất lớn của tập thể cấp ủy, Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ, đảng viên công chức của ngành, nhất là những cán bộ có lòng tự trọng, nhiệt huyết, trách nhiệm, năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đông đảo người dân Nam Định đến giao dịch, sử dụng điện thoại thông minh để giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Phóng viên: Từ những kết quả nền tảng đã đạt được, ngành Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu như thế nào trong định hướng xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh Nam Định trong thời gian tới?

Ông Vũ Trọng Quế: Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác thực hiện CĐS, xây dựng chính quyền điện tử gắn với công tác cải cách hành chính hướng tới phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số phục vụ hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử, thời gian tới Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tham mưu cho cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CĐS của tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả và hoàn thành sớm 4 nhóm mục tiêu thực hiện CĐS đến năm 2025 theo tinh thần mà Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XX đã đề ra, tạo tiền đề thực hiện đến năm 2030 như sau:

Một là: Duy trì, triển khai có chất lượng và đi vào chiều sâu, hiệu quả đối với các mục tiêu đã hoàn thành đến năm 2025, cụ thể:

- Tỉnh Nam Định thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu toàn quốc về chỉ số đánh giá CĐS.

- 100% thủ tục hành chính của tỉnh đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được duy trì cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (nay là dịch vụ công trực tuyến toàn trình) và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

- 90% hồ sơ công việc của tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).

- 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.

- 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối chia sẻ với các nền tảng, hệ thống thông tin của tỉnh. Từng bước mở dữ liệu của các cơ quan Nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

- Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn.

- Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.

- Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%.

Hai là: Chủ động phối hợp với các cấp, ngành, các địa phương nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm sớm hoàn thành các mục tiêu chưa hoàn thành đến năm 2025, đó là:

- 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP.

Cán bộ, viên chức Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hải Hậu cập nhật thông tin về đất đai lên hệ thống dữ liệu điện tử phục vụ công tác cấp quyền sử dụng đất cho người dân địa phương.

Phóng viên: Để đạt được mục tiêu trên, ngành Thông tin và Truyền thông nói riêng, tỉnh Nam Định nói chung đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức nào, hướng giải quyết ra sao? Theo ông đâu là những giải pháp căn cơ để đưa Nam Định tiếp tục “bứt tốc” trong thực hiện CĐS thời gian tới?

Ông Vũ Trọng Quế: Đạt được những kết quả to lớn trên, công tác CĐS thời gian qua đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực, hiệu quả của Bộ Thông tin và Truyền thông; sự vào cuộc, phối hợp của các cấp, ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp. Công tác thực hiện CĐS của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, các địa phương, người dân và các doanh nghiệp công nghệ số.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện CĐS còn gặp một số khó khăn, thách thức, đó là: Nhận thức của một số người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức về CĐS, nhất là người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ. Nguồn nhân lực phục vụ cho CĐS còn hạn chế và chưa đáp ứng được sự đổi mới liên tục của công nghệ. Hạ tầng kỹ thuật thông tin và truyền thông, hệ thống cơ sở dữ liệu còn thiếu và chưa đồng bộ. Một số doanh nghiệp chưa tích cực ứng dụng, phát triển công nghệ số; nguồn lực phục vụ cho CĐS còn hạn chế.

Để đưa Nam Định tiếp tục “bứt tốc” trong thực hiện CĐS, xây dựng chính quyền điện tử gắn với công tác cải cách hành chính hướng tới phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Nam Định, sớm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 09-NQ/TU, trong thời gian tới Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CĐS của tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương trong triển khai thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch số 122/KH-UBND của UBND tỉnh. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về CĐS, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả công tác CĐS gắn với thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện CĐS tại cơ quan, đơn vị, địa bàn phụ trách; đưa kết quả thực hiện CĐS là một trong các tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua hàng năm.

Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức về CĐS đến tất cả cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, qua đó tạo sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân vào tiến trình thực hiện CĐS của tỉnh.

Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ, thống nhất về hạ tầng số, nền tảng số, dịch vụ số, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của CĐS và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh chuyển dịch từ cung cấp các dịch vụ truyền thống sang cung cấp các dịch vụ số, nền tảng số làm cơ sở thúc đẩy CĐS trong các doanh nghiệp. Quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu của Việt Nam và thế giới vào đầu tư tại tỉnh, làm cơ sở từng bước hình thành các khu công nghiệp công nghệ thông tin tại tỉnh, góp phần phát triển kinh tế số của tỉnh.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về CĐS; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về CĐS. Quan tâm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu CĐS; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo nhân lực, xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo về công nghệ.

Đôn đốc đẩy nhanh việc CĐS đối với các ngành, lĩnh vực, đảm bảo hiệu quả, chất lượng; trong đó tập trung các nguồn lực để sớm hoàn thành đối với các lĩnh vực ưu tiên thực hiện CĐS trong Nghị quyết số 09-NQ/TU là xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh, CĐS lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường. Triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu. Xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm tra, phát hiện các nguy cơ gây mất an ninh thông tin; đảm bảo xử lý kịp thời các nguy cơ gây mất an ninh, đe dọa gây mất an ninh thông tin.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trần Quốc Khải

...