18/01/2025 lúc 19:31 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định: Đẩy mạnh thu hút đầu tư phục hồi kinh tế

Vượt lên những khó khăn do tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, với các giải pháp đồng bộ và tầm nhìn dài hạn, thời gian qua, tỉnh Nam Định tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Bấm nút khởi công Dự án xây dựng cầu qua sông Đào trên địa bàn thành phố Nam Định

Hạ tầng đi trước

Xác định hạ tầng là chìa khoá, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nam Định đã tập trung huy động tối đa các nguồn lực từng bước đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối với các trục giao thông trọng điểm quốc gia và các tỉnh vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Đến nay, tỉnh Nam Định đã hoàn thành Tỉnh lộ 488C; đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, Tỉnh lộ 488B, 485B. Khởi công và triển khai thi công Giai đoạn II dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; Xây dựng cầu qua sông Đào; Đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nghĩa Hưng. Hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công các dự án đầu tư xây dựng Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng và Nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải thực hiện dự án Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; khởi công xây dựng cầu Bến Mới; thủ tục đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường.

Khởi công giai đoạn 2 tuyến đường trục kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình.

Cùng với đó, gần 2 năm qua, tỉnh Nam Định đã khuyến khích và thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch được duyệt. Lần lượt khởi công xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Thuận, các Cụm công nghiệp (CCN) Thanh Côi, Yên Bằng; thành lập CCN Tân Thịnh; hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư mở rộng KCN Bảo Minh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng KCN dệt may Rạng Đông; các CCN Giao Thiện, Thịnh Lâm. Cho phép các nhà đầu tư khảo sát lập quy hoạch dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN Hồng Tiến, Trung Thành và các CCN Giao Hải, Giao Lạc, Yến Châu; khảo sát tiềm năng điện gió gần bờ và ngoài khơi tại các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu; khảo sát, nghiên cứu đầu tư Nhà máy điện khí LNG Nam Định tại huyện Hải Hậu…

Khu Công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định

Song song với hạ tầng, Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Nam Định cũng chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính trên các lĩnh vực; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, tăng tỷ lệ thủ tục hành chính ở mức độ 3, mức độ 4 (năm 2021 Nam Định đứng thứ 24/63 tỉnh, thành cả nước về kết quả xếp hạng năng lực cạnh canh cấp tỉnh, tăng 16 bậc so với năm 2020, thuộc nhóm khá). Ngoài ra, tỉnh Nam Định đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp nhận, giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, đồng thời là đầu mối tham mưu triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư; hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp.

Nhằm tạo ra chuyển biến tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, UBND tỉnh Nam Định tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương đạo đức công vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, có tinh thần trách nhiệm cao trong giải quyết công việc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; tăng cường hoạt động thanh tra công vụ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.

Quang cảnh tại Công ty CP Dệt Bảo Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định

Tư duy đột phá

Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết: để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay đối với tỉnh Nam Định chính là tập trung phát triển công nghiệp, xúc tiến thu hút đầu tư thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, cân đối ngân sách, đưa đời sống nhân dân đi lên. Thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, quy hoạch vùng – liên vùng; không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư với tinh thần “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”; tập trung cho công tác chỉ đạo, triển khai giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm đúng quy định, đảm bảo tiến độ, qua đó đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã có, đang triển khai và đã có quy hoạch.

Sản xuất hệ thống dây dẫn điện tại KCN Bảo Minh

Để tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy mạnh thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hiện UBND tỉnh Nam Định tập trung chỉ đạo thống nhất về quan điểm, nhận thức, chủ trương, tạo đồng thuận cao, thu hút các doanh nghiệp lớn, thuộc khu vực sản xuất có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra số thu ngân sách lớn. Xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh kết hợp với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương trong nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả. Năm 2022 - tính đến ngày 25/10/2022, tỉnh Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 33 dự án với tổng số vốn đăng ký 31.108 tỷ đồng và 38,22 triệu USD; bao gồm 27 dự án đầu tư trong nước và 6 dự án FDI. Trong đó cấp mới cho 23 dự án (18 dự án đầu tư trong nước và 5 dự án FDI); điều chỉnh tăng vốn cho 10 dự án (9 dự án đầu tư trong nước và 1 dự án FDI). Điển hình một số dự án lớn như: Dự án Nhà máy thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 88.000 tỷ đồng và Dự án Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 10.000 tỷ đồng. Cũng trong thời gian trên, tỉnh Nam Định đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 902 doanh nghiệp và 56 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 7.611,8 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 11.222 doanh nghiệp và 868 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 101.901,5 tỷ đồng.

Việc coi trọng cơ sở hạ tầng và quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, tinh giản thủ tục và tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về với tỉnh, đã và đang thể hiện sự nhanh nhạy, đổi mới về tư duy trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư phát triển của tỉnh Nam Định. Và cũng như một tất yếu, khi cơ chế thông thoáng, những nhà đầu tư như Tập đoàn Xuân Thiện cam kết đầu tư số vốn lớn trên vào tỉnh là minh chứng, thể hiện rõ nhất môi trường đầu tư ở Nam Định đã và đang ngày càng hấp dẫn, được doanh nghiệp tin tưởng.

Đại diện Nam ĐBSH

...