10/01/2025 lúc 06:03 (GMT+7)
Breaking News

Một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

I. Dẫn đề

So với thị trường bảo hiểm của các quốc gia trên thế giới, thì thị trường kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam là một thị trường khá mới và non trẻ. Trước khi bắt đầu công cuộc đổi mới, các doanh nghiệp bảo hiểm đã hình thành và hoạt động nhưng với những sản phẩm rất hạn chế, chủ yếu là các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. Năm 1964, Công ty Bảo hiểm Việt Nam (hay còn gọi là Bảo Việt) được thành lập, đánh dấu cái tên đầu tiên trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. Tại thời điểm đó, Bảo Việt chủ yếu phục vụ cho các tổ chức kinh tế nhà nước trong hoạt động xuất khẩu và tàu biển ở miền Bắc. Chỉ đến năm 1993, khi Nghị định số 100/CP của Chính phủ về Kinh doanh bảo hiểm được ban hành, thị trường bảo hiểm Việt Nam mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ, chứng kiến sự tham gia của nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, đi kèm với đó sự đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.

Có thể thấy, khung pháp lý đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Năm 2000, Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành, thay thế cho Nghị định số 100/CP, và tiếp tục được sửa đổi vào năm 2010. Luật Kinh doanh bảo hiểm đã củng cố hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó, đưa ra những quy định thiết yếu liên quan đến hợp đồng bảo hiểm – trung tâm của quan hệ bảo hiểm.

Theo Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm bao gồm hợp đồng bảo hiểm con người, hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự, và hợp đồng bảo hiểm hàng hải; trong đó, hợp đồng bảo hiểm hàng hải áp dụng cơ chế pháp lý riêng biệt quy định tại Bộ luật Hàng hải. Tuy nhiên, dễ thấy rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm cho đến nay đã tồn tại gần 20 năm và bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tiễn với giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đề cập đến những vướng mắc trên thực tiễn trong áp dụng quy định pháp luật về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm, đưa ra những gợi mở cho việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm và giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi.

II. Những vướng mắc, bất cập từ quy định pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Trong phần này, người viết sẽ tập trung đề cập đến những vướng mắc, bất cập về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm. Những vướng mắc, bất cập tập trung vào 02 khía cạnh: một là, bất cập ngay chính quy định pháp luật; hai là, bất cập trong việc thực thi các quy định pháp luật; trong cách hiểu, áp dụng chưa thống nhất trên thực tế. Bên cạnh đó, người viết đã thực hiện việc rà soát các quy định về hợp đồng tại Luật Kinh doanh bảo hiểm và pháp luật có liên quan.

1.1.Nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực khi giao kết hợp đồng bảo hiểm

Theo điểm b khoản 2 Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm. Theo quy định này, đối tượng của nghĩa vụ khai báo là “mọi chi tiết theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm”. Vậy cụm từ “mọi chi tiết theo yêu cầu của doanh nghiệp” được hiểu và giải thích như nào? Điều này là chưa rõ ràng và gây ra một số vướng mắc trên thực tế.

Theo Bản án số 313/2016/DS-PT ngày 16/3/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án xét rằng: “Căn cứ theo Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm trong trường hợp các bên có sự giải thích khác nhau không rõ ràng khó hiểu thì Điều khoản này phải được giải thích theo hướng có lợi cho bà H (người mua bảo hiểm). Như vậy, không đủ cơ sở xác định đau dạ dày được bao gồm trong rối loạn tại dạ dày như Công ty C trình bày. Xét thấy tại đơn yêu cầu bảo hiểm không có câu hỏi về bệnh đau dạ dày. Như vậy, phía công ty C cho rằng bà H bị bệnh đau dạ dày mà không khai báo là cố tình khai báo không trung thực và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin là không có căn cứ”.

Có thể thấy, Tòa án có quan điểm theo hướng “mọi chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm” phải nằm trong câu hỏi của doanh nghiệp bảo hiểm, nếu đối tượng của nghĩa vụ khai báo không nằm trong câu hỏi của doanh nghiệp bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm không cần khai báo. Hướng xét xử này đang được lấy ý kiến để đưa thành án lệ trong lĩnh vực bảo hiểm. Hướng xét xử này cho thấy sự phù hợp ở chỗ doanh nghiệp bảo hiểm là bên cung cấp sản phẩm bảo hiểm và là bên xác định được các rủi ro liên quan đến sản phẩm. Khi đưa ra sản phẩm bảo hiểm thì doanh nghiệp đã phải dự tính được các rủi ro, và bên mua bảo hiểm không có nghĩa vụ phải thông báo về các rủi ro mà doanh nghiệp tại thời điểm giao kết hợp đồng không coi nó là một rủi ro.

Thực tiễn cũng có trường hợp bên mua bảo hiểm có bệnh, nhưng không kê khai thông tin khi xác lập bảo hiểm nhân thọ, nhưng Tòa án vẫn xác định bên mua bảo hiểm không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực vì bên mua bảo hiểm không biết có bệnh đó. Chẳng hạn, trong Bán án số 1966/DSST ngày 10/9/2004 của Tòa án nhân dân thành phố H, Tòa án xét “trước khi ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với Công ty M, ông N đã từng khám bệnh theo bảo hiểm y tế tại Bệnh viện N và được bác sĩ của Công ty M khám bệnh cũng như kiểm tra lại sức khỏe tại trung tâm H nhưng đều không biết ông N bị bệnh lao não. Các triệu chứng bệnh của ông N khi khám bệnh tại bệnh viện N như: chóng mặt, nhức đầu là bệnh thường xuyên của con người, nên việc ông N không khai khi kiểm tra sức khỏe không phải là ông N biết bệnh lao não nhưng giấu không khai. Bên cạnh đó, xét trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giữa công ty M và ông N không quy định nếu người ký kết hợp đồng bảo hiểm khai sai những điểm trong phiếu kiểm tra sức khỏe thì không được thanh toán quyền lợi bảo hiểm, do đó, công ty M phải có nghĩa vụ trả cho bà L quyền lợi bảo hiểm của ông N”.

Một vấn đề quan trọng khác, khi vi phạm nghĩa vụ trung thực thì hậu quả pháp lý xảy ra là gì? Trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, có hai điều khoản cùng quy định về hậu quả pháp lý của việc vi phạm nghĩa vụ trung thực, gây ra nhiều khó khăn trong việc áp dụng trên thực tiễn. Cụ thể:

  • Điểm a khoản 2 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí tính đến thời điểm đỉnh chỉ hợp đồng khi bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường.”

  • Điểm d khoản 1 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.”

Có thể thấy, có hai căn cứ “có hành vi lừa dối” và “cung cấp thông tin sai sự thật”, xét về bản chất là tương đồng, nhưng hậu quả pháp lý lại khác nhau. Nếu áp dụng Điều 19 để đình chỉ hợp đồng, hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt kể từ thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm thông báo chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, và bên bảo hiểm sẽ được thu phí bên mua bảo hiểm tính đến thời điểm đình chỉ. Mặt khác, nếu áp dụng Điều 21 để yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng bảo hiểm, thì theo Điều 131 Bộ luật dân sự 2015, các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại. Do đó, trên thực tế, việc áp dụng hai điều khoản này không có sự thống nhất. Các bên sẽ tùy ý sử dụng căn cứ “lừa dối” và “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật” sao cho có lợi nhất cho bên mình. Thông thường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ áp dụng điểm a khoản 2 Điều 19 về đình chỉ thực hiện hợp đồng để giữ được số phí bảo hiểm đã đóng của bên mua bảo hiểm, còn bên mua bảo hiểm sẽ muốn áp dụng điểm d khoản 1 Điều 22 yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng bảo hiểm vô hiệu để nhận lại số phí bảo hiểm đã đóng.

Về mặt lý thuyết, căn cứ để áp dụng chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng là hành vi vi phạm xảy ra trong quá trình các bên thực hiện hợp đồng, như thể hiện tại Điều 428 Bộ luật dân sự 2015 “một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng…” ; còn căn cứ để tuyên hợp đồng vô hiệu là hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm các bên giao kết hợp đồng, như được thể hiện tại Điều 127 Bộ luật dân sự “khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối…thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.” Tuy nhiên, hành vi “cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm” về bản chất là hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng, xảy ra trước thời điểm các bên giao kết hợp đồng, nhưng Luật Kinh doanh bảo hiểm vẫn cho rằng đây là căn cứ để đình chỉ thực hiện hợp đồng. Điều này không phù hợp với các quy định của Bộ luật dân sự 2015 cũng như nguyên tắc trong giao kết hợp đồng. 

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, quy định về đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong Luật Kinh doanh bảo hiểm là quy định đặc thù nhằm bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm. Xuất phát từ đặc điểm của hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm được thực hiện trên nguyên tắc “trung thực” trong giao kết và thực hiện hợp đồng. Do đó, những thông tin được cung cấp trong hợp đồng có ảnh hưởng đến giá trị của hợp đồng bảo hiểm - ảnh hưởng trực tiếp đến việc doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá rủi ro và ra quyết định thiết lập hay không thiết lập hợp đồng bảo hiểm. Do vậy, khi áp dụng điểm d khoản 1 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm để tuyên hợp đồng vô hiệu đối với hành vi “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật...”, quyền lợi của bên bị lừa đối (thường là các doanh nghiệp bảo hiểm) sẽ không được bảo đảm. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm và buộc bên mua bảo hiểm tôn trọng nguyên tắc trung thực, Luật Kinh doanh bảo hiểm cần một chế tài phù hợp hơn là tuyên hợp đồng vô hiệu, các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận.

Do đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm về quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng của doanh nghiệp bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm có hành vi “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật…”. Quan điểm này có điểm không phù hợp, bởi doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có thể yêu cầu bên mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu dựa trên quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015“…bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Do đó, việc áp dụng căn cứ “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật” để đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo khoản 2 Điều 19 của Luật Kinh doanh bảo hiểm là không phù hợp với nguyên tắc về đơn phương chấm dứt hợp đồng theo Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015.

Ngoài ra, Điều 34 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về nghĩa vụ thông báo tuổi trong bảo hiểm nhân thọ. Đây thực ra là một nghĩa vụ cụ thể của nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực trong giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Điều 34 quy định “trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm, nhưng tuổi đúng của người được bảo hiểm không thuộc nhóm tuổi có thể được bảo hiểm thì doanh nghiệp có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và hoàn trả số phí bảo hiểm đóng cho bên bảo hiểm sau khi đã trừ các chi phí có liên quan.” Nếu xét đến chế tài áp dụng cho trường hợp thông báo sai tuổi, cũng là một trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật, thì Điều 34 lại đặt ra một chế tài khác so với Điều 19 và Điều 22, đó là hủy bỏ hợp đồng.

Theo quy định của Điều 423 và 427 Bộ luật dân sự 2015, hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong trường hợp một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, làm cho mục địch của việc giao kết hợp đồng không thể thực hiện được; khi hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên phải hoàn trả nhau những gì đã nhận. Có thể thấy rằng, hủy bỏ hợp đồng được áp dụng khi có hành vi vi phạm xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng tương tự như đình chỉ hợp đồng, nhưng hậu quả của hủy bỏ hợp đồng lại tương tự như hợp đồng vô hiệu. Dù vậy, hành vi thông báo sai tuổi là một hành vi xảy ra trước thời điểm giao kết hợp đồng, nên việc áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng ở đây là không phù hợp về mặt nguyên tắc.

1.2. Điều kiện đối với chủ thể giao kết hợp đồng

Chủ thể giao kết hợp đồng bảo hiểm gồm hai bên: bên bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Trong quan hệ bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có thể giao kết hợp đồng bảo hiểm vì lợi ích của chính mình hoặc của người khác. Ngoài ra, đối với hợp đồng bảo hiểm con người, các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm có thể bao gồm bên bán bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, bên được bảo hiểm, và bên thụ hưởng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bên mua bảo hiểm, bên được bảo hiểm và bên thụ hưởng có thể là ba chủ thể khác nhau, hoặc có thể chỉ là một chủ thể. Do bản chất của hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng song vụ, do vậy, cần quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên. Chẳng hạn, trong hợp đồng bảo hiểm con người, nên quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm như quyền từ chối tư cách người được bảo hiểm trong một khoảng thời gian nhất định khi hợp đồng bảo hiểm được ký kết; hoặc nghĩa vụ của người được bảo hiểm khi phát sinh sự kiện bảo hiểm như khai báo thông tin, xét nghiệm theo giám định y tế nếu doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu.

Bên cạnh đó, pháp luật về bảo hiểm chưa quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm và người thụ hưởng, cụ thể là mối quan hệ giữa những người tham gia bảo hiểm với nhau. Đối với hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự, lỗi của người tham gia bảo hiểm khi thực hiện hành vi gây thiệt hại là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường của người tham gia bảo hiểm, đồng thời cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, và doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm khi có yêu cầu bồi thường của người thứ ba. Vì vậy, các bên trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự phải được quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ đối với nhau.

Khoản 2 Điều 38 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về chủ thể giao kết hợp đồng bảo hiểm con người, theo đó, không được giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của (i) người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản; hoặc (ii) người đang mắc bệnh tâm thần. Quy định này chưa đầy đủ so với quy định của Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể, không chỉ có người dưới 18 tuổi (người chưa thành niên) và người đang mắc bệnh tâm thần mới cần được bảo vệ mà cả người mất năng lực hành vi dân sự do bị bệnh khác, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Bộ luật dân sự 2015 cũng cần được bảo vệ như các chủ thể nói trên. Mặt khác, có một câu hỏi đặt ra là vì sao đối với người dưới 18 tuổi thì luật loại trừ trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản, còn đối với người đang mắc bệnh tâm thần thì lại không có trường hợp loại trừ như trên trong khi cả hai chủ thể này đều là người không có đủ năng lực hành vi dân sự?

1.3. Giải thích hợp đồng

Hợp đồng bảo hiểm thường là hợp đồng gia nhập, tức là doanh nghiệp bảo hiểm sẽ soạn sẵn mẫu hợp đồng để bên mua bảo hiểm đồng ý ký kết hợp đồng. Trong trường hợp này, bên mua bảo hiểm phải chịu bất lợi hơn khi không thể yêu cầu sửa đổi hợp đồng mẫu. Do đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có những quy định về giải thích hợp đồng để “bù đắp” những bất lợi mà bên mua bảo hiểm phải chịu.

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ “giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm”. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng. Quy định này là hợp lý bởi doanh nghiệp bảo hiểm là bên chuyên nghiệp nên có đầy đủ hiểu biết về các thuật ngữ chuyên môn trong hợp đồng bảo hiểm.

Trong đó, trong lĩnh vực bảo hiểm con người, rất nhiều thuật ngữ chuyên môn về bảo hiểm không được định nghĩa trong hợp đồng bảo hiểm như giá trị hoàn lại, chi phí hợp lý, ngày tròn năm hợp đồng, v.v. Điều này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn đối với bên mua bảo hiểm. Năm 2006, các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm con người tại Việt Nam đã thống nhất được cách hiểu 29 thuật ngữ của bảo hiểm con người, chứng tỏ đây là một nội dung hết sức quan trọng. Tuy nhiên, cần một hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong văn bản quy phạm pháp luật về các thuật ngữ này để việc áp dụng trên thực tế được thống nhất. Thực tế cho thấy, các hợp đồng mẫu về bảo hiểm hiện nay đa số có nhiều thuật ngữ khó hiểu nên mặc dù gây bất lợi cho bên mua bảo hiểm – khách hàng nhưng họ không thể nhận ra ngay trừ khi có sự giúp đỡ tìm hiểu bởi chuyên gia về bảo hiểm.

Thứ hai, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định nguyên tắc chung giải thích hợp đồng bảo hiểm đó là “trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”. Luật Kinh doanh bảo hiểm không quy định cụ thể cách thức giải thích hợp đồng như thế nào. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, nguyên tắc này sẽ được áp dụng cùng với các nguyên tắc giải thích hợp đồng khác tại Bộ luật Dân sự. Bộ luật Dân sự quy định nguyên tắc giải thích hợp đồng sẽ thực hiện theo thứ tự: (i) theo ý chí đích thực của các bên khi xác lập giao dịch; (ii) theo nghĩa phù hợp với mục đích của giao dịch; và (iii) theo tập quán nơi giao dịch được xác lập. Việc giải thích điều khoản hợp đồng bảo hiểm theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm không đồng nghĩa với việc Tòa án phải chấp nhận cách giải thích một điều khoản mà bên mua bảo hiểm đưa ra.

Ví dụ, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ quy định số tiền bảo hiểm cho hợp đồng chính (sản phẩm bảo hiểm và tiết kiệm) là 20 triệu đồng, số tiền bảo hiểm cho rủi ro thương tật toàn bộ vĩnh viễn là 20 triệu đồng, và số tiền bảo hiểm cho rủi ro chi phí phẫu thuật là 20 triệu đồng. Khi đáo hạn hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm đã trả số tiền bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, bên mua bảo hiểm đã dựa vào một điều khoản khác ở hợp đồng quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm phải trả toàn bộ số tiền bảo hiểm khi hợp đồng đáo hạn để yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả 60 triệu đồng. Rõ ràng, ở đây, số tiền bảo hiểm cho hợp đồng chính và số tiền bảo hiểm cho các loại rủi ro khác có bản chất khác nhau. Đối với phần hợp đồng chính, thì khi hợp đồng đáo hạn mà bên mua bảo hiểm còn sống thì bên mua sẽ được nhận số tiền bảo hiểm. Còn đối với số tiền bảo hiểm cho các loại rủi ro khác, thì khi xảy ra rủi ro đã quy định, thì bên mua bảo hiểm sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tương ứng. Như vậy, trong trường hợp này, nếu Tòa án chấp nhận giải thích điều khoản hợp đồng theo cách giải thích của bên mua bảo hiểm, thì các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi trong quan hệ bảo hiểm sẽ bị phá vỡ.

Do đó, từ những phân tích trên, việc giải thích hợp đồng bảo hiểm theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm khi có điều khoản không rõ ràng phải được đặt trong sự phù hợp với các nguyên tắc giải thích hợp đồng của Bộ luật Dân sự và phù hợp với các thông lệ trong quan hệ bảo hiểm, chứ không được áp dụng một cách tùy tiện.

1.4. Hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung

Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn, hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định.

Theo khoản 3 Điều 2 của Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg, “Bảo hiểm nhân thọ” được bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ban hành kèm theo Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định “các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm bảo hiểm tai nạn, sức khỏe phải được Bộ Tài chính phê chuẩn quy tắc điều khoản sản phẩm và biểu phí trước khi triển khai”.

Dựa vào các quy định trên, không có sự phân biệt rõ ràng rằng bảo hiểm nhân thọ phải đăng ký hợp đồng mẫu hay đăng ký điều kiện giao dịch chung. Sự khác biệt giữa Điều kiện giao dịch chung và Hợp đồng theo mẫu ở chỗ, các điều kiện giao dịch chung, thông thường không nằm ngay trong bản hợp đồng, nó có thể được quy định trong các văn bản riêng miễn là được bên cung cấp dịch vụ công bố công khai. Mặc dù có sự khác biệt giữa khái niệm Hợp đồng theo mẫu và Điều kiện giao dịch chung, nhưng, điều quan trọng hơn cần nhấn mạnh là cả hai khái niệm này đều cùng chỉ đến một hiện tượng khi mà các điều khoản mẫu do một bên đơn phương soạn thảo hoặc công bố và được sử dụng trên thực tế với đối tác mà không cần có sự thoả thuận, mặc cả về nội dung của điều khoản mẫu đó.

Theo đó, đối với bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mẫu phải đăng ký hợp đồng mẫu và nếu doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm nhân thọ có những điều khoản nằm ngoài hợp đồng mà những điều khoản này vẫn áp dụng cho người mua bảo hiểm, thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải đăng ký điều kiện giao dịch chung với những điều khoản này.

1.5. Điều khoản loại trừ trách nhiệm

Điều khoản loại trừ trách nhiệm là điều khoản quy định các trường hợp mà doanh nghiệp bảo hiểm không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Điều khoản loại trừ trách nhiệm là một điều khoản cơ bản của hợp đồng bảo hiểm,[10] bởi điều khoản loại trừ sẽ (i) bảo vệ doanh nghiệp bảo hiểm khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán do hậu quả của một rủi ro lớn, gây thiệt hại trên diện rộng và không có quy luật rõ ràng, (ii) bảo vệ các giá trị đạo đức xã hội, chống trục lợi bảo hiểm, và (iii) đảm bảo mức phí bảo hiểm hợp lý, giúp nhiều người có thể tham gia bảo hiểm. Điều 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là một nội dung phải có trong hợp đồng bảo hiểm.

Bởi tính đặc thù của điều khoản loại trừ trách nhiệm trong hợp đồng bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã dành một điều khoản riêng để quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm như sau:

“1. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

2. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.

3. Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:

a) Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý;

b) Bên mua bảo hiểm có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.”

Điều 16 đã quy định nghĩa vụ giải thích của doanh nghiệp bảo hiểm đối với bên mua bảo hiểm về nội dung của điều khoản loại trừ trách nhiệm cũng như hệ quả của nó khi giao kết hợp đồng, bởi điều khoản loại trừ trách nhiệm sẽ giải thoát cho doanh nghiệp bảo hiểm khỏi nghĩa vụ trả tiền bồi thường, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Tuy nhiên, Điều 16 lại không có hạn chế gì đối với nội dung của điều khoản loại trừ trách nhiệm, cũng như chế tài đối với các điều khoản loại trừ trách nhiệm mang tính bất lợi cho bên mua bảo hiểm. Hơn nữa, hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng gia nhập, nên bên mua bảo hiểm phải chấp nhận mọi điều khoản mà doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra mà không được đàm phán lại. Do đó, hoàn toàn có khả năng các doanh nghiệp bảo hiểm lạm dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm mang tính bất lợi cho bên mua bảo hiểm để tự giải thoát cho mình khỏi nghĩa vụ bảo hiểm trong nhiều trường hợp.

Khoản 3 Điều 16 quy định các trường hợp không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm. Quy định này là phù hợp, đảm bảo mục tiêu bảo vệ các giá trị cần được bảo vệ trong xã hội, khi xét đến yếu tố lỗi của bên mua bảo hiểm khi vi phạm pháp luật và vi phạm hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, đối với trường hợp của hợp đồng bảo hiểm con người mà bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm cho một người khác, thì các sự kiện bảo hiểm sẽ xảy ra xung quanh bên được bảo hiểm, chứ không phải bên mua bảo hiểm. Dù bên mua bảo hiểm cố ý hay vô ý, thì sự kiện vi phạm pháp luật của bên mua bảo hiểm cũng không thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên được bảo hiểm. Do đó, quy định tại Điều 16 sẽ không có ý nghĩa trong trường hợp bên mua bảo hiểm và bên được bảo hiểm không phải cùng một người.

Ngoài quy định chung tại Điều 16, thì tại Điều 39, Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định các trường hợp cụ thể mà doanh nghiệp bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm con người không phải trả tiền bảo hiểm. Điều 39 quy định những sự kiện mà khả năng rất lớn được bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm thúc đẩy để trục lợi bảo hiểm và những sự kiện mà nếu bên mua bảo hiểm và bên được bảo hiểm được thanh toán tiền bảo hiểm thì sẽ đi ngược với các giá trị xã hội cần được bảo vệ. Mặc dù tinh thần của Điều 39 là đúng đắn, nhưng quy định của Điều 39 dường như đã bỏ sót một số trường hợp mà bên mua bảo hiểm và bên được bảo hiểm có thể lợi dụng để trục lợi bảo hiểm. Điểm b, Khoản 1, Điều 39 quy định doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm nếu bên được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng. Luật Kinh doanh bảo hiểm dường như chỉ chú ý đến sự kiện chết và thương tật toàn bộ vĩnh viễn, mà bỏ quên các sự kiện cũng có thể là sự kiện bảo hiểm như sự kiện thương tật một phần vĩnh viễn hay sự kiện ốm bệnh, tạo ra một lỗ hổng để bên mua bảo hiểm và bên được bảo hiểm trục lợi bảo hiểm.

Ở một điều khoản khác, quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã không bảo vệ được trật tự xã hội một cách tối đa. Điểm c, Khoản 1, Điều 39 dường như chỉ chú ý đến sự kiện bên được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình, tức là sự kiện bên được bảo hiểm thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, nhưng lại bỏ quên các sự kiện vi phạm pháp luật ở mức độ nhẹ hơn của bên được bảo hiểm.
Như vậy, mặc dù Điều 16 và Điều 39 đều đi đúng hướng, nhưng quy định tại hai điều khoản đều có những thiếu sót để đạt thực hiện mục đích của điều khoản loại trừ trách nhiệm một cách trọn vẹn nhất.

1.6. Tính lãi trong việc trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường

Theo điểm c khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ “trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường cho người thụ hưởng, người được bảo hiểm hoặc có tranh chấp về số tiền bảo hiểm, tiền bồi thường. Tòa án giải quyết tranh chấp đã quyết định doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường theo yêu cầu của nguyên đưn thì có tính lãi trên số tiền đó không? Tính lãi từ thời điểm nào, mức lãi suất như thế nào? Có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất, doanh nghiệp bảo hiểm chậm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm là thuộc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải trả lãi trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả tính từ ngày tiếp theo của ngày đến hạn trả tiền bảo hiểm theo quy định tại Điều 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm cho đến khi thanh toán xong theo mức lãi suất hai bên thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm. Nếu các bên không thỏa thuận thì mức lãi suất quy định tại Điều 468.2 Bộ luật Dân sự 2015 là 10%/năm.

Quan điểm thứ hai, do các bên tranh chấp về số tiền bảo hiểm hoặc tiền được bồi thường nên sẽ không phải chịu lãi trên số tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường cho đến khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực. Án lệ số 09/2016/AL về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại đưa ra tình huống hợp đồng mua bán hàng hóa có phát sinh nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại thì trường hợp này không phải trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại đó. Tương tự đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm kiện yêu cầu người thứ ba có lỗi gây nên sự kiện bảo hiểm thanh toán tiền bồi thường thiệt hại thì có tính lãi suất không?

Trong thực tiễn, đây là một nội dung thường có tranh chấp và văn bản chưa quy định rõ, nên thực tiễn xét xử của Tòa án còn chưa có sự thống nhất. Vấn đề đặt ra là khoản tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường được thanh toán ở thời điểm nào. Trong trường hợp hợp đồng không có nội dung về chủ đề này, chúng ta nên theo hướng doanh nghiệp bảo hiểm phải thanh toán tiền bảo hiểm từ thời điểm nhận đủ hồ sơ. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ này thì phải trả lãi chậm trả tính từ ngày nận đủ hồ sơ mà chưa được thanh toán.

1.7. Sửa đổi hợp đồng

Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm về phí bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm sẽ dựa trên thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Việc sửa đổi, bổ sung này phải được lập thành văn bản. Quy định tại Điều 25 phù hợp với quy định về sửa đổi hợp đồng tại Bộ luật dân sự 2015 khi tôn trọng thỏa thuận sửa đổi hợp đồng của các bên, đồng thời yêu cầu các bên bảo đảm hình thức thỏa thuận sửa đổi tuân thủ với hình thức của hợp đồng gốc.

Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định chi tiết về việc điều chỉnh phí bảo hiểm trong trường hợp thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm. Đây là trường hợp đặc thù trong hợp đồng bảo hiểm. Phí bảo hiểm sẽ được xác định dựa trên nhiều yếu tố, mà trong đó yếu tố về rủi ro là yếu tố quan trọng nhất. Đối với các quyền lợi có tỉ lệ rủi ro lớn thì bên mua bảo hiểm thường phải chịu mức phí bảo hiểm cao hơn, và ngược lại. Do đó, những sự kiện xảy ra làm thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi về phí bảo hiểm. Điều 20 đã quy định cụ thể về các trường hợp thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm và cách giải quyết khi doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không thể đồng ý về một mức phí mới.

Điều 20 có quy định trong trường hợp có bất kỳ thay đổi dẫn đến tăng rủi ro được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nếu bên mua bảo hiểm không chấp nhận mức phí bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm điều chỉnh. Tuy nhiên, Điều 20 lại không có sự phân biệt về nguyên nhân dẫn đến sự kiện tăng rủi ro là do khách quan hay chủ quan. Nếu tăng rủi ro do chủ quan, ví dụ như bên mua bảo hiểm cố ý hủy hoại sức khỏe của mình, thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền dựa vào đó mà tăng phí bảo hiểm. Còn nếu tăng rủi ro là khách quan, ví dụ như sức khỏe bên mua bảo hiểm giảm sút do tuổi tác, hay ô nhiễm môi trường tại nơi sinh sống, thì doanh nghiệp bảo hiểm không thể đương nhiên dựa vào cơ sở đó để tăng phí bảo hiểm.

1.8. Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm

Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm ghi nhận quyền chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm của bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, với điều kiện doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận giao dịch chuyển nhượng đó. Sau khi chuyển nhượng hợp đồng, bên nhận chuyển nhượng sẽ trở thành bên mua bảo hiểm trong hợp đồng và thực hiện quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm. Trên cơ sở so sánh với Điều 365 Bộ luật dân sự 2015, quy định tại Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm là phù hợp, khi tôn trọng thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm ban đầu và doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, xét đến khía cạnh quan hệ bảo hiểm là một quan hệ đặc thù, quy định tại Điều 26 hiện tại vẫn còn mang tính chung chung và chưa bao quát được những trường hợp đặc thù của hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là hợp đồng bảo hiểm con người.

Trong hợp đồng bảo hiểm con người, bên mua bảo hiểm và bên được bảo hiểm không phải lúc nào cũng là cùng một người. Theo Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm, ngoài tự mua bảo hiểm cho bản thân, bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng, và những người khác nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Như vậy, giữa bên mua bảo hiểm và bên được bảo hiểm phải có một mối liên hệ nhất định, theo đó, nếu việc bên được bảo hiểm phải chịu một tổn hại sẽ gây ra một tổn thất đối với bên mua bảo hiểm.

Để hợp đồng bảo hiểm cho một bên thứ ba được duy trì, thì quyền lợi có thể được bảo hiểm hay rủi ro phải được duy trì. Trong trường hợp chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm, thì bên nhận chuyển nhượng phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với bên được bảo hiểm, bằng không, hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt ngay lập tức do quyền lợi có thể được bảo hiểm không còn. Do đó, điều kiện tiên quyết trong chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm con người, là bên nhận chuyển nhượng phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với bên được bảo hiểm. Tuy nhiên, Điều 26 và các quy định ở mục Hợp đồng bảo hiểm con người hiện tại đều không quy định về điều kiện chuyển nhượng đối với hợp đồng bảo hiểm con người.

1.9. Chấm dứt hợp đồng

Điều 23 và Điều 24 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả pháp lý tương ứng, bao gồm các trường hợp quy định tại Bộ luật dân sự và một số trường hợp cụ thể khác. Bằng cách quy định như hiện tại, Luật Kinh doanh bảo hiểm bảo đảm sự thống nhất đối với quy định tại Bộ luật Dân sự.

Có thể thấy rằng, những trường hợp chấm dứt hợp đồng quy định tại Điều 23 là sự quy định chi tiết hơn một số trường hợp chấm dứt hợp đồng tại Bộ luật Dân sự trong bối cảnh của hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trong những trường hợp sau:

Thứ nhất, bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm. Quyền lợi có thể được bảo hiểm là các quyền lợi gắn với đối tượng bảo hiểm mà có khả năng sẽ bị tổn hại, và khi bị tổn hại sẽ gây ra một tổn thất cho người mua bảo hiểm. Quan hệ bảo hiểm nhắm đến khả năng bị tổn hại hay rủi ro của các quyền lợi đó. Nếu rủi ro xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chia sẻ rủi ro đó với bên mua bảo hiểm bằng việc trả một khoản bồi thường theo thỏa thuận cho bên mua bảo hiểm. Nếu quyền lợi gắn với đối tượng bảo hiểm không còn khả năng bị tổn hại trong tương lai, tức là không có khả năng xảy ra rủi ro, thì hợp đồng giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm sẽ trở nên vô nghĩa. Do đó, có thể hiểu rằng hợp đồng sẽ chấm dứt trên cơ sở đối tượng của hợp đồng không còn, như quy định tại Bộ luật Dân sự.

Trong trường hợp trên, theo quy định tại Điều 24, sau khi hợp đồng bảo hiểm chấm dứt, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp đối với các hợp đồng bảo hiểm mà theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng toàn bộ phí bảo hiểm trong một lần. Đối với các hợp đồng bảo hiểm con người, bên mua bảo hiểm đóng phí định kỳ, thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không thể hoàn phí trên cơ sở tại Điều 24.

Trong thực tiễn, phát sinh một số vướng mắc nhất định trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm do bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm. Chẳng hạn, trường hợp chồng mua bảo hiểm nhân thọ cho vợ, sau đó hai vợ chồng ly hôn thì có coi là trường hợp bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm để chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo khoản 1 Điều 23 của Luật Kinh doanh bảo hiểm không không? Hoặc khi người lao động không còn làm việc tại doanh nghiệp mua bảo hiểm nữa thì hợp đồng bảo hiểm đó sẽ được duy trì hiệu lực như thế nào? Đây vẫn còn là những câu hỏi đang bỏ ngỏ trong pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam.  

Thứ hai, bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, hoặc đã gia hạn thời hạn đóng phí bảo hiểm nhưng tiếp tục không đóng đủ phí bảo hiểm trong khoảng thời gian gia hạn đã thỏa thuận. Theo Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm để đổi lại quyền hưởng tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Do đó, nghĩa vụ đóng phí là nghĩa vụ cơ bản của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm. Việc bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm có thể coi là một vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của hợp đồng bảo hiểm, và là cơ sở để doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương chấm dứt việc thực hiện hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp này, sau khi hợp đồng bảo hiểm chấm dứt, thì bên mua bảo hiểm phải đóng đủ phí bảo hiểm cho đến thời điểm chấm dứt hợp đồng hoặc cho đến hết thời gian gia hạn theo thỏa thuận.

1.10. Thời hiệu khởi kiện

Ngoài các nội dung đã trình ở bày trên, một nội dung quan trọng không kém, liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm, đó là thời hiệu khởi kiện. Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định “Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.” Quy định tại Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm phù hợp với quy định tại Điều 159 Bộ luật dân sự 2005, khi xác định thời điểm tính thời hiệu khỏi kiện là thời điểm phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên, quy định này hiện nay đã không còn phù hợp khi Bộ luật dân sự 2015 xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiểu khởi kiện là “ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

Sở dĩ có sự thay đổi này là bởi thực tế cho thấy, với quy định tại Bộ luật dân sự 2005, có rất nhiều trường hợp người có quyền, lợi ích bị xâm phạm không thể thực hiện được quyền khởi kiện. Không phải trong trường hợp nào người có quyền, lợi ích bị xâm phạm cũng biết rằng quyền, lợi ích của mình đang bị xâm phạm, và cho đến khi phát hiện quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm thì thời hiệu khởi kiện để đòi lại những quyền, lợi ích đó lại không còn. Rõ ràng, khi không biết đến việc quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm thì người có quyền không thể thực hiện quyền khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi 2011), chủ thể có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án sẽ mất quyền khởi kiện khi thời hạn khởi kiện kết thúc. Dựa vào quy định trên, Tòa án đã trả lại đơn và từ chối thụ lý vụ án hết thời hiệu khởi kiện. Như vậy, với hai quy định như tại Bộ luật dân sự 2005 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, quyền tự bảo vệ của người có quyền, lợi ích bị xâm phạm đã không được đảm bảo.

Quay lại Điều 30 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, cũng tương tự như quy định của Bộ luật dân sự 2005, quy định tại Điều 30 cũng sẽ tạo ra những cản trở nhất định cho doanh nghiệp bảo hiểm, người mua bảo hiểm và các bên liên quan khác trong việc thực hiện quyền khởi kiện khi quyền, lợi ích của bên tương ứng bị xâm phạm. Do đó, Điều 30 nên được sửa đổi theo hướng phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự 2015 để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của các chủ thể trong quan hệ bảo hiểm.

III. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng với người tiêu dùng

1. Yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

1.1. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm được Quốc hội thông qua năm 2000, sửa đổi năm 2010, đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Từ khi ra đời cho đến nay, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường kinh doanh bảo hiểm. Theo báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, quy mô của thị trường bảo hiểm Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, từ 15 doanh nghiệp bảo hiểm vào năm 2000 lên 63 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vào năm 2017. Năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng được nâng cao với tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm đến năm 2017 đạt trên 315.000 tỷ đồng, tăng trung bình 24%/ năm, dự phòng nghiệp vụ đạt gần 300.000 tỷ đồng, tăng khoảng 23%/năm, vốn chủ sở hữu đạt 65.000 tỷ đồng, tăng 8%/năm. Doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đạt mức tăng trưởng 20% trong gần 20 năm qua.

Mặc dù có sự phát triển rõ rệt cả về quy mô và năng lực, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn là một thị trường non trẻ. Hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động của thị trường kinh doanh bảo hiểm vẫn còn nhiều lỗ hổng và thiếu sót, các văn bản pháp luật mà đặc biệt là Luật Kinh doanh bảo hiểm đã trở nên lỗi thời, dẫn đến nhiều tranh chấp trong hoạt động bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Do đó, để củng cố hành lang pháp lý của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhiệm vụ hàng đầu đặt ra chính là sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tại Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm giai đoạn 2000-2017 và định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm”, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường như sau: 

  • Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bảo hiểm đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển các sản phẩm, kênh phân phối mới; tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức cung cấp dịch vụ bổ trợ cho lĩnh vực bảo hiểm;

  • Hoàn thiện một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và hệ thống pháp luật có liên quan (Luật doanh nghiệp, Bộ Luật dân sự…);

  • Thay đổi phương thức quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý, giám sát nhằm tăng tính chủ động cho doanh nghiệp trong quản trị tài chính, quản trị rủi ro;

  • Bổ sung một số quy định nhằm tăng cường vai trò quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và thực tiễn hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm và an toàn tài chính trong lĩnh vực bảo hiểm.

Từ các yêu cầu chung nêu trên, có thể rút ra một số yêu cầu về hoàn thiện pháp luật về hợp đồng trong kinh doanh bảo hiểm như rà soát và hoàn thiện quy định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng đồng bộ với pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan; rà soát và hoàn thiện quy định về hợp đồng trên cơ sở chú trọng đến đặc trưng của hợp đồng bảo hiểm nói chung và từng loại hợp đồng bảo hiểm nói riêng; hoàn thiện quy định về hợp đồng trên cơ sở học tập và tiếp thu kinh nghiệm từ các quốc gia có thị trường bảo hiểm phát triển, v.v

1.3. Trải qua hơn 30 năm đổi mới, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X, Đảng ta luôn quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, rút ra các bài học kinh nghiệm, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng về phát triển kinh tế thị trường chậm, thiếu kiên quyết. Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chẳng hạn: pháp luật về kinh doanh bảo hiểm còn thiếu sự thống nhất, đồng bộ; pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn thiếu hiệu quả trong thực thi,…

Do đó, tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, trong đó có nội dung:

“- …Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát huy đúng đắn, đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 - …Phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, thẩm định giá...” (Mục III.3)

Để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 11-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 03/10/2017 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó giao Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan:

“- Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường: Vốn, chứng khoán, mua bán nợ, bảo hiểm, dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, thẩm định giá.

- Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường bảo hiểm trong nông nghiệp, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp trong quý IV năm 2017.

- Hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát huy đúng đắn, đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.” (Mục II.4).

2. Đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, về nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Do hợp đồng bảo hiểm là một loại hợp đồng chuyên biệt nên hậu quả pháp lý của hành vi không tuân thủ nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực sẽ chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành là Luật Kinh doanh bảo hiểm (do Luật Kinh doanh bảo hiểm không quy định hoặc dẫn chiếu tới Luật chung là Bộ luật dân sự). Do vậy, khi có hành vi “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật” thì sẽ áp dụng Điều 19.2 của Luật Kinh doanh bảo hiểm và khi một trong các bên có hành vi “lừa dối khi giao kết hợp đồng” sẽ áp dụng điểm d khoản 1 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Như vậy, cần đặt ra vấn đề giải thích thế nào là “lừa dối khi giao kết hợp đồng” và xác định những tiêu chí nhất định để phân định rõ với hành vi “cố ý cung cấp thông tin không đúng sự thật” để từ đó các bên trong hợp đồng bảo hiểm có thể áp dụng những chế tài phù hợp, tránh tranh chấp giữa các bên. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, do vậy, việc giải thích và áp dụng các điều luật này phụ thuộc vào việc xét xử của Tòa án. Tác giả đề xuất sửa đổi Điều 19.2(d) Luật Kinh doanh bảo hiểm là bỏ cụm từ “nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm”.

Thứ hai, về điều kiện đối với chủ thể giao kết hợp đồng. Tác giả đề xuất bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật Kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, bổ sung trường hợp không được giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người mất năng lực hành vi dân sự (ngoài người mắc bệnh tâm thần) và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp năng lực hành vi dân sự không đầy đủ, cũng cần loại trừ trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản, chứ không chỉ áp dụng quy định loại trừ này đối với người dưới 18 tuổi.

Thứ ba, về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Tác giả đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 16 theo hướng bổ sung chủ thể “bên được bảo hiểm” cũng là chủ thể được miễn áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm trong các trường hợp được quy định tại Điều 16. Ngoài ra, tác giả đề xuất bổ sung Điều 39 theo hướng quy định những sự kiện sau sẽ miễn trừ trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm:

- Hành vi phạm tội và/hoặc hành vi cố ý vi phạm pháp luật khác của bên được bảo hiểm;

- Hành vi cố ý sát hại hoặc gây thương tật cho người được bảo hiểm của bên mua bảo hiểm và hoặc/người thụ hưởng;

- Hành vi tự tử của người được bảo hiểm khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực dưới 24 tháng;

- Hiện tượng thời tiết thay đổi đột ngột (sóng thần, động đất, núi lửa, lũ, lụt, bão), chiến tranh, nội chiến, nổi loạn và các hiện tượng khách quan khác có tính chất thảm họa.

Thứ tư, về thay đổi phí bảo hiểm khi có sự thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm. Tác giả đề xuất quy định theo hướng phân biệt giữa nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan trong sự kiện tăng mức độ rủi ro được bảo hiểm; theo đó, trong trường hợp có sự thay đổi các yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm mà nguyên nhân là do bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm, thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tăng phí bảo hiểm và được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với bên mua bảo hiểm nếu bên mua bảo hiểm không đồng ý với đề xuất tăng phí.

Thứ năm, về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm. Tác giả đề xuất quy định rõ về điều kiện chuyển nhượng, trong đó chú trọng đến điều kiện bên nhận chuyển nhượng vẫn phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với đối tượng được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm.

Thứ sáu, về thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm. Để đảm bảo phù hợp với quy định tại Bộ luật dân sự 2015, cũng như để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của các bên trong hợp đồng, người viết đề xuất sửa đổi thời điểm tính thời hiệu khởi kiện từ “thời điểm phát sinh tranh chấp” sang “thời điểm người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

Luật Kinh doanh bảo hiểm đang bộc lộ những bất cập trong quy định và thực thi. Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước hướng tới hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp, gây vướng mắc trên thực tiễn của hai đạo luật trên và pháp luật có liên quan, đặc biệt trên khía cạnh hợp đồng kinh doanh bảo hiểm, là hết sức cần thiết. Cần nhìn nhận rằng, lấy việc vận hành quan hệ bảo hiểm trên thực tiễn là cơ sở quan trọng để đưa ra những đề xuất góp phần hoàn thiện pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nói riêng và pháp luật về hợp đồng nói chung./.

 Ngô Thu Trang, Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp