22/11/2024 lúc 14:10 (GMT+7)
Breaking News

Metro Nhổn – ga Hà Nội đội vốn, nhiều lần lỡ hẹn

Chính thức khởi công từ tháng 9/2010, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn - ga Hà Nội được kỳ vọng trở thành giải pháp xanh, góp phần giảm áp lực giao thông, ô nhiễm đô thị. Thế nhưng mới đây, dự án một lần nữa xin lùi hạn về đích đến năm 2029, nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 34.800 tỷ đồng

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn - ga Hà Nội được phê duyệt năm 2009, do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư. Tuyến đường sắt dài 12,5 km với 12 ga, trong đó có 8,5km đi trên cao, 4 km đi ngầm.

Tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 783 triệu euro, sau đó điều chỉnh tăng lên hơn 1,1 tỷ euro (tăng hơn 66%). Trong đó, có 957 triệu euro vốn ODA từ 4 nhà tài trợ quốc tế, phần còn lại là vốn đối ứng trong nước.

 

Tại quyết định phê duyệt dự án, Hà Nội dự kiến khởi công năm 2006 để hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên, phải tới tháng 9/2010 dự án mới chính thức được khởi công trong chuỗi sự kiện chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, và tiến độ được lùi tới năm 2015.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km với 12 ga, trong đó có 8,5km đi trên cao, 4 km đi ngầm.

Sau khi lùi tiến độ nhiều lần, năm 2019, Hà Nội quyết định tách phần trên cao khai thác trước vào cuối năm 2021, đoạn đi ngầm hoàn thành cuối năm 2022.

Mới đây nhất, tờ trình nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, được trình HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại phiên họp ngày 12/9/2022.

Một lần nữa, thời gian thực hiện dự án được đề xuất từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng). Trong đó, đoạn trên cao đưa vào khai thác, vận hành năm 2022 và khai thác toàn tuyến năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm). Tổng mức đầu tư dự án được đề xuất tăng từ trên 32.900 tỷ đồng lên hơn 34.800 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân lùi thời gian hoàn thành dự án, UBND TP Hà Nội đưa ra 8 nguyên nhân. Đó là khó khăn trong giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật; năng lực nhà thầu gói thầu công trình kiến trúc Depot còn hạn chế; năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư, tư vấn và sự phối hợp các sở, ngành chưa tốt; sự khác nhau giữa quy định hợp đồng quốc tế với pháp luật Việt Nam; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19...

Theo UBND thành phố, tiến độ hoàn thành dự án hoàn toàn phụ thuộc vào gói thầu CP03 (hầm và các ga ngầm). Do khó khăn trong bàn giao mặt bằng nên chủ đầu tư đã thống nhất với nhà thầu điều chỉnh tiến độ thi công lên khoảng 4-5 năm. Hiện gói thầu này đã bị dừng thi công hơn một năm, chủ đầu tư đang phấn đấu bàn giao mặt bằng trong tháng 10 và đàm phán để nhà thầu thi công trở lại.

Việc tăng tổng mức đầu tư cũng được UBND thành phố lý giải bởi 7 nguyên nhân gồm biến động tỷ giá quy đổi, điều chỉnh khối lượng công việc, chậm tiến độ, bổ sung các công việc còn thiếu... Nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp ngày 7/8/2022 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.

Đến hết tháng 8, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75%, trong đó tiến độ thi công đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%.

Tại cuộc họp này, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.

Trong tờ trình, UBND TP Hà Nội cho hay cũng đã xem xét phương án đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn thời gian hoàn thành dự án vào năm 2026 (rút ngắn hơn 11 tháng). Chủ đầu tư đã báo cáo Hội đồng thẩm định thành phố xem xét, đánh giá, nhưng với các rủi ro về kỹ thuật cũng như chi phí do đẩy nhanh tiến độ, thành phố không đề xuất phương án này.

Sau khi nghị quyết được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, ngay trong tháng 9 UBND thành phố sẽ trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Dự án đang triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính. Tính đến hết tháng 8, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75%, trong đó tiến độ thi công đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%.

Liên quan đến giải phóng mặt bằng, báo cáo của UBND thành phố cho thấy hiện vẫn còn khiếu nại của 177 hộ dân tại Depot và đường dẫn vào Depot đối với các chính sách bồi thường, hỗ trợ. Với đoạn ngầm, công tác bồi thường, hỗ trợ, tạm cư 50 căn nhà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm (43 căn nhà cần tạm cư và 7 căn nhà cần phá dỡ, đều không phải thu hồi đất) gặp nhiều vướng mắc do chưa có quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện ở Việt Nam.

Nguyễn Lâm