29/03/2024 lúc 14:04 (GMT+7)
Breaking News

Liên tục thua lỗ, Công ty dịch vụ hàng không Taseco đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa gửi thông báo đến CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (HOSE: AST), lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp này.

Thua lỗ 3 năm liên tiếp

Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết ngày 14/04/2022 đã ban hành Quyết định số 225/QĐ-SGDHCM về việc chuyển cổ phiếu từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát đối với cổ phiếu AST của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs).

Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính họp nhất kiểm toán năm 2020 là -49,01 tỷ đồng và năm 2021 là -118 tỷ đồng, thuộc trường họp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Biểu đồ giá cổ phiếu AST trong 3 tháng qua

Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022 cũng ghi nhận khoản lỗ ròng của cổ đông công ty mẹ âm 7,5 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến ngày 30/6/2022 là âm 84,35 tỷ đồng.

HOSE cũng cho biết, căn cứ quy định của Luật chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng có khả năng bị hủy niêm yết, nếu kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Do đó, HOSE lưu ý công ty về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế âm.

Tăng trưởng 4 năm liên tiếp trước dịch bệnh

Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco tiền thân là CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco Nội Bài được thành lập vào năm 2015 để vận hành hoạt động kinh doanh dịch vụ khu vực Nội Bài và các sân bay lân cận. Hiện, Taseco Airs có vốn điều lệ 450 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ - CTCP Tập đoàn Taseco nắm giữ 51%.

Hoạt động chính của Taseco Airs là bán lẻ tại sân bay với các cửa hàng lưu niệm, nhà hàng, quán ăn nhanh và cafe dưới thương hiệu “Lucky” tại nhiều sân bay đông nhất tại Việt Nam và điều hành khách sạn với một khách sạn 4 sao tại Đà Nẵng. Ngoài ra, công ty còn có công ty liên kết là CTCP Dịch vụ suất ăn Hàng không Việt Nam (VINACS) hoạt động tai sân bay Nội Bài và Cam Ranh.

Đại dịch Covid-19 khiến ngành hàng không bị đình trệ và hoạt động của Taseco Airs bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Là doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam từng ghi nhận doanh thu cả nghìn tỷ đồng và lợi nhuận đều đặn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhờ lợi thế độc quyền cung cấp dịch vụ trong các cảng hàng không, tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến ngành hàng không bị đình trệ và hoạt động của Taseco Airs bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lợi nhuận tăng trưởng âm 8 quý liên tiếp, bắt đầu từ quý 2/2020.

Các cửa hàng của Taseco Airs hoạt động cầm chừng trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là vào quý 3 năm 2021, gần như tất cả các cửa hàng phải tạm thời đóng cửa. Doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh. Taseco Airs bắt đầu lỗ từ quý 2/2020 với mức lỗ ròng 180 tỷ đồng và dòng tiền âm 170 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2021. Sau 8 quý thua lỗ liên tiếp, lỗ lũy kế của Taseco Airs đến cuối quý 2/2022 là âm 84,35 tỷ đồng.

Liên tục mở rộng

Đến đầu tháng 7, tất cả các cửa hàng trong nước của Taseco Airs đều đã hoạt động trở lại, trong khi một số cửa hàng ở các nhà ga quốc tế vẫn đóng cửa (chủ yếu ở sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng, nơi phụ thuộc nhiều vào hành khách Trung Quốc và Nga). Taseco Airs cho biết dù lỗ quý 2/2022, công ty đã bắt đầu có lãi trở lại trong tháng 5. Kế hoạch lợi nhuận năm 2022 đặt ra là 23,5 tỷ đồng.

Taseco Airs cũng vừa mua lại 51% cổ phần của CTCP Dịch vụ Hà Linh hồi đầu tháng 7. Công ty này đang quản lý 10 cửa hàng tại Sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Phú Quốc, và các cửa hàng này sẽ được hợp nhất vào AST trong 6 tháng cuối năm 2022.

Sau khi dịch Covid-19 dần ổn định, các cửa hàng của trong nước của Taseco Airs đều đã hoạt động trở lại

 

Ngoài việc mở lại các cửa hàng, các nhà máy phục vụ suất ăn của Taseco Airs như nhà máy VinaCS tại sân bay Nội Bài đã hoạt động trở lại, với hiệu suất hoạt động hiện tại là 80% công suất thiết kế (12.000 suất ăn/ngày) và đã có lãi trở lại. Tuy nhiên, nhà máy VinaCS tại Cam Ranh vẫn đóng cửa do lượng hành khách quốc tế, đặc biệt là khách Trung Quốc và Nga phục hồi chậm.

Trong khi đó, khách sạn A la carte Đà Nẵng đang hoạt động với công suất từ 50% - 60% và có thể đạt 100% trong các ngày cuối tuần và ngày lễ cũng đóng góp vào tăng trưởng doanh thu của Taseco Airs.

Trong các năm tới, Taseco Airs đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh với việc mở thêm cửa hàng mới tại các sân bay hiện có và sân bay mới (nhà ga quốc tế Phú Bài, sân bay quốc tế Long Thành).

Trong nửa đầu năm 2022, sản lượng hành khách quốc tế đạt 1,8 triệu lượt khách và Cục Hàng không Việt Nam ước tính con số cả năm sẽ đạt 5 triệu lượt (tương đương đạt 12% kết quả năm 2019, và gấp 9,5 lần so với kết quả năm 2021). Tuy nhiên, SSI Research dự kiến thị trường sẽ phải đợi đến năm 2024 để lượng hành khách toàn cầu phục hồi về mức trước COVID.

Dù hoạt động kinh doanh của Taseco Airs được dự báo có nhiều khởi sắc trong thời gian tới nhưng SSI Research cho rằng các công ty dịch vụ sân bay nói chung và Taseco Airs nói riêng vẫn phải lưu tâm đến thị trường quốc tế, vì hành khách quốc tế thường mang lại đa số doanh thu và lợi nhuận.

Theo SSI Research, những khó khăn vẫn tồn tại trong tương lai ngắn hạn và trung hạn, liên quan đến một số yếu tố rủi ro như chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc bởi lượng khách Trung Quốc thường chiếm 30% lượng khách du lịch của Việt Nam, nên việc thực thi chính sách "Zero COVID của Trung Quốc kéo dài sẽ tiếp tục gây áp lực lên ngành du lịch Việt Nam cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó, chiến sự leo thang tại Ukraine cũng sẽ làm giảm nhu cầu, đặc biệt là từ khách du lịch từ Nga, vốn thường chiếm từ 4% - 5% lượng khách du lịch của Việt Nam. Đồng thời, các chuyến bay đường dài giữa châu Á và châu Âu tiếp tục bị ảnh hưởng và phải định tuyến lại do không phận của Nga bị đóng cửa. Ngoài ra, còn có rủi ro giảm hoạt động du lịch do suy thoái kinh tế đến từ nguyên nhân lạm phát cao và lãi suất cao.

Nguyễn Lâm