13/09/2024 lúc 02:44 (GMT+7)
Breaking News

Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết trên sàn HoSE

Ngày 07/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) lưu ý đến khả năng hủy niêm yết cổ phiếu của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, mã HVN).

Lý do được phía HoSE đưa ra là lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là -5.167 tỷ đồng. Ngoài ra, số lỗ lũy kế đơn vị này là hơn 28.904 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng.

HoSE cho biết, theo báo cáo hợp nhất soát xét bán niên 2022, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng hơn 5.100 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế đến ngày 30/06/2022 là gần 29.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỷ đồng.

HoSE lưu ý đến khả năng hủy niêm yết cổ phiếu của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, mã HVN)

Trước đó, Vietnam Airlines cũng lỗ lần lượt gần 11.000 tỷ đồng và gần 13.000 tỷ đồng trong năm 2020 và 2021. Do đó, HOSE nhấn mạnh tới khả năng HVN bị hủy niêm yết nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.

HoSE cho biết, căn cứ theo theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 tại Nghị định số 155/2020 ngày 31/12/2020 của Chính phủ, cổ phiếu của một công ty có thể bị hủy niêm yết nếu kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. Hiện cổ phiếu của Vietnam Airlines đang vướng phải 3 yếu tố trên nên bị xem xét huy niêm yết.

Trước đó, từ ngày 1/6 HoSE đã ban hành quyết định giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN với lý do vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng căn cứ theo BCTC quý I/2022 và công ty đã lỗ trong 2 năm gần nhất.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, khi được hỏi về giải pháp để giúp cổ phiếu HVN có thể tránh được hủy niêm yết, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Vietnam Airlines chia sẻ rằng hãng hàng không này đang thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

Cụ thể công ty sẽ tìm cách để tăng doanh thu bằng cách bán đi những máy bay không còn trong kế hoạch sử dụng; tái cơ cấu toàn diện công ty; thoái vốn tại các công ty con không hoạt động hiệu quả, điển hình là Pacific Airlines, tinh gọn bộ máy quản lý. Ngoài ra, đơn vị này cũng kiến nghị Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ cho các hãng hàng không. Đặc biệt, Vietnam Airlines cũng đã xây dựng đề án để tiếp tục tăng vốn nhằm thoát việc bị âm vốn chủ sở hữu.

Dù triển khai nhiều biện pháp nhưng Vietnam Airlines vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện. Ví dụ như việc giá nhiên liệu bay tăng cao đã làm tăng chi phí hoạt động. Hay việc thoái vốn tại các công ty con gặp nhiều cản trở về mặt thủ tục pháp lý vì là doanh nghiệp Nhà nước. Cùng với đó việc nhiều đường bay quốc tế chưa mở cửa trở lại khiến lượng khách của hãng sụt giảm nghiêm trọng.

 

Trong nửa đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã ghi nhận doanh thu doanh thu 29.943 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với nửa đầu năm 2021. Lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 5.183 tỷ đồng. Ngoài ra, hãng hàng không này còn chịu khoản lỗ ròng chênh lệch tỷ giá là 835 tỷ đồng. Việc đại dịch bùng phát từ đầu năm 2020 đã khiến công ty lỗ trong vòng 2 năm liên tiếp. Tính đến 30/6, lỗ lũy kế của công ty là 28.921 tỷ đồng, tăng 31,6% so với đầu năm. Do đó, vốn chủ sở hữu đã âm 4.914 tỷ đồng.

Tại báo cáo soát xét bán niên năm nay, đơn vị kiếm toán là công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho biết khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ, việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ ngân hàng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp, bên cho thuê. Trước đó, lo ngại về khả năng hoạt động liên tục của hãng bay quốc gia cũng được đơn vị đưa ra tại báo cáo kiểm toán năm 2021.

Đơn vị kiểm toán nhấn mạnh đến hết 30/6, khoản nợ ngắn hạn của hãng hàng không đã vượt quá tài sản ngắn hạn, với số tiền là 36.425 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng. Các khoản phải trả quá hạn của Vietnam Airlines hơn 14.850 tỷ đồng.

Nguyễn Lâm