Cụ thể, trong quý II/2022, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV), Tổng Công ty Thăng Long - CTCP (HNX: TTL), CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (HOSE: CTI), CTCP Tập đoàn CIENCO4 (UPCoM: C4G) hay Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (UPCoM: TED) có doanh thu khởi sắc vào quý 2, trong khi đó một số ông lớn BOT như CTCP Tasco (HNX: HUT), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HOSE: CII), CTCP Công trình Giao thông Sài Gòn (UPCoM: GTS), CTCP Lizen (HOSE: LCG) lại ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng.
Doanh thu thu phí giao thông tăng đều
Ghi nhận trong quý II/2022, CTCP Đầu tư và Xây dựng BDC Việt Nam (HNX: MCO) có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất: 98%, đạt hơn 19,7 tỷ đồng, phần lớn nhờ hợp đồng xây dựng. TED và C4G đều đạt doanh thu tăng hơn 40%, lần lượt là 266,5 tỷ và 951,7 tỷ đồng.
Gần một nửa doanh thu quý 2 của C4G nhờ hợp đồng xây dựng, tuy nhiên so với năm trước thì khoản mục này giảm, thay vào đó là doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản hơn 342 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ có 38 tỷ đồng. Doanh thu từ phí BOT trong kỳ đạt tương đương năm trước với khoảng 72 tỷ đồng.
Với Đèo Cả, doanh nghiệp BOT có khối tài sản lớn nhất trong nhóm, ghi nhận doanh thu gần 495 tỷ đồng, tăng gần 16%. Kết quả này nhờ vào hoạt động xây lắp đạt 119 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ. Doanh thu từ thu phí tăng nhẹ và tiếp tục chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong cơ cấu doanh thu với 363 tỷ đồng.
Xét cơ cấu doanh thu nửa đầu năm, có khoảng 9 doanh nghiệp có được doanh thu từ mảng thu phí BOT, tổng đạt hơn 3,2 ngàn tỷ đồng, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước.
CII là doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất trong quý 2. Lũy kế 6 tháng đầu năm, CII báo doanh thu thuần đạt 1.660 tỷ đồng - tướng ứng 21% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế thu 812 tỷ đồng - gấp 6 lần cùng kỳ và hoàn thành đến 95% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra, tuy nhiên so với cùng kỳ lại giảm hơn 11%.
Năm 2022, CII lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng doanh thu hơn 8.010 tỷ đồng và lãi ròng gần 757 tỷ đồng.
Tương tự, LCG có doanh thu lớn thứ 3 nhưng so với cùng kỳ giảm hơn một nửa, đạt 402 tỷ đồng; nguyên nhân là trong kỳ không có khoản doanh thu bất động sản, còn thu từ hợp đồng xây dựng thì giảm mạnh.
Ông trùm Tasco đạt hơn 372 tỷ đồng, tăng nhẹ 4%. Công ty đang mạnh mẽ tái cấu trúc sau khi thay Chủ tịch vào tháng 10 năm ngoái. Riêng quý 2 vừa qua, hoạt động thu phí mang về 193 tỷ doanh thu và gần 100 tỷ đồng lãi gộp, lần lượt tăng 5% và 83% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tasco ghi nhận doanh thu đạt 459,8 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 102 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 73,6 tỷ đồng.
Tasco tham vọng hợp nhất các công ty để đạt được doanh thu 11,4 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng trong năm nay, gấp 13 lần và 5,6 lần mức thực hiện năm 2021.
HHV thu về nhiều nhất: gần 733 tỷ đồng, tăng khoảng 3%. HHV là đơn vị mới niêm yết đầu năm nay và hiện đang nắm hoạt động thu phí, cước các hầm đường bộ như Hải Vân, Đèo Cả - Cổ Mã, Cù Mông, Phước Tượng - Phú Gia, các tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Khánh Hòa…
Đối với CTI, sau khi hoạt động giao thương được mở lại nhờ nước ta kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, một số trạm BOT của Công ty đã tái hoạt động cùng các trạm mới được triển khai vào cuối năm 2021, góp phần đẩy mảng doanh thu này tăng 20%, đạt 126,4 tỷ đồng chỉ trong nửa đầu năm.
BOT sở hữu dự án BOT cầu Thái Hà nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Dù doanh thu nửa đầu năm nay tăng đến 80%, đạt 27 tỷ đồng, dự án này đối mặt với tình trạng thu không đủ chi nhiều năm nay. Lãnh đạo doanh nghiệp từng chia sẻ việc nhà đầu tư đề nghị Chính phủ mua lại dự án để giải quyết vấn đề nợ vay phát sinh ăn mòn hết lợi nhuận Công ty.
Nợ vay ngắn hạn tăng 20%
Dù tổng doanh thu của các doanh nghiệp BOT giảm nhẹ trong kỳ, kết quả lợi nhuận ròng lại tăng mạnh đến 86%, đạt 412 tỷ đồng trong quý 2 và đạt 1,39 ngàn tỷ đồng trong 6 tháng, gấp đến 3 lần cùng kỳ. Kết quả này phần lớn nhờ vào doanh thu tài chính ở một số doanh nghiệp.
Đáng chú nhất là LCG, lợi nhuận gộp trong quý 2 chỉ 35 tỷ đồng, bằng 1/5 cùng kỳ, nhưng nhờ chuyển nhượng vốn tại công ty thành viên và hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính gần 114 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ có 5 tỷ đồng) đưa mức lãi sau thuế đạt gần 79 tỷ đồng, tăng 8%.
CII đóng góp đáng kể trong lợi nhuận nhóm với 74 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ. Kết quả này nhờ lợi nhuận gộp từ các dự án bất động sản với tỷ suất lợi nhuận cao được bàn giao trong kỳ bên cạnh chi phí hoạt động kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm trước.
So với đầu năm nay, tổng tài sản của các doanh nghiệp BOT tăng nhẹ gần 2%, lên xấp xỉ 117,6 ngàn tỷ đồng; còn nợ phải trả tăng 0,3%, lên gần 84 ngàn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản giảm từ 73% còn khoảng 65% tính đến 30/06/2022.
TA9 có tổng tài sản tăng nhiều nhất nửa năm nay với hơn 50%, lên gần 2,2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tăng chủ yếu từ đầu tư tài chính ngắn hạn 155 tỷ đồng, đầu năm không có khoản này; hàng tồn kho tăng gấp đôi, lên 658 tỷ đồng. Nợ phải trả của TA9 cũng tăng tương ứng, tập trung vào người mua trả tiền trước ngắn hạn với 1,58 tỷ đồng, gấp 2,4 lần đầu năm. Đây là doanh nghiệp có tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao nhất với gần 94%.
Xét về nợ vay, so với đầu năm, nợ vay ngắn hạn của các doanh nghiệp tăng hơn 20%, lên 8,43 ngàn tỷ đồng; trong khi nợ vay dài hạn giảm khoảng 8%, còn 48,9 ngàn tỷ đồng. Thay đổi này chủ yếu là sự dịch chuyển các khoản nợ dài hạn đến hạn thanh toán. Điều này gây áp lực khá lớn cho các doanh nghiệp BOT.