Theo đó, báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Gói thầu CW1 Xây lắp cầu Nhơn Trạch (giá dự toán hơn 2.074,7 tỷ đồng) đã được khởi công ngày 24/9/2022, nhà thầu thi công là Công ty Kumho Engineering & Construction Co., Ltd (giá trúng thầu hơn 1.813,7 tỷ đồng).
Gói thầu CW2 Xây dựng đoạn tuyến Km5+000 - Km10+000 và Km12+600 - Km13+750 thuộc Dự án thành phần 1A chưa thể hoàn tất khâu lựa chọn nhà thầu, công bố kết quả.
Đây là gói thầu sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Gói thầu sử dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi quốc tế, có giá hơn 1.229,9 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư Dự án thành phần 1A là 6.955,65 tỷ đồng.
Gói thầu nói trên đã được phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 27/12/2021 đến ngày 16/2/2022, thời gian thực hiện hợp đồng 30 tháng.
Theo đại diện chủ đầu tư, sở dĩ gói thầu CW2 chưa thể đi đến quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là do chờ ý kiến của nhà tài trợ. Cụ thể, ngày 5/9/2022, Bộ GTVT đã có Công thư gửi nhà tài trợ EDCF đề nghị xem xét có ý kiến về cơ cấu phần ngoại tệ trong tổng giá dự thầu của các nhà thầu, làm cơ sở để Bộ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, tại buổi làm việc mới đây giữa lãnh đạo Bộ GTVT và EDCF, các bên chưa thống nhất được ý kiến để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Đại diện Bộ GTVT cho biết: “Quá trình lựa chọn nhà thầu Gói thầu CW2 đã tuân thủ các quy định về đấu thầu của nhà tài trợ. Đơn vị được lựa chọn đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm. Sau quá trình đánh giá, nhà thầu xếp hạng thứ nhất có giá dự thầu thấp nhất với tỷ lệ ngoại tệ tương ứng 19,82%, thiếu 0,18% so với tỷ lệ ngoại tệ quy định trong HSMT (>= 20%). Vì lý do này, phía EDCF bảo lưu quan điểm nhà thầu có tỷ lệ ngoại tệ dưới 20% không đáp ứng tiêu chí cơ bản của HSMT”.
Trước vướng mắc này, Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận rà soát, báo cáo kịp thời các quy định của hiệp định vay, HSMT, báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính liên quan đến cơ cấu phần ngoại tệ trong tổng giá dự thầu. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ có văn bản gửi EDCF nhằm có trả lời chính thức liên quan đến tỷ lệ ngoại tệ trong tổng giá dự thầu của các nhà thầu. Ngay khi EDCF có văn bản phúc đáp về tỷ lệ ngoại tệ này, chủ đầu tư sẽ trình hồ sơ để Bộ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu CW2.
Theo đại diện Bộ GTVT, để đảm bảo tiến độ của dự án, các thủ tục cần thực hiện ngay trong tháng 10/2022.
Ngoài vướng mắc về việc đấu thầu, dự án trên còn đang vướng về giải phóng mặt bằng. Cụ thể, đến nay, toàn dự án mới được bàn giao mặt bằng 2.840/8.220m, đạt 34,5%. Trong đó, TP. HCM đã bàn giao 1.740/1.920m, đạt 91%, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao 1.100/6.300m, đạt 17,5%.
Riêng gói thầu CW2 mới được bàn giao 440/620m (đạt 71%). Phần còn lại chưa có mặt bằng gồm 180m tuyến chính và 790m nút giao kết nối với cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. Riêng tỉnh Đồng Nai, công tác bàn giao mặt bằng của Gói thầu CW2 mới chỉ thực hiện được 640/5.000m.
Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có chiều dài khoảng 8,75 km. Trong đó, có 6,3 km qua địa bàn Đồng Nai và 2,45 km đi qua địa bàn TP. HCM. Điểm đầu dự án giao đường tỉnh 25B (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), điểm cuối giao cắt với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn thành phố Thủ Đức (TP.HCM).
Dự án khi hoàn thành sẽ tăng cường tính kết nối các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển quỹ đất, dịch vụ, thương mại, công nghiệp, logistics… cho các tỉnh, thành phố trong khu vực, đặc biệt góp phần phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội đô TP. HCM; từng bước góp phần hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 3 TP. HCM theo quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.