23/03/2025 lúc 04:01 (GMT+7)
Breaking News

Truyền thông quốc tế: Động lực chiến lược thúc đẩy du lịch Việt Nam hội nhập và phát triển

Những năm gần đây, Việt Nam đang chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ trong nền kinh tế, với sự đổi mới sâu rộng trong các ngành kinh tế truyền thống và sự dịch chuyển chiến lược sang các lĩnh vực mũi nhọn có tiềm năng tăng trưởng bền vững. Trong đó, du lịch quốc tế nổi lên như một động lực quan trọng, đóng vai trò không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn trong việc nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, để ngành du lịch thực sự trở thành trụ cột của nền kinh tế, việc khai thác lợi thế về thiên nhiên và con người là chưa đủ. Yếu tố mang tính quyết định chính là chiến lược truyền thông hiệu quả, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút du khách quốc tế và khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Ảnh minh họa - TL

Năm 2024, du lịch Việt Nam ước đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023, khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023. Du lịch Việt Nam khởi sắc tiếp tục là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là du lịch nhắm tới đối tượng du khách nước ngoài. Có được những thành quả như hiện nay trong ngành du lịch nói chung, cần phải công nhận một phần đóng góp lớn đến từ công tác truyền thông, quảng bá danh lam thắng cảnh cùng nhiều sự kiện thúc đẩy du lịch, còn đối với ngành du lịch hướng tới đối tượng du khách quốc tế nói riêng, những hoạt động truyền thông quốc tế quảng bá, xây dựng hình ảnh quốc gia, văn hóa, con người Việt Nam là nhân tố quan trọng hơn cả.

Động lực chiến lược thúc đẩy xúc tiến du lịch hậu đại dịch covid-19

Ngành du lịch là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự bùng phát của đại dịch Covid – 19 ở Việt Nam. Theo thống kê, bình quân 94% doanh nghiệp trong cả nước cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, nhưng đối với các doanh nghiệp du lịch (trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, lữ hành, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống) tỷ lệ này lên tới 98,36%. Việc phục hồi kinh tế ngành du lịch sau đại dịch nhất là đối với công tác truyền thông cần nhiều thay đổi linh hoạt để phù hợp với tình hình khi đó. Nhận biết được tâm lý du lịch của số đông du khách đã thay đổi, đòi hỏi nội dung của truyền thông quốc tế thúc đẩy xúc tiến du lịch cũng phải thay đổi. Tiêu biểu như việc nhấn mạnh Việt Nam là một điểm đến an toàn và không có sự xuất hiện của Covid – 19 là những thông điệp mới đánh trúng vào tâm lý của đại đa số khách du lịch quốc tế trong thời điểm sau khi kết thúc đại dịch.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn phục hồi, tâm lý thận trọng trong chi tiêu sẽ chi phối quyết định của du khách, với xu hướng ưu tiên những điểm đến phù hợp với ngân sách và mang lại giá trị trải nghiệm cao. Chính trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một điểm đến lý tưởng, đáp ứng nhu cầu du lịch chất lượng với chi phí hợp lý, nhờ vào lợi thế tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền văn hóa đặc sắc và chính sách phát triển du lịch linh hoạt, phù hợp với xu hướng mới của thị trường quốc tế. Các công tác truyền thông quốc tế tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam đã xác định đúng tâm lý chung của du khách khi đó và có những biện pháp thay đổi trong chính sách, thông điệp hợp lí để có thể phục hồi kinh tế trong thời gian ngắn nhất. Năm 2024, tiếp nối quá trình phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, tích cực, trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017, các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện và đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch và đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", cơ bản du lịch Việt Nam đã gần như hoàn toàn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Tận dụng sức mạnh truyền thông quốc tế: động lực chiến lược cho phát triển du lịch bền vững

Nhiều chuyên gia cho rằng, với sức lan tỏa mạnh mẽ, truyền thông không chỉ là công cụ quảng bá mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nhận thức, lan tỏa thông điệp và thúc đẩy sự thay đổi trong cộng đồng. Đối với ngành du lịch, việc khai thác hiệu quả truyền thông giúp các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận và thu hút khách hàng tiềm năng, đồng thời nâng cao nhận thức về những giá trị du lịch bền vững. Quan trọng hơn, chiến lược truyền thông cần tập trung vào việc xây dựng hình ảnh Việt Nam như một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của du khách quốc tế, qua đó khẳng định vị thế và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả truyền thông, các tổ chức, doanh nghiệp cần nắm rõ thách thức và cơ hội tiềm năng trong quá trình truyền tải thông điệp về phát triển du lịch bền vững đến cộng đồng, xã hội. Song song với đó, uy tín vừa là một yếu tố hàng đầu trong xây dựng thương hiệu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói chung, công ty du lịch - lữ hành nói riêng, vừa có ảnh hưởng đến sự tin tưởng của khách hàng, đối tác, cộng đồng… Trong đó, niềm tin từ công chúng là tài sản vô giá, là nền tảng vững chắc mà bất kỳ tổ chức hay đơn vị nào cũng phải xây dựng và duy trì thông qua việc truyền tải thông điệp một cách nhất quán, trung thực và có định hướng chiến lược rõ ràng. Đặc biệt, trong bối cảnh truyền thông quốc tế, việc quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch Việt Nam đến du khách nước ngoài đòi hỏi sự trung thực, nhất quán trong thông điệp và chủ động trong việc giữ vững uy tín.

Thị trường du khách quốc tế vô cùng rộng lớn, nhưng cũng đầy tính cạnh tranh, nơi mà ấn tượng ban đầu có thể quyết định sự quay lại của du khách trong tương lai. Một chiến lược truyền thông hiệu quả không chỉ tạo ra thiện cảm ngay từ lần đầu trải nghiệm, mà còn góp phần thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa thông qua các kênh gián tiếp như gia đình, bạn bè hay mạng xã hội – nơi du khách chia sẻ hành trình của mình. Chính vì vậy, việc đầu tư vào truyền thông bài bản, minh bạch và hướng đến giá trị bền vững không chỉ giúp ngành du lịch Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh mà còn tạo ra nền tảng lâu dài cho sự phát triển và hội nhập quốc tế.

Vận dụng truyền thông số: Hướng đi tất yếu để nâng tầm du lịch Việt

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch trên các nền tảng số là phương thức xúc tiến du lịch mới mẻ, phù hợp với xu hướng. Nắm rõ điều này, các địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam cũng vận dụng rất nhanh chóng các nền tảng truyền thông trên không gian số để quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch ra quốc tế, tiêu biểu như Hà Giang trong vài năm trở lại đây. Hà Giang có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú, thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình, sản phẩm quảng bá, xúc tiến du lịch. Hiện nay, tỉnh ta đã hình thành và khai thác các sản phẩm xúc tiến du lịch đặc thù chủ yếu như: Du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh, làng nghề, cộng đồng, nghỉ dưỡng... Đặc biệt, với địa hình chia cắt mạnh, có tính phân bậc đã tạo nên nhiều đèo cao, vực thẳm kết hợp với thung lũng mở rộng tạo nên nhiều cảnh quan hùng vĩ, độc đáo, là điều kiện lý tưởng để hình thành các sản phẩm du lịch khám phá, thể thao mạo hiểm. Phát huy thế mạnh đó, tỉnh tổ chức thường niên các giải thể thao như: Trình diễn đua xe địa hình, bay dù lượn, đua thuyền Kayak, chạy Marathon... Các sự kiện đã tạo sự lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm từ các vận động viên chuyên nghiệp, du khách trong và ngoài nước. Từ đó, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Giang trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Với cảnh sắc hùng vĩ, nên thơ, Hà Giang được lựa chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim điện ảnh, MV ca nhạc và các chương trình truyền hình thực tế. Ngoài bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao” còn có sự góp mặt của các bộ phim đình đám như: Lặng yên dưới vực sâu, Tết ở làng địa ngục... Từ các kênh truyền thông trên nền tảng số, những điểm đến hấp dẫn, các sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng của Việt Nam không ngừng được quảng bá rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước. Thông qua những video clip sống động, bài viết giàu cảm xúc và hình ảnh mãn nhãn, vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, bản sắc văn hóa độc đáo cùng sự hiếu khách của con người Việt Nam được khắc họa rõ nét, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những hành trình khám phá.

Trong dòng chảy hội nhập toàn cầu, truyền thông - đặc biệt là truyền thông quốc tế, ngày càng chứng tỏ vai trò là “cánh tay nối dài” giúp du lịch Việt Nam vươn xa, trở thành sức bật mạnh mẽ kiến tạo những giá trị bền vững cho ngành. Đây không chỉ là công cụ quảng bá, mà còn là cầu nối đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè thế giới, khơi dậy niềm đam mê dịch chuyển và khám phá. Các doanh nghiệp du lịch có thể tận dụng sức mạnh của truyền thông để nâng cao vị thế thương hiệu, gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng và quan trọng hơn, góp phần nâng tầm hình ảnh đất nước Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.

Trương Việt Thành

...