30/11/2024 lúc 01:55 (GMT+7)
Breaking News

Thu hút nhân tài trong khu vực công theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Nguồn nhân lực nói chung và nhân tài nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển, thịnh vượng của một quốc gia. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích nhân tài và vai trò của việc thu hút nhân tài trong khu vực công; trình bày sự phát triển quan điểm của Đảng về thu hút nhân tài qua các kỳ Đại hội và phân tích những điểm mới về thu hút nhân tài theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.

tk

Ảnh minh họa

1. Nhân tài và vai trò của việc thu hút nhân tài trong khu vực công

Trước tiên cần hiểu bản chất của nhân tài để chọn thu hút và trọng dụng đúng người, đúng việc. Nhân tài hay người tài dùng để chỉ cá nhân hoặc một nhóm người có năng lực xuất chúng trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định hoặc có hiểu biết sâu rộng, có khả năng đảm nhận một vị trí lãnh đạo, chuyên gia, người tư vấn, hoặc trực tiếp giải quyết vấn đề mà người bình thường không làm được. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, tài năng “là sự kết hợp hoàn thiện nhất các năng lực nhất định đối với một hoạt động nhất định, giúp con người đạt được những thành tựu xuất sắc, mới mẻ, có ý nghĩa xã hội”[1]. Để đạt được những thành tựu vượt bậc, chỉ dựa vào yếu tố thiên bẩm là chưa đủ, bản thân người có tài phải tự rèn luyện, tích lũy vốn hiểu biết xã hội, trí tuệ xúc cảm và lan tỏa những giá trị tích cực cho cộng đồng. Giáo sư về nhân lực, nhân tài Dave Ulrich của Đại học Michigan, Hoa Kỳ đã xây dựng lý thuyết nhân tài 3C, trong đó ông cho rằng Talent = Competence * Commitment * Contribution (Nhân tài = Năng lực * Cam kết * Cống hiến). Một nhân sự được cho là có năng lực khi người đó có kiến thức, kỹ năng và giá trị phù hợp với công việc hiện tại và nhất là trong tương lai. Năng lực tốt phụ thuộc vào 3 “đúng”: kỹ năng đúng, vị trí đúng và công việc đúng. Bên cạnh năng lực, cần có cam kết, nghĩa là nhân viên sẵn sàng gắn bó và đồng hành, cống hiến hết mình cho sự thành công của tổ chức. Trên thực tế, có những người rất giỏi, thông minh, thạo việc nhưng do không “chịu làm” hoặc làm không hết mình nên cũng khó tạo ra giá trị hay đóng góp có sức ảnh hưởng. Trước đây, đánh giá người tài thường chỉ dừng lại ở 2 yếu tố: năng lực (có khả năng làm việc) và cam kết (có ý chí làm việc). Tuy nhiên, với thế hệ nhân lực tương lai, người tài còn phải là người biết cống hiến và được ghi nhận. Tổ chức nào chiêu mộ được nhân tài đồng nghĩa với năng suất làm việc tăng gấp nhiều lần so với mặt bằng chung, hình ảnh và danh tiếng được nâng cao, nhận diện thương hiệu vượt bậc… Đó là những lợi ích dễ nhận thấy đứng từ vị trí của người sử dụng lao động, còn về phía bản thân những nhân tài cũng có nhu cầu cống hiến, không ngừng tư duy sáng tạo, đúc kết kinh nghiệm, tạo ra của cải vật chất, trí tuệ của họ phục vụ cho cộng đồng, đất nước, và cao hơn là mang lại những thay đổi tích cực cho khu vực và thế giới.

Thu hút nhân tài ở bất kỳ lĩnh vực nào đều là việc làm cần thiết và có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng nguồn nhân lực cũng như sự phát triển thịnh vượng của một đất nước, đặc biệt trong khu vực công. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Người tài đức có thể làm những việc ích nước lợi dân”[2], nhấn mạnh công cuộc xây dựng đất nước luôn cần có nhân tài. Điều 61 Hiến pháp năm 2013 khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài… Nhà nước ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài.

Khu vực công được xác định là tiên phong cho sự đổi mới, trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), để bắt kịp với nhịp độ phát triển của thế giới, nếu chúng ta không đáp ứng được yêu cầu cấp thiết phải thu hút nhân tài vào khu vực công sẽ dẫn đến hậu quả tụt hậu, không nâng cao được năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Một bài toán khó hơn nữa đó là sau khi thu hút được nhân tài phải làm thế nào để giữ họ ở lại tiếp tục đồng hành cùng tổ chức, ngăn tình trạng chảy máu chất xám diễn ra trong thời gian qua. Nguyên nhân khu vực công luôn rơi vào cảnh thiếu người tài, bởi vì chính sách thu hút, trọng dụng còn chưa linh hoạt; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng; còn xảy ra tình trạng tiêu cực trong chạy chức, chạy quyền khiến công tác tuyển chọn cán bộ không công bằng; một số bộ, ngành, địa phương đã có đề án thu hút nhân tài nhưng không thành công… Nhận thức được mặt hạn chế, bất cập trong thu hút, trọng dụng nhân tài từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã, đang và sẽ tiếp tục đổi mới, sửa đổi, bổ sung chính sách, phương hướng cũng như đề ra những giải pháp mang tính khả thi để khắc phục vấn đề này.

2. Sự phát triển quan điểm của Đảng về thu hút nhân tài qua các kỳ Đại hội

Ngay từ những năm đầu đổi mới, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII đã chỉ rõ nhiệm vụ trung tâm của giáo dục quốc dân là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Vì vậy, trọng dụng tài năng là căn cốt của xây dựng Nhà nước, xây dựng Đảng và đổi mới nguồn nhân lực.

Tiếp đó, Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của Ban Chấp hành trung ương khoá VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã nhấn mạnh: “Đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp từ trung ương đến cơ sở; cán bộ khoa học đầu ngành; cán bộ quản lý kinh doanh các doanh nghiệp lớn”[3]. Thời kỳ này đánh dấu tư duy hình thành hệ thống đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước một cách bài bản, có chiến lược rõ ràng.

Tiếp tục định hướng này, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã nêu: “Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng. Tăng nguồn đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội vào phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài, trước hết trên ba lĩnh vực: lãnh đạo - quản lý, sản xuất - kinh doanh và khoa học - công nghệ”[4]. Việc xóa nhòa ranh giới giữa đảng viên và quần chúng ưu tú, giữa nhân tài Việt Nam trong và ngoài nước đã chứng tỏ bước tiến đáng kể trong nỗ lực đem sự công bằng cho chính sách thu hút người tài trên các lĩnh vực quan trọng của đất nước. Từ đó, chúng ta luôn dành sự ưu đãi, quan tâm đặc biệt đến những nhân tài gốc Việt, Việt kiều trẻ tuổi đã và đang học tập, tu nghiệp tại các nước phát triển.

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành trung ương (khoá X) đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 3 (khoá VIII) cũng xác định rõ một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là: “Triển khai xây dựng đề án Chiến lược quốc gia về nhân tài”, nâng tầm chiến lược cho các chính sách từ trước đến nay.

Để tiếp tục triển khai chủ trương thu hút, trọng dụng nhân tài, Đại hội XI đã nêu những quan điểm chỉ đạo: “Muốn tạo nên một tập thể vững mạnh phải xây dựng từng con người, quan tâm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài”[5]; “Có chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”[6]; “Hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ”[7]; “Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức”[8]. Có thể thấy từ “nhân tài” được nhắc đến rất nhiều lần trong các văn kiện của Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị xây dựng đội ngũ tinh hoa của đất nước trong thời kỳ mới.

Xuyên suốt chặng đường phát triển, một trong năm đột phá xác định để thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ theo Nghị quyết Đại hội XII là “có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài”[9]. Đảng ta nhận thức rõ việc tạo môi trường công bằng, bình đẳng để nhân tài khắp mọi nơi có cơ hội như nhau trong tiếp cận thông tin tuyển dụng, dự án, hợp tác phát triển… quy mô cơ sở và quốc gia. Điều này vô cùng quan trọng bởi khi Đảng và Nhà nước cho nhân tài một niềm tin vững chắc vào chủ trương, chính sách của mình thì họ sẽ yên tâm cống hiến hết năng lực cho đồng bào, cho dân tộc.

Kế thừa và phát huy quan điểm đó, Nghị quyết Đại hội XIII định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 nhấn mạnh “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”[10]. Cụ thể hơn, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, “tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam”[11].

3. Những điểm mới về thu hút nhân tài theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII

Thông qua các văn kiện tại Đại hội XIII, Đảng chú trọng chủ trương đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Nếu như trước đây các văn kiện của Đảng chỉ đề cập “chủ trương phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức”[12], thì Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia[13].

Bên cạnh đó, báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội XIII cũng thẳng thắn thừa nhận một số khuyết điểm, hạn chế trong cơ chế và chính sách cán bộ còn nặng về hành chính hoá, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài. Với quan điểm chỉ đạo định hướng phát triển trong thời gian tới, Đảng tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài; xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng[14]. Bối cảnh mới đòi hỏi Việt Nam phải đi tắt đón đầu, tận dụng thế mạnh về nguồn nhân lực nội bộ trên các lĩnh vực thiết yếu, đặc biệt là khoa học công nghệ, không thể dựa mãi vào đội ngũ chuyên gia nước ngoài để duy trì, vận hành hệ thống máy móc kỹ thuật tiên tiến. Cụ thể, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 nêu ba đột phá chiến lược; trong đó, đột phá chiến lược thứ hai là: chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức có phẩm chất tốt, chuyên nghiệp, tận tụy, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế[15]. Có thể nói, Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã kế thừa và phát huy tinh thần trọng người tài của dân tộc từ xưa đến nay, thêm vào đó xem xét trong bối cảnh mới, toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng là xu thế tất yếu, Việt Nam đang có lợi thế về dân số vàng, sức trẻ cũng như khát vọng vươn mình nên việc tận dụng thời cơ này để thu hút, trọng dụng nhân tài vào bộ máy nhà nước là việc làm cần thiết, cấp bách.

  1. Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về thu hút nhân tài

Chủ trương, chính sách của Đảng về thu hút nhân tài đã được Nhà nước thể chế hóa bằng các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Điều 6 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định: “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng” và giao Chính phủ quy định cụ thể khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Căn cứ quy định của Luật Cán bộ, công chức, Chính phủ đã ban hành văn bản quy định cụ thể các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Cụ thể, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức dành một mục - Mục 7 Chương 3 quy định chính sách áp dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Trong đó, Điều 70 quy định nhân tài được hưởng những ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng; môi trường, trang thiết bị làm việc; quy hoạch, bổ nhiệm; tiền lương, chế độ phúc lợi và các chính sách khác. Điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định cho phép tuyển dụng thông qua xét tuyển thực hiện riêng đối với các trường hợp đặc biệt, bao gồm sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Đối tượng này được thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Tại các địa phương, trên cơ sở nghị quyết của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã xây dựng và ban hành quyết định quy định về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, giữa các địa phương, do điều kiện và tình hình kinh tế - xã hội chưa đồng đều nên đối tượng, phạm vi điều chỉnh, chế độ chính sách thu hút nhân tài là khác nhau. Cùng quy định về thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, thành phố Hà Nội thực hiện chính sách tuyên dương, vinh danh và sử dụng thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học trên địa bàn còn một số địa phương áp dụng chế độ tuyển thẳng không qua thi tuyển đối với nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu đãi về nhà ở, cấp đất, phương tiện đi lại, ưu tiên sắp xếp công việc cho vợ, chồng và được hưởng một khoản trợ cấp ban đầu đối với những người có kinh nghiệm làm việc và trình độ chuyên môn cao.

Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài do Bộ Nội vụ soạn thảo đặt mục tiêu từ năm 2021 - 2025, các ngành, lĩnh vực mũi nhọn được ưu tiên là chính trị và quản lý điều hành nhà nước; khoa học, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, cơ sở dữ liệu, tự động hóa...; giáo dục; y tế; công nghệ sinh học; văn hóa, thể thao... Từ năm 2026 - 2030, nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2 - 5% trở lên; từ 10 - 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Với phương châm “Bốn tốt”: Đãi ngộ tốt - Cơ hội thăng tiến tốt - Môi trường làm việc tốt - Để sáng tạo tốt, Dự thảo nhấn mạnh việc “có cơ chế đãi ngộ đặc biệt, tạo lập môi trường làm việc tốt để nhân tài phát huy năng lực, thể hiện tài năng cống hiến cho đất nước”; “có chính sách khen thưởng những cá nhân, tổ chức tiến cử, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đúng nhân tài”; “xử lý nghiêm những hành vi lạm dụng quyền lực để gây cản trở, trù dập nhân tài...”[16].

Như vậy có thể thấy, văn kiện quan trọng nhất của Đại hội XIII đã đưa ra nhiều quan điểm mới trong thu hút và trọng dụng nhân tài một cách toàn diện, được thể hiện cụ thể từ chủ trương đến giải pháp. Ba vấn đề mà bất kỳ nhân tài nào cũng quan tâm là tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ đều được đề cập thỏa đáng. Đây chính là cơ sở quan trọng để tạo ra thay đổi thực chất, ngày càng thu hút nhiều nhân tài tham gia và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Nghị quyết Đại hội XIII cho thấy chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức trong điều kiện tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, triển khai và áp dụng một cách hiệu quả đột phá trong thu hút và trọng dụng nhân tài theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII có ý nghĩa sống còn trong nhiệm kỳ sắp tới./.

Ths. NGUYỄN QUỲNH TRANG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[1] Từ điển Bách khoa Việt Nam, quyển 4, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.29.

[2] Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[9] Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (2018), Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Hà Nội.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.115.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.134.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.130.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb.  Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.140.

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.167.

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.143.

[16] https://thanhnien.vn/thoi-su/hut-nguoi-tai-vao-khu-vuc-cong-1324882.html.

...