02/05/2024 lúc 08:43 (GMT+7)
Breaking News

Huyện Trực Ninh (Nam Định): Xả thải gây ô nhiễm, doanh nghiệp vẫn vô tư tồn tại

VNHNO -  Xả thải trực tiếp ra sông, không có bể xử lý cũng như các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất, tuy nhiên doanh nghiệp sản xuất than Nam Vang đóng tại xóm 9, xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định vẫn vô tư tồn tại nhiều năm qua. Đáng nói, đơn vị chức năng đã vào cuộc xử lý vi phạm nhưng cho tới nay doanh nghiệp vẫn ngang nhiên bất chấp luật bảo vệ môi trường…

VNHNO -  Xả thải trực tiếp ra sông, không có bể xử lý cũng như các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất, tuy nhiên doanh nghiệp sản xuất than Nam Vang đóng tại xóm 9, xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định vẫn vô tư tồn tại nhiều năm qua. Đáng nói, đơn vị chức năng đã vào cuộc xử lý vi phạm nhưng cho tới nay doanh nghiệp vẫn ngang nhiên bất chấp luật bảo vệ môi trường…

Phản ánh tới Việt Nam Hội nhập điện tử người dân thuộc xóm 9, xã Việt Hùng cho hay: “Người dân chúng tôi vô cùng bức xúc trước hoạt động sản xuất của doanh nghiệp than đóng trên địa bàn. Không có biển công ty, không có hàng rào che chắn bụi, không có bể xử lý nước thải, lại lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều,… 

Nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương vẫn để doanh nghiệp hoạt động nhiều năm qua. Chúng tôi đã có kiến nghị đến chính quyền địa phương nhưng cho tới nay đâu vẫn hoàn đó, mỗi lần qua lại nơi đây người dân chúng tôi không chỉ phải hứng chịu khói bụi than đen mà còn nồng nặc mùi hóa chất, sợ nhất là nước thải ra ngoài của công ty toàn một màu đen chảy trực tiếp xuống sông, ra cả những ao hồ xung quanh đó”.

Ngày 31/10, ghi nhận thực tế tại địa phương PV nhận thấy: Hoạt động sản xuất than của doanh nghiệp kể trên có nhiều dấu hiệu bất minh, không đảm bảo quy định bảo vệ môi trường trong sản xuất. Diện tích đất xây dựng nhà xưởng và bãi chứa than nguyên liệu dài cả trăm mét nhưng không có biển tên công ty, đáng nói toàn bộ khu vực kể trên chỉ được quây quanh bằng các cọc bê tông và dây thép sơ sài, không có tường bao quanh, không có biện pháp ngăn chặn bụi phát tán. 

Một số ao hồ xung quanh doanh nghiệp sản xuất than đều chuyển sang một màu đen như mực

Đặc biệt, toàn bộ diện tích kể trên đều nằm trên hành lang bảo vệ đê điều và tiếp giáp sát mé sông nhưng không có các bể chứa nước thải hay các công trình xử lý xả thải. Cũng theo ghi nhận của PV, một số ao hồ xung quanh nơi doanh nghiệp hoạt động sản xuất nước đều chuyển sang một màu đen quánh. 

Một số người dân địa phương cho biết: Diện tích hoạt động của doanh nghiệp than hiện nay, trước kia thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đóng tàu Hoàng Tiến nhưng không hiểu nguyên nhân vì sao doanh nghiệp Hoàng Tiến dừng sản xuất để nhường diện tích đất này cho công ty than. Mặc dù đơn vị này về hoạt động sản xuất nhiều năm qua tại địa phương nhưng người dân cũng không thấy có hoạt động xây dựng các công trình bảo vệ môi trường khác ngoài nhà xưởng.

Mặc dù đi vào sản xuất nhiều năm qua nhưng doanh nghiệp than Nam Vang tại xóm 9, xã Việt Hùng vẫn bất chấp luật bảo vệ môi trường

Thông tin với cơ quan báo chí, ông Trần Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng xác nhận: “Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp than Nam Vang tại xóm 9 gây ô nhiễm và bức xúc cho người dân là có. Địa phương cũng đã nhiều lần tiến hành lập biên bản nhưng do không có thẩm quyền xử lý nên chúng tôi chỉ biết làm báo cáo gửi UBND huyện Trực Ninh và trực tiếp phòng Tài nguyên và Môi trường huyện”.

Cũng theo ông Thưởng: Trong năm vừa qua, doanh nghiệp than Nam Vang cũng đã bị phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nam Định về kiểm tra, xử phạt hơn 100 triệu đồng (?). Về mặt quản lý địa phương, chúng tôi cũng sẽ cố gắng sớm nhất phối hợp với UBND huyện Trực Ninh giải quyết dứt điểm hiện trạng trên (?).

Tại buổi làm việc, ngoài những thông tin cung cấp cho cơ quan báo chí, ông Thưởng cũng cung cấp cho cơ quan báo chí biên bản làm việc ngày 11/6/2018 và báo cáo số 16/BC-UBND ngày 07/7/2018 gửi UBND huyện Trực Ninh, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện.

Tiếp tục mở rộng nội dung thông tin, chiều cùng ngày PV cũng đã có liên hệ phản ánh đến UBND huyện Trực Ninh. Tuy nhiên, vẫn chưa nhận được câu trả lời bởi lãnh đạo phụ trách đi vắng (?).

Hiện trạng trên đang khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Có hay không việc buông lỏng quản lý của UBND huyện Trực Ninh? Tại sao cấp dưới có báo cáo từ tháng 7/2018 nhưng vẫn chưa vào cuộc xử lý? Hay có chăng chính quyền địa phương cố tình “bảo kê” cho sai phạm?

Việt Nam Hội nhập điện tử sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!

Điều 68 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về Bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như sau:

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau:

a) Thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật;

c) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động;

d) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường;

đ) Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường.

2. Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp sau phải có khoảng cách bảo đảm không có tác động xấu đối với khu dân cư:

a) Có chất dễ cháy, dễ nổ;

b) Có chất phóng xạ hoặc bức xạ mạnh;

c) Có chất độc hại đối với người và sinh vật;

d) Phát tán bụi, mùi, tiếng ồn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người;

đ) Gây ô nhiễm nguồn nước.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh lượng chất thải lớn, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường phải có bộ phận chuyên môn hoặc nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường; phải được xác nhận hệ thống quản lý môi trường theo quy định của Chính phủ.

4. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và quy định của pháp luật có liên quan.