02/05/2024 lúc 10:48 (GMT+7)
Breaking News

Huyện Giao Thủy chính quyền có 'bỏ quên' trách nhiệm: Bài 2 - Càng sai, 'quan lộ' càng dài…!?

VNHN - Khẳng định việc để xảy ra tình trạng chặt phá rừng phòng hộ ven biển, cho các nhà thầu múc đất xâm lấn hành lang bảo vệ đê điều là sai phạm do cá nhân lãnh đạo địa phương… Tuy nhiên, chính những lãnh đạo đã để xảy ra sai phạm tại xã Giao Long, huyện Giao Thủy (Nam Định) thay vì bị xử lý nghiêm minh đúng người đúng tội lại vẫn đang được cất nhắc nắm giữ vị trí cao hơn.

VNHN - Khẳng định việc để xảy ra tình trạng chặt phá rừng phòng hộ ven biển, cho các nhà thầu múc đất xâm lấn hành lang bảo vệ đê điều là sai phạm do cá nhân lãnh đạo địa phương… Tuy nhiên, chính những lãnh đạo đã để xảy ra sai phạm tại xã Giao Long, huyện Giao Thủy (Nam Định) thay vì bị xử lý nghiêm minh đúng người đúng tội lại vẫn đang được cất nhắc nắm giữ vị trí cao hơn.

Như Việt Nam Hội nhập điện tử đã thông tin: Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của bạn đọc tình trạng chặt phá rừng phòng hộ đê ven biển thuộc địa bàn xã Giao Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định nhiều lần PV được cắt cử theo dõi vụ việc đã liên hệ với chính quyền địa phương để làm rõ nhưng các đơn vị đều né tránh. 

Tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều biển không chỉ xảy ra tại riêng xã Giao Long

Ngày 25/10/2018, UBND huyện Giao Thủy đã có văn bản số: 736/UBND-VP gửi Tòa soạn điện tử Việt Nam Hội nhập trả lời về thực trạng cơ quan báo chí đã phản ánh. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế sau văn bản trả lời của UBND huyện Giao Thủy là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược trên giấy. Tình trạng khắc phục sai phạm, hoàn nguyên rừng phòng hộ diễn ra với hình thức đối phó, các cán bộ trực tiếp vi phạm vẫn được cất nhắc vào các vị trí chủ chốt thay vì bị xử lý nghiêm minh…

Đáng nói, tại mục 3 phần a văn bản số: 736/UBND-VP có nêu rõ: “Đối với vi phạm về hành lang an toàn đê biển - Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Giao Thủy đã tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan và đã có Thông báo kết luận việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 04 đồng chí Đảng viên thuộc Đảng bộ xã Giao Long…”. Nhưng lại không gửi kèm theo thông báo như đã nêu.

Trong đó, các cán bộ Đảng viên trực tiếp vi phạm đang thực hiện quy trình kỷ luật nhưng mức độ kỷ luật là gì không nêu rõ. Đặc biệt, đối với trường hợp của ông Trần Hoài Nam, Phó bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã lại được kết luận chưa đến mức phải thi hành kỷ luật? Sai phạm rõ ràng, cá nhân sai phạm cũng thừa nhận, mức độ sai phạm đều công khai, tại sao hình thức xử lý chưa minh bạch? 

Ông Trần Xuân Hải, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy - Chủ tịch HĐND và ông Trần Hoài Nam, Phó bí thư Đảng Ủy – Chủ tịch UBND đều khẳng định: “Sai phạm là do cá nhân lãnh đạo”

Xin được nhắc lại, tại buổi làm việc với PV, ông Trần Xuân Hải, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy - Chủ tịch HĐND và ông Trần Hoài Nam, Phó bí thư Đảng Ủy – Chủ tịch UBND đều khẳng định: “Sai phạm liên quan đến việc để chặt phá rừng phòng hộ, đào bới đất ao, đầm lấn chiếm hành bảo vệ đê điều là do cá nhân lãnh đạo địa phương tự ý quyết không thông qua tập thể. Việc san lấp, hoàn nguyên sai phạm đã gây ra không có kế hoạch cũng như các thủ tục hành chính chi tiết nhưng lại sử dụng tiền từ ngân sách”.

Cũng theo ông Trần Xuân Hải: “Việc địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm chặt phá rừng phòng hộ và đào bới ao, đầm lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều đều xuất phát từ việc ông thấy các địa phương khác trong huyện cũng đều làm được, vậy nên ông cũng áp dụng tại địa phương nhưng không ngờ khi vừa mới làm đã bị UBND huyện phát hiện…(?)”.

Trở lại thông tin của vụ việc, được biết: Việc chặt phá rừng phòng hộ và lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều biển được thực hiện khi ông Trần Xuân Hải là Chủ tịch UBND xã Giao Long, với tư cách cá nhân liệu ông có đang lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình hay không? Hơn thế nữa, sau sai phạm do chính ông gây ra, ông lại được cất nhắc lên Phó bí thư Thường trực Đảng ủy – Chủ tịch HĐND xã Giao Long liệu có thỏa đáng?

Trong khi đó, nếu xét trên góc độ quản lý hành chính công việc một cá nhân không thông qua ý kiến tập thể lấy tư cách gì được xâm hại đến tài sản công? Hay cá nhân các lãnh đạo UBND xã Giao Long tự cho mình cái quyền cao hơn chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà Nước giao phó? Tiền ngân sách địa phương là tiền thuế đóng góp của người dân, phục vụ công tác xây dựng và phát triển chung của địa phương nói riêng và toàn xã hội nói chung, liệu có phải sinh ra để cho những cá nhân mang “mác” lãnh đạo sử dụng vào mục đích riêng?

Hơn thế nữa, chính UBND huyện Giao Thủy cũng đang cho thấy sự buông lỏng trong công tác quản lý, hay đúng hơn là “bỏ quên” trách nhiệm. Ngoài xã Giao Long, tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều biển, xâm lấn rừng phòng hộ còn xảy ra ở nhiều địa phương khác nhưng chính quyền vẫn im lặng (?). 

Tiền ngân sách để sửa sai cho những vi phạm của lãnh đạo liệu có thỏa đáng?

Đáng nói, khi những thông tin được cơ quan ngôn luận phản ánh tới thì đơn này luôn tìm cách né tránh thay vì khẩn trương vào cuộc. Sự việc tại UBND xã Giao Long là một ví dụ, nếu có một quyết định xử lý nghiêm minh, minh bạch, đảm bảo sự thượng tôn của pháp luật liệu quần chúng nhân dân có còn bức xúc? Hay có chăng với tư cách quản lý, UBND huyện Giao Thủy đang có một quy tắc ngầm: “Càng sai, “quan lộ” càng dài”?

Việt Nam Hội nhập sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!