25/04/2024 lúc 11:46 (GMT+7)
Breaking News

Huy động vốn doanh nghiệp BĐS bài 3: Quả bom hẹn giờ

Trong khi cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo trong suốt những năm vừa qua, tuy nhiên sự bùng nổ của thị trường bất động sản đã đẩy nhu cầu về vốn tăng vượt mức kiểm soát.

Các ngân hàng có đang "ôm bom"

Trong khi đó, trên thị trường sơ cấp, các ngân hàng và công ty chứng khoán (CTCK) vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất khi mua tổng cộng 373 nghìn tỷ đồng, chiếm 52% tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2021. Trong đó, hai nhóm nhà đầu tư này mua 153 nghìn tỷ đồng, chiếm 48% trái phiếu bất động sản phát hành.

Như vậy, có thể thấy, với vai trò người mua chính trên thị trường, các ngân hàng thương mại đang nắm một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, trong đó chiếm tỷ lệ cao là của các doanh nghiệp bất động sản.

Khảo sát của chúng tôi cho thấy, đến cuối năm 2021, 24 ngân hàng niêm yết đang nắm giữ 242.674 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng tới 21% so với cuối năm trước, trong đó có 14 thành viên ghi nhận lượng trái phiếu nắm giữ tăng trong năm qua.

Vietcombank là một trong những nhà băng ghi nhận lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tăng mạnh nhất với mức tăng hơn 2 lần, từ 5.335 tỷ đồng cuối năm 2020 lên 11.929 tỷ đồng khi kết thúc năm 2021.

Tại NamABank, mức tăng trưởng thậm chí ghi nhận tới 3,7 lần, từ 648 tỷ đồng lên 2.383 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong năm qua như TPBank (65%), ABBank (58%), MB (53%), VIB (49%)…

Xét về giá trị tuyệt đối, Techcombank vẫn đang là ngân hàng đứng đầu hệ thống về số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ, với 62.809 tỷ đồng, tăng 16.081 tỷ đồng, tương đương 34,4% so với con số cuối năm 2020. Lượng trái phiếu này chiếm tỷ trọng tới 11% trong tổng tài sản của nhà băng, cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng trung bình 2,6% của nhóm khảo sát.

Trong khi đó, MBB đang đứng vị trí thứ hai, với lượng trái phiếu doanh nghiệp trị giá 42.962 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm, chiếm gần 7,1% tổng tài sản. Ngân hàng cho biết, các trái phiếu này có kỳ hạn từ 2 tháng đến 15 năm, với lãi suất dao động từ 6,5% đến 11,1%/năm.

VPBank, TPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và HDBank cũng là những ngân hàng đang nắm lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, với giá trị trên 10.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.

Một số ngân hàng nhỏ cũng đang nắm tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp khá lớn, như tại ABBank, cuối năm 2021 ngân hàng này đang có 9.503 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 58% so với cùng kỳ và chiếm tới 7,8% tổng tài sản.

Bài học của Tân Hoàng Minh

Chiều tối ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03) Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Anh Dũng, 61 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh), để điều tra tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điều 174, bộ luật Hình sự.

Cùng tội danh này, C03 còn khởi tố, bắt giam 6 người khác, gồm: Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh (Việt là con trai ông Đỗ Anh Dũng); Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Trần Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Khoa Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Cung điện Mùa Đông; Lê Văn Thịnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Phùng Thế Tính, nguyên Giám đốc Trung tâm tài chính kế toán của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Bước đầu C03 cho biết trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Cũng theo C03, để đảm bảo hoạt động bình thường của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị can Đỗ Anh Dũng trước khi bị bắt đã ủy quyền cho con trai thứ 2 là Đỗ Hoàng Minh điều hành tập đoàn. Ông Minh trước đó là Phó tổng giám đốc của tập đoàn này.

Trước đó, từ chiều 4/4, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã công bố thông tin hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Theo đó, 3 công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, gồm Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông và Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil đã thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin khi phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Thanh Bút