23/11/2024 lúc 00:10 (GMT+7)
Breaking News

Lỗ hơn 7 tỷ đồng quý I, kỳ vọng năm 2022 của FECON liệu có khả thi?

Công ty CP FECON (HoSE: FCN) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022, Công ty này báo lỗ hơn 7 tỷ đồng, trong khi kế hoạch năm nay của FCN là lợi nhuận tăng 296% lên mức 280 tỷ đồng.

Theo đó, doanh thu thuần đạt 502 tỷ đồng – giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán giảm tương ứng nên lãi gộp đạt 88 tỷ đồng giảm 16% so với quý 1/2021.

Trong kỳ, FCN có 10,5 tỷ đồng doanh thu tài chính – cao gấp đôi so với cùng kỳ, tuy nhiên chi phí tài chính cũng tăng mạnh từ 29 tỷ đồng lên 47 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí QLDN giảm không đáng kể, hoạt động khác lỗ 1,2 tỷ đồng.

Kết quả sau khi trừ các khoản chi phí FECON lỗ sau thuế 6,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 17,4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm hơn 7 tỷ đồng tương đương EPS âm 45 đồng.

Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân thua lỗ là do tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên ảnh hưởng đến tiến độ chào thầu, ký kết hợp đồng dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp, doanh thu và lợi nhuận gộp bị giảm so với cùng kỳ. Chi phí lãi vay tăng do công ty điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng có dự án điện gió đi vào vận hành thương mại cuối tháng 10/2021.

" Về kế hoạch năm 2022, FCN đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng doanh thu thêm 44% lên mức 5000 tỷ, lợi nhuận tăng 296% lên mức 280 tỷ đồng.

Theo giải trình, nguồn doanh thu sẽ đến từ các dự án lớn của công ty như Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát - Dung Quất, Sân bay Long Thành, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Hầm chui Lê Văn Lương, Đường sắt trên cao, Điện gió Trà Vinh 1.1, Điện gió Duyên Hải,... Theo công ty, trong quý 1 FECON đã ký được lượng hợp đồng với tổng trị giá 1800 tỷ đồng.

Công ty tiết lộ, FECON cũng đã tham gia đấu giá, đầu thầu, đệ trình làm nhà đầu tư tại một số dự án bất động sản tại Hưng Yên (206ha), Thái Nguyên(gần 30ha), Bắc Giang(tổng quy mô 300ha), Đồng Tháp (4ha) và Bắc Ninh (6ha).

Trong năm tới, FECON cũng mong đợi khoản doanh thu tài chính 109 tỷ từ việc thoái vốn một vài dự án năng lượng chưa hiệu quả.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của FECON thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi người nhà ông Phạm Việt Khoa liên tục bán tháo cổ phiếu.

Cụ thể, mới đây, người nhà Chủ tịch FECON tiếp tục đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ. Theo đó, bố đẻ và em gái Chủ tịch HĐQT Công ty CP FECON Phạm Việt Khoa đăng ký bán cổ phiếu để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.

Theo đó, bà Phạm Thị Minh Hoa, em gái Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP FECON Phạm Việt Khoa đăng ký bán 16.300 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 16.397 cổ phiếu về 97 cổ phiếu, với mục đích giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Thời gian giao dịch dự kiến từ 1/4- 30/4/2022.

Ông Phạm Hồng - bố đẻ Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa của FECON cũng đang ký bán 26.500 cổ phiếu cũng trong thời gian từ ngày 31/3/2022 đến 29/4/2022 với lý do giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Nếu giao dịch hoàn tất ông Hồng chỉ còn nắm giữ lô lẻ 25 cổ phiếu của FECON. Trong khi đó, ông Phạm Việt Khoa đang sở hữu hơn 5 triệu cổ phiếu FCN.

Cũng trong thời gian này, ông Trần Trọng Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty tiếp tục đăng ký bán 100.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 631.461 về 531.461 cổ phiếu, tương đương 0,34% vốn điều lệ.

Năm 2021, FECON ghi nhận doanh thu đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Gánh nặng chi phí khiến lợi nhuận sau thuế đạt 114,8 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện trong năm 2020 – Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 10 năm qua của FECON.

Anh Phạm