Với việc chào bán thành công 32 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ của FECON tăng từ 1,254 tỷ đồng lên 1,574 tỷ đồng; tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành tăng từ 125,4 triệu lên 157,4 triệu đơn vị.
FECON (FCN) chào bán thành công 32 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 1,574 tỷ đồng
CTCP FECON (HOSE: FCN) thông báo hoàn tất việc chào bán 32 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương ứng 100% tổng số cổ phiếu chào bán. Tổng số tiền huy động từ đợt chào bán là 416 tỷ đồng.
Trong đó, Quỹ đầu tư hạ tầng Red One (nhà đầu tư trong nước) mua 16 triệu cổ phiếu, số còn lại được bán cho Công ty CP Raito Kogyo (nhà đầu tư nước ngoài). Sau đợt chào bán, tỷ lệ cổ phiếu sở hữu của hai nhà đầu tư này lần lượt là 10.16% và 25.51%. Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 2 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Như vậy, với việc chào bán thành công 32 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ của FECON tăng từ 1,254 tỷ đồng lên 1,574 tỷ đồng; tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành tăng từ 125,4 triệu lên 157,4 triệu đơn vị.
Về kết quả kinh doanh, quý 3/2021, FECON ghi nhận doanh thu thuần đạt 868,4 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vốn tăng 12% nên công ty chỉ ghi nhận lãi gộp 93,6 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, FECON ghi nhận doanh thu tài chính 10,8 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ. Chi phí lãi vay 35,8 tỷ đồng, tăng 39,1%; chi phí quản lý doanh nghiệp 38,9 tỷ đồng, giảm 22%. Trừ đi các chi phí, FECON ghi nhận lãi trước thuế 24,3 tỷ đồng; lãi sau thuế 20,2 tỷ đồng, giảm 56,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 18,7 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, FECON ghi nhận doanh thu thuần 2.209 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi ròng 71 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.
Năm 2021, FECON đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng. Như vậy, FECON đã hoàn thành 57% chỉ tiêu doanh thu và 40% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại thời điểm 30/9/2021, FECON ghi nhận tổng giá trị tài sản đạt hơn 7.599 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm cuối quý III của FECON chỉ còn 2.647 tỷ đồng, giảm mạnh 33% so với đầu năm.
Trong 9 tháng, hàng tồn kho của FECON tăng mạnh 90% lên 1.957 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng lên 1.051 tỷ đồng, chủ yếu do ghi nhận giá trị dự án điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng.
Về phía nguồn vốn, tại thời điểm 30/9/2021, nợ của FECON đạt 5.033 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, chủ yếu do tăng nợ vay tài chính dài hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 2.566 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FCN đang có 4 phiên tăng trần liên tiếp kể từ ngày 26/11. Chốt phiên 30/11, FCN có giá 21.250 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt hơn 9,6 triệu đơn vị.
Mới đây, ông Hà Thế Phương, Phó chủ tịch HĐQT FCN đăng ký bán 100.000 cổ phiếu từ ngày 2/12 đến ngày 31/12 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận để giải quyết nhu cầu cá nhân. Nếu giao dịch hoàn tất, ông Phương sẽ giảm sở hữu tại FCN từ 205.500 cổ phiếu xuống 105.500 cổ phiếu