19/04/2024 lúc 23:31 (GMT+7)
Breaking News

FECON đặt tham vọng lớn năm 2022, người nhà Chủ tịch liên tục thoát hàng

Với những gì dự kiến trình đại hội cổ đông, Công ty cổ phần FECON (HoSE: FCN) đang cho thấy tham vọng khá lớn trong năm 2022. Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, thời gian vừa qua người nhà chủ tịch FECON liên tục thoát hàng cổ phiếu FCN.

Lên kế hoạch lợi nhuận 2022 gấp gần 4 lần năm trước

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, HĐQT Fecon dự kiến trình kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 280 tỷ đồng; lần lượt tăng 44% và 296% so với thực hiện năm 2021. Cổ tức 2022 không quá 10% bằng tiền mặt.

Nhìn lại năm trước, doanh thu của Fecon đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 10% so với 2020; lợi nhuận sau thuế 71 tỷ đồng, giảm 47%. Công ty không hoàn thành kế hoạch đề ra khi thực hiện lần lượt 89% mục tiêu doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp này trong 10 năm trở lại đây. Với kết quả đó, HĐQT đề xuất mức cổ tức cho năm 2021 là 3% bằng tiền mặt, số tiền dự chi ra 47,2 tỷ đồng. 

HĐQT công ty chia sẻ, nguyên nhân chưa hoàn thành các chỉ tiêu đề ra năm qua là đại dịch Covid-19 và bão giá nguyên vật liệu xây dựng. Nhiều dự án chậm triển khai như nhiệt điện Nam Định, nhiệt điện Vũng Áng 2, dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2…đặc biệt là dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Metro Line 3) hầu như không triển khai trong năm 2021. Bên cạnh đó, việc giải ngân đầu tư công còn chậm ảnh hưởng lớn đến các dự án hạ tầng. Công tác thu hồi công nợ cũng bị ảnh hưởng, làm phát sinh chi phí tài chính và khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, công ty đang trong giai đoạn chuyển đổi từ nhà thầu chuyên môn sang nhà thầu chính, hệ thống quản trị đang từng bước thích nghi với các mục tiêu kinh doanh mới. Các dự án phát huy được năng lực cốt lõi thì vẫn mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên một vài dự án công ty đứng tổng thầu trong năm chưa đạt hiệu quả kỳ vọng, do chưa khai thác được tối ưu các nguồn lực trải dài 12 tháng, lúc cao điểm thì không đủ nguồn lực, lúc thấp điểm thì dư thừa, ảnh hưởng đến chi phí thi công dự án.

Trong năm qua, nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng do Fecon Invest (công ty con thuộc Fecon) cùng liên danh với Ecotech làm chủ đầu tư đã chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD) sau hơn 1 năm triển khai. Nhà máy có công suất giai đoạn 1 là 30 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 7,5 ha trên đất liền, gồm 6 trụ turbine gió. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng khoảng 97,5 triệu kWh/năm.

HĐQT cũng trình cổ đông việc miễn nhiễm chức danh thành viên HĐQT với ông Hà Thế Phương, Nguyễn Song Thành, Phùng Tiến Trung, Phạm Thành Trung và bầu bổ sung thêm 2 thành viên mới nhiệm kỳ 2019 - 2024. Số lượng thành viên trong HĐQT cũng giảm từ 9 xuống còn 7 người. Cùng với đó, Fecon miễn nhiệm bà Phạm Thị Hồng Nhung trong ban kiểm soát và thay thế bằng 1 người khác. Ban kiểm soát còn 3 người.

Lợi nhuận sau thuế 2021 giảm hơn 38% sau kiểm toán

Fecon cũng vừa công bố báo cáo tài chính 2021 sau kiểm toán với nhiều số liệu được điều chỉnh so với bản báo cáo tự lập. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ và hợp nhất lần lượt đạt 48,4 tỷ đồng và 70,7 tỷ đồng, giảm lần lượt 39,6% và 38,4% so với số liệu đã công bố trước đó. Kết quả thực hiện 2021 trên của công ty mẹ và tập đoàn chỉ bằng 40,8% và 52,9% so với 2020. 

Cùng với đó, chi phí vốn được điều chỉnh tăng thêm 48 tỷ đồng, lên mức 3.014 tỷ đồng, dẫn tới chỉ tiêu lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ được điều chỉnh giảm 48 tỷ đồng sau kiểm toán, về mức 470 tỷ đồng. Doanh thu năm nay của Fecon đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 10,5% so với thực hiện 2020 và không có gì thay đổi so với số tự lập.

Nguyên nhân chủ yếu của sự giảm của lợi nhuận là do giá vốn của một số dự án tăng so với dự kiến ban đầu bởi giá nguyên vật liệu biển động bất động bất thường và chi phí nhân công tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian thi công một số công trình kéo dài hơn kế hoạch nên phát sinh thêm chí phí trong năm và ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công trình. 

Theo chia sẻ HĐQT Fecon, công ty đã làm việc và có những trao đổi thống nhất với một số chủ đầu tư về việc điều chỉnh tăng giá hợp đồng thi công do các yếu tố biến động nêu trên nên doanh nghiệp này đã thực hiện tính toán lãi gộp trên cơ sở giả định có nguồn bù giá này. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán thực hiện ghi nhận lãi gộp giảm đi trên quan điểm chưa có bằng chứng chắc chắn về việc bù giá này từ đơn vị thầu chính, do đó dẫn đến việc giảm lợi nhuận như trên. 

" Như vậy, công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình này đã ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 10 năm qua. 

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP FECON Phạm Việt Khoa

Người nhà chủ tịch liên tục thoát hàng

Mới đây, người nhà Chủ tịch FECON tiếp tục đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ. Theo đó, bố đẻ và em gái Chủ tịch HĐQT Công ty CP FECON Phạm Việt Khoa đăng ký bán cổ phiếu để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.

Theo đó, bà Phạm Thị Minh Hoa, em gái Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP FECON Phạm Việt Khoa đăng ký bán 16.300 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 16.397 cổ phiếu về 97 cổ phiếu, với mục đích giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Thời gian giao dịch dự kiến từ 1/4- 30/4/2022.

Ông Phạm Hồng - bố đẻ Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa của FECON cũng đang ký bán 26.500 cổ phiếu cũng trong thời gian từ ngày 31/3/2022 đến 29/4/2022 với lý do giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Nếu giao dịch hoàn tất ông Hồng chỉ còn nắm giữ lô lẻ 25 cổ phiếu của FECON. Trong khi đó, ông Phạm Việt Khoa đang sở hữu hơn 5 triệu cổ phiếu FCN.

Cũng trong thời gian này, ông Trần Trọng Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty tiếp tục đăng ký bán 100.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 631.461 về 531.461 cổ phiếu, tương đương 0,34% vốn điều lệ.

Ở một diễn biến khác, đầu năm 2022, sau khi bán khớp lệnh 940.400 cổ phiếu FCM trong tháng 1/2022, CTCP FECON tiếp tục đăng ký bán 1,5 triệu cổ phần, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,59% và rời ghế cổ đông lớn lại CTCP Khoáng sản FECON (FCM).

CTCP FECON (HOSE: FCN), đơn vị có liên quan đến Giám đốc Phạm Trung Thành đăng ký bán 1,5 triệu cổ phiếu FCM của của CTCP Khoáng sản FECON (HOSE: FCM) với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận từ ngày 11/2/2022 đến 11/3/2022, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,92% xuống còn 4,59% vốn điều lệ. 

Nếu giao dịch hoàn tất, Fecon sẽ giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 3,56 triệu cp xuống hơn 2,06 triệu cp, tương đương tỷ lệ sở hữu giảm từ 7,92% xuống 4,59%. Hiện Fecon là cổ đông lớn thứ hai của Khoáng sản Fecon, sau CTCP Đầu tư Phan Vũ (46,36%).

Trước đó, FECON chỉ bán khớp lệnh 940.400 cổ phiếu FCM từ ngày 6/1 đến 28/1, dù số lượng cổ phiếu đăng ký bán là 1,5 triệu cổ phiếu.

Thanh Bút