14/11/2024 lúc 09:13 (GMT+7)
Breaking News

Huy động nguồn lực cho truyền thông chính sách đạt hiệu quả thực thi

Trong những năm qua truyền thông chính sách ở nước ta được coi là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng bên cạnh đó còn đóng vai trò hết sức quan trọng thậm chí quyết định đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay ở nước ta, vấn đề truyền thông chính sách và nguồn lực cho truyền thông chính sách ngày càng được phổ biến rộng rãi, triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Theo Chỉ thị số 7/CT-TTg, ngày 21-3-2023, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách”, nêu rõ: “truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách”.

Hiện nay, truyền thông chính sách là một khái niệm còn khá mới mẻ ở nước ta. Thời gian qua, vấn đề này đã dần trở nên phổ biến, thường xuyên được nhắc tới. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn có nhiều cách tiếp cận về truyền thông chính sách, ở tất cả chu trình chính sách (trước, trong và sau khi ban hành), hay gồm nhiều chủ thể truyền thông khác nhau, với các hình thức, phương tiện khác nhau, trên các kênh khác nhau, từ tuyên truyền miệng, pa-nô, áp phích, sân khấu hóa, băng-rôn, phim, ảnh, sách,... đến truyền thông số, trên môi trường mạng xã hội. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông đại chúng (báo chí với 4 loại hình là phát thanh, báo in, truyền hình, báo mạng điện tử) vẫn là kênh truyền thông chính thống, quan trọng nhất. Như vậy, để truyền thông chính sách đạt hiệu quả cao, việc huy động nguồn lực cho truyền thông chính sách cũng đồng nghĩa với việc ưu tiên dành nguồn lực thích đáng cho báo chí - kênh chủ lực, quan trọng, quyết định thành bại của việc ban hành, thực thi, đánh giá, tổng kết chính sách.

Tuy vậy, vẫn còn những quan niệm, cách tiếp cận khác nhau, nhưng truyền thông chính sách trước hết phải là công tác truyền thông, và truyền thông thì không thể một chiều, qua đó cần chia sẻ, tương tác, trao đổi, phản hồi, tiếp thu, điều chỉnh,... Nhằm gia tăng sự hiểu biết, tiến tới đồng thuận để rồi điều chỉnh hành vi, thái độ trong quá trình thực hiện chính sách. Đối với truyền thông chính sách, với nội dung thông tin là chính sách, càng cần thiết đề cao quá trình truyền thông, để mỗi người dân có liên quan đều được tiếp nhận thông tin ngay từ khi chính sách còn là dự thảo cho đến khi ban hành, có hiệu lực và được triển khai trong cuộc sống. Nói cách khác, người dân càng được biết kịp thời, chính xác, đầy đủ về chu trình chính sách, từ khâu nhận diện vấn đề chính sách, hoạch định chính sách, thực thi chính sách cho đến đánh giá chính sách thì hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách càng cao. Vì thế, cần coi trọng sự thực biết, thực hiểu để thực thi chính sách của người dân. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, việc huy động nguồn lực để truyền thông chính sách phải được thực hiện ở tất cả các bước, từ chuẩn bị triển khai thực thi, phổ biến, tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra đến điều chỉnh chính sách (về mục tiêu, giải pháp...) nếu có trục trặc, vướng mắc, cũng như việc đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm. Riêng vấn đề thực thi chính sách, đó chính là quá trình huy động, bố trí, sắp xếp nguồn lực để đưa chính sách vào cuộc sống.

Thực tế thời gian qua cho thấy, tập trung hơn cả, được đầu tư hơn cả chính là việc truyền thông chính sách ở giai đoạn sau của chu trình chính sách, nghĩa là khi chính sách đã được ban hành. Khi đó, các phương tiện truyền thông nói chung, báo chí nói riêng tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, vận động, thuyết phục, làm cho người dân hiểu được lý do vì sao chính sách được ban hành, những lợi ích của chính sách đối với người dân và cộng đồng, nghĩa vụ, trách nhiệm người dân phải chấp hành, thực thi, thông qua đó tạo ra sự đồng thuận xã hội trong quá trình triển khai chính sách vào cuộc sống.

Với việc tuyên truyền (là một chiều) chỉ là một công việc trong quá trình truyền thông chính sách. Truyền thông chính sách, để tạo sự đồng thuận xã hội như trên đã nói, rất cần nguồn lực (cả nhân lực và vật lực) ở tất cả các khâu, các bước trong chu trình chính sách, để mỗi chính sách ra đời, tồn tại đều thể hiện rõ ràng, cụ thể các mục tiêu quan trọng nhất là hướng đến nhân dân, vì sự phát triển chung của đất nước, trên tất cả lĩnh vực khác nhau. Để đạt được điều này, việc dành nguồn lực cho truyền thông chính sách đóng vai trò then chốt, hết sức quan trọng, quyết định đến sự thành - bại của một chính sách, nhất là chính sách có tác động lớn đến xã hội, đến sự phát triển của đất nước. Nguồn lực cho truyền thông chính sách phải bảo đảm cả nguồn lực về vật chất, nghĩa là nguồn kinh phí thích đáng và nguồn lực về con người, nghĩa là đội ngũ làm công tác truyền thông (cả từ phía cơ quan ban hành chính sách lẫn cơ quan trực tiếp thực hiện truyền thông chính sách) phải được xây dựng một cách chuyên nghiệp, tinh thông, hoạt động hiệu quả.

Thông qua truyền thông chính sách, báo chí cách mạng Việt Nam đã đóng góp tích cực, quan trọng, đáng ghi nhận vào quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến cuối năm 2022, cả nước có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia (Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân), 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí và 64 đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc. Việc báo chí cách mạng Việt Nam thực hiện truyền thông chính sách trong suốt 98 năm đồng hành cùng lịch sử đất nước (từ năm 1925) là hết sức rõ ràng, góp phần quan trọng cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đông đảo nhân dân, giúp người dân nắm bắt một cách kịp thời, đúng đắn các chính sách của Nhà nước, từ đó vận dụng vào trong thực tiễn công việc, nghề nghiệp của mình, tổ chức thực hiện bảo đảm đúng nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền và lợi ích của mỗi người. Thông qua truyền thông chính sách, báo chí cách mạng Việt Nam đã đóng góp tích cực, quan trọng, đáng ghi nhận vào quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế còn không ít bất cập liên quan đến việc dành nguồn lực cho truyền thông chính sách. Vấn đề này gần như được xem là việc các cơ quan báo chí có nhiệm vụ bắt buộc phải làm. Điều này là có cơ sở, bởi báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách là đương nhiên, báo chí chuyển tải thông tin về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách là việc hiển nhiên, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước, nhu cầu của công chúng. Nhưng rõ ràng, việc truyền thông chính sách ở tất cả chu trình là thuộc chức năng của chính quyền, là việc của chính quyền. Thế nhưng, không ít bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến chính sách đối với cơ quan báo chí, coi đó là nhiệm vụ của báo chí. Việc truyền thông chính sách một cách miễn cưỡng, bất cập như vậy chưa đủ giúp cơ quan báo chí, nhất là cơ quan báo chí trong diện tự chủ tài chính, chủ động trong việc truyền thông chính sách, chưa thể tập trung nhân lực, vật lực cho công tác truyền thông chính sách, nhất là chính sách báo chí không có “nghĩa vụ” phải truyền thông một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, thậm chí hình thành những tuyến bài, những chiến dịch truyền thông sâu rộng. Thậm chí, sự “phó mặc” ấy có thể nảy sinh tình trạng xuất hiện nhà báo, cơ quan báo chí trong quá trình truyền thông chính sách tiến hành kiểu đối phó, cho xong, thậm chí chủ ý “khoét sâu”, tập trung xoáy vào những bất cập, hạn chế, gây ra trở ngại không đáng có trong quá trình dự thảo, ban hành, thực thi chính sách...

Bất cập này đã được nhìn nhận và bước đầu có sự biến chuyển từ gốc, khi ngày 30-3-2022, Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án được triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước, áp dụng đối với các dự thảo chính sách đáp ứng 4 tiêu chí:

  1. -    Là các chính sách được ban hành trong các văn bản quy phạm pháp luật mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định phải lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trước khi tiến hành soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
  2. -    Tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
  3. -    Được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách.

 4- Chính sách có tác động trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quyết định đã quy định rõ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương bố trí nguồn kinh phí riêng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, chú trọng huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách, phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia tham gia thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách. Đồng thời, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia, hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động truyền thông về dự thảo chính sách theo quy định của pháp luật... Các bộ, ngành, địa phương phải căn cứ vào ngân sách từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để để xây dựng dự toán, bố trí kinh phí hằng năm và tổ chức thực hiện; đồng thời, tăng cường đặt hàng các cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách.

Nguồn lực cho vấn đề truyền thông chính sách đã được quy định rõ ràng, chắc chắn sẽ có sự cải thiện, thay đổi rõ rệt trong thời gian tới. Như vậy, tất cả các bước, từng khâu của chính sách đều cần được truyền thông một cách công khai, minh bạch, đa chiều, nhất là với chủ trương, chính sách quan trọng, tác động đến đông đảo người dân, để người dân thực biết, thực hiểu và thực thi một cách đồng thuận, quyết tâm. Và khi những ý kiến trái chiều, những tiếng nói phản biện cần thiết được tôn trọng, lắng nghe, và được dành nguồn lực thích đáng để triển khai thực hiện sẽ tránh được sự hiểu biết lơ mơ, thậm chí hiểu nhầm, hiểu sai, dẫn đến khủng hoảng truyền thông, tác động tiêu cực đến sự vận hành chính sách trong cuộc sống. Khi ấy, việc huy động nguồn nhân lực, vật lực để giải quyết sự cố, khủng hoảng truyền thông còn gây mất sức, sự tốn kém, lãng phí hơn rất nhiều so với việc dành kinh phí cho truyền thông chính sách hợp lý.

Bên cạnh những kết quả tích cực thì vẫn còn những mặt hạn chế nói trên về những khó khăn trong việc thực hiện truyền thông chính sách đã được nhìn nhận thấu đáo. Chỉ thị số 7/CT-TTg, ngày 21-3-2023, của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách”, chỉ rõ: “thời gian qua công tác truyền thông chính sách được quan tâm triển khai tích cực và thường xuyên trong quá trình xây dựng thực thi và hoàn thiện chính sách. Tuy nhiên công tác truyền thông vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông chính sách. Việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông đã để xảy ra những sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước”. Cũng theo quy định của Chỉ thị số 7/CT-TTg, “các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách ở bộ, ngành, địa phương. Xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông chính sách tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách... Chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông; bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách. Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật”.

Ngày 3-4-2023, Hội nghị tập huấn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách cho báo cáo viên pháp luật Trung ương đã được Bộ Tư pháp tổ chức. Thông tin tại hội thảo cho biết, đã quán triệt các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương bố trí nguồn kinh phí riêng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ truyền thông chính sách. Bên cạnh đó, chú trọng huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách, nhất là cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia pháp lý. Đồng thời, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để tổ chức hoạt động truyền thông về dự thảo chính sách theo quy định của pháp luật. Sự tham gia của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội ở khu vực nhà nước, tư nhân và nước ngoài đóng góp trên tất cả các mặt, như tri thức, công sức, kinh phí,... đều có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực thi chính sách hiệu quả.

Như vậy, chính sách về huy động nguồn lực cho truyền thông chính sách đã có những bước phát triển mới, căn cơ, khoa học, bài bản, rõ ràng, minh bạch hơn. Trong đó, việc xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ nguồn lực cho truyền thông chính sách được thể chế hóa sẽ tạo ra những nguồn lực đáng kể, nhất là đối với chính sách “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ví như xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo... Một nguồn lực vật chất khác, cụ thể là kinh phí, có thể huy động để thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, đó là từ các tổ chức quốc tế trong từng khâu, chu trình của “vòng đời” chính sách. Cả hai nguồn lực đề cập sau, từ xã hội hóa tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và từ các tổ chức quốc tế hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức và hoàn toàn có thể “kích hoạt” trong thời gian tới.

Vấn đề đáng lưu tâm khác, để truyền thông chính sách đạt hiệu quả cao, việc huy động nguồn lực con người cho việc thực hiện vấn đề này đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi lâu nay việc xây dựng bộ máy làm truyền thông chính sách chưa được coi trọng đúng mức. Ngày 24-11-2022, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”, kết nối đến ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được tổ chức. Rất nhiều thông tin liên quan đến thực trạng công tác truyền thông chính sách được đưa ra. Những kết quả cũng như sự hạn chế, bất cập được chỉ rõ với nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan được nhận diện. Trong số đó, có sự khẳng định rằng, nguyên nhân của những hạn chế đó một phần từ sự thiếu kinh nghiệm xử lý truyền thông hiệu quả từ phía cơ quan hành chính nhà nước. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí được nguồn lực phù hợp, các đơn vị chưa được cấp kinh phí để thực hiện truyền thông chính sách. Điều này một lần nữa được thể hiện rõ trong nội dung Chỉ thị số 7/CT-TTg đã nêu ở trên. Và khi những bất cập, hạn chế đã được nhận diện, chỉ rõ nguyên nhân, sẽ buộc phải có sự thay đổi, điều chỉnh để khắc phục triệt để.

Có thể khẳng định rằng, việc huy động nguồn nhân lực, vật lực cho truyền thông chính sách là hết sức quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, cải tạo, nâng tầm cuộc sống trên tất cả lĩnh vực. Việc công khai, minh bạch gắn kèm với trách nhiệm giải trình, tính hiệu quả trong việc huy động nguồn lực, cũng như tất cả chu trình chính sách được đề cao, bảo đảm chắc chắn sẽ tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, làm nền tảng, động lực, sức bật cho quá trình đưa chính sách vào cuộc sống, làm cơ sở, bệ phóng để đất nước phát triển nhanh, vững bền.