13/11/2024 lúc 03:15 (GMT+7)
Breaking News

Chính sách để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách trong hành trình phát triển - Thực trạng và giải pháp

Ngày 21/4/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Cùng với những chủ trương, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước đó, Nghị quyết 58 thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển…

Chủ trương đúng đắn

Nghị quyết số 58/NQ-CP nêu rõ: Thời gian qua, đại dịch COVID-19 và các biến động phức tạp về địa chính trị kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh chịu nhiều sức ép lớn, khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ của tình hình thế giới, với nguồn lực còn hạn chế, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sát sao của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị, sự hợp tác giúp đỡ của bàn bè quốc tế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều chính sách, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, duy trì tỉ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động; giảm đáng kể áp lực chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu của Chính phủ trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là nhằm giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; lớn mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.  Cũng với đó, phấn đấu đến năm 2025: Đạt 1,5 triệu doanh nghiệp; 8.000-10.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. 100% cơ sở kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số. Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đủ điều kiện được cung cung cấp dịch vụ công trực tuyến. 80% doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo.

Thực tiễn khó khăn

Trong và đặc biệt là từ sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện với những thách thức lớn, khó khăn không dễ khắc phục một sớm một chiều. Theo số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),  trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022. “Đáng chú ý số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022, lên tới 124.700 doanh nghiệp. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động.

Tương tự như vậy, theo Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên: “Số liệu thống kê cho thấy, hàng năm, số doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” xấp xỉ 70-75% số “đăng ký thành lập”. Đây là một tỷ lệ không bình thường, cho thấy “tuổi thọ” của doanh nghiệp không cao và cũng có nghĩa là cơ sở tăng trưởng cho những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, từ góc độ doanh nghiệp Việt, bị suy giảm mạnh và khó được “bù đắp” kịp thời bằng số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập”.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều nên chính sách tài khóa cần đặt lên đầu, đồng thời, cần "tinh chỉnh" các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện hành. Nhưng để thực hiện chính sách tài khóa thì không nên dựa vào thực hiện các chính sách về thuế, phí, mà thay vào đó, cần tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, nhu cầu xã hội, tăng cường thực thi chính sách; giải quyết các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công…

Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) mới công bố kết quả khảo sát và lấy ý kiến của các hội ngành nghề về tinh hình của doanh nghiệp trong tháng 6-2023. Qua đó cho thấy sức mua thị trường nội địa sụt giảm 10%- 20% do tiêu dùng giảm. Nhiều doanh nghiệp đã tăng cường khuyến mãi, hạ giá bán nhưng vẫn chưa hiệu quả. Hoạt động kết nối doanh nghiệp - ngân hàng có phát huy tác dụng, nhưng còn hạn chế; lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục chờ giảm lãi suất hơn nữa. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ chưa được hấp thụ như kỳ vọng, ngân hàng thương mại đòi hỏi các tiêu chí, như hoạt động có lãi, sổ sách rõ ràng, minh bạch, không bị nợ xấu,..., nên chỉ những doanh nghiệp có nền tảng tốt, không thuộc diện cơ cấu nợ mới đáp ứng được nhu cầu vay. Ngân hàng Nhà nước vẫn cần quan tâm nghiên cứu và tìm mọi cách điều hành chính sách lãi suất hợp lý, trên cơ sở bảo đảm lãi suất bình quân, lợi nhuận của nền kinh tế, an toàn cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ được doanh nghiệp, và rộng hơn là bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Cần tháo gỡ các “điểm nghẽn”

Từ góc độ cơ chế chính sách, để có thể đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; trong đó cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò là lực lượng tiên phong, nòng cốt, quan trọng để thực thiện thành công các mục tiêu đề ra. Do đó, việc tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước phát triển vươn lên mạnh mẽ vẫn là một yếu tố quan trọng hiện nay.

Một thực tế hiện nay là các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp chưa đạt được hiệu quả mong muốn của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Khó khăn của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện như kỳ vọng. Nguyên nhân của thực trạng này thì có nhiều. Nhưng từ góc độ doanh nghiệp thì có thể thấy một số nguyên nhân sau:  Các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn một số loại thủ tục hành chính chưa được cải thiện, cộng với sự thiếu rõ ràng trong một số quy định của pháp luật và tâm lý sợ sai của cơ quan quản lý và cán bộ công chức, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đơn cử như trong thực hiện thủ tục dự án đầu tư, vấn đề hoàn thuế vào thời điểm này là rất khó, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; Hay như việc thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm các phương tiện cơ giới... cũng gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Để các chính sách đến được doanh nghiệp, điểm quan trọng là phải cải cách, xử lý minh bạch về đối tượng, cũng như đơn giản hóa thủ tục, quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ.

 Để tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền vẫn còn nhiều việc phải làm. Trước mắt, cần hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp tìm lại đơn hàng, tham gia hội chợ, triển lãm, đi xúc tiến thương mại sang các thị trường mới, ngách, hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ... Tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng để doanh nghiệp có vốn kinh doanh và trả lương cho người lao động. Tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp được tham gia chương trình kích cầu, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, hỗ trợ giải quyết hàng tồn kho. Đồng thời, tập trung tháo gỡ ngay những thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh và phục hồi kinh tế…

 Một thực tế khác nữa là, hiện nay nhu cầu về hỗ trợ pháp lý, nâng cao năng lực pháp lý và giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng cao. Nhưng ở nước ta chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên doanh nghiệp không đủ nguồn lực đầu tư cho nhân lực có kiến thức, trình độ và kỹ năng liên quan đến các vấn đề pháp lý.  Trong khi đó, pháp luật ngày càng có vai trò quan trọng, là một yếu tố quyết định thành - bại của các doanh nghiệp trên thương trường. Đây cũng là một nhu cầu cần được quan tâm hỗ trợ mà không nên đòi hỏi những điều kiện vượt quá khả năng của doanh nghiệp.

Để các quy định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự đi vào thực tế, phát huy hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý, hệ thống quy phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hoàn thiện đầy đủ, cùng với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả, bổ sung nguồn lực. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP theo hướng coi doanh nghiệp nhỏ và vừa là trung tâm chủ động trong việc yêu cầu hỗ trợ pháp lý cho mình.

Có thể nói, để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước được dễ dàng, thuận lợi hơn thì chính sách thuế, chính sách ưu đãi phải rõ ràng, nhất quán và dễ thực hiện. Ở tầm lớn hơn, vấn đề mấu chốt của kinh tế hiện nay chính là cần có các giải pháp phù hợp và nhằm quyết liệt nhằm giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển./.

ThS Phạm Hùng Nam

...