05/11/2024 lúc 21:45 (GMT+7)
Breaking News

Hoạt động của 580 tổ chức khoa học và công nghệ - sau một năm nhìn lại

Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có 580 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và công nghệ và Nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của LHHVN

Thực hiện vai trò quản lý, LHHVN cũng đã hoàn thiện quy trình để kiện toàn lại tổ chức bộ máy lãnh đạo của nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tăng vốn điều lệ, hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký lại giấy đăng ký hoạt động KH&CN để trình Bộ KH&CN xem xét cấp. Theo số liệu thống kê, từ 01/1/2023-15/12/2023, LHHVN đã tiến hành kiện toàn bộ máy lãnh đạo cho 151 tổ chức KH&CN trực thuộc.

Cũng trong năm qua, LHHVN đã quan tâm triển khai công tác chỉ đạo, định hướng để hỗ trợ về tổ chức và hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc. LHHVN mở các khoá đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ của các tổ chức KH&CN trực thuộc; tổ chức các hội thảo, hội nghị tập huấn hướng dẫn hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến viện trợ, kỹ thuật viết tin bài truyền thông, thực hiện chế độ bảo hiểm, thuế; gửi văn bản đến các cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ hoạt động của các đơn vị; bố trí cán bộ của một số đơn vị tham gia các đoàn công tác nước ngoài của LHHVN; khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền cao hơn khen thưởng các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ hoặc nhân các dịp kỷ niệm ngày thành lập.

Ngoài ra, trong năm 2023 LHHVN có đại diện tham dự các đoàn kiểm tra do Bộ KH&CN tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về KH&CN đối với các tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN. Qua kết quả kiểm tra, Bộ KH&CN và LHHVN tìm hiểu những khó khăn của các tổ chức KH&CN để cùng tháo gỡ hoặc kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở các tổ chức KH&CN hoàn thiện về công tác nhân sự, hoạt động, trụ sở, giấy đăng ký hoạt động KH&CN...theo đúng quy định tại Nghị định, Thông tư.

Bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo chung về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý các tổ chức KH&CN trực thuộc luôn được Thường trực Đoàn Chủ tịch LHHVN đã quan tâm, tìm biện pháp quản lý thông qua việc thực hiện điều lệ của tổ chức đã được phê duyệt, Giấy đăng ký hoạt động KH&CN và các quy định khác theo quy chế. LHHVN cũng ban hành một số công văn nhắc nhở, yêu cầu các tổ chức KH&CN thực hiện các quy định của nhà nước và của LHHVN.

Đoàn Chủ tịch đã ban hành hàng trăm văn bản liên quan đến các tổ chức KH&CN như các văn bản gửi bộ/ngành đề nghị hỗ trợ hoặc giải quyết sự vụ, các quyết định về về đề tài, dự án và quyết định liên quan đến việc tiếp nhận tài trợ của các tổ chức nước ngoài cho các tổ chức thuộc hệ thống LHHVN.

LHHVN đã ký kết văn bản hợp tác với một số bộ, ngành (Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban KHCN&MT, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Tổng cục Lâm nghiệp,…) tạo điều kiện thuận lợi để nhiều tổ chức KH&CN kết nối, hợp tác với các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội triển khai các hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, hoạt động vận động chính sách. Thông qua sự hỗ trợ, cầu nối của LHHVN với các cơ quan, nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN đã có nhiều hoạt động phối hợp và trở thành những đối tác thường xuyên của các cơ quan Quốc hội và Bộ/ngành trong quá trình tham vấn chính sách.

LHHVN đã triển khai một số dự án lớn, thu hút được sự tham gia phối hợp của nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc (Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, dự án Rosa Luxembourg,…), tạo tiền đề để các tổ chức này tăng cường năng lực, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế.

LHHVN đang tiến hành rà soát, cập nhật thông tin để hoàn chỉnh phần mềm quản lý các tổ chức KH&CN, các công cụ hướng dẫn hoạt động và xuất bản cuốn Danh bạ điện thoại các tổ chức KH&CN trực thuộc.

Mặc dù đã triển khai được nhiều việc, tuy nhiên công tác quản lý, hỗ trợ của LHHVN đối với các tổ chức KH&CN trong thời gian qua còn có những hạn chế nhất định, chưa thực sự hiệu quả, việc định hướng, giám sát, kiểm tra hoạt động đối với các tổ chức KH&CN trực thuộc còn ít và chưa có kế hoạch cụ thể; việc phê duyệt dự án tiếp nhận viện trợ nước ngoài còn bị kéo dài; công tác lưu trữ hồ sơ, cập nhật địa chỉ và thông tin của các tổ chức chưa được thường xuyên; việc quản lý các viện có các tạp chí còn nhiều phức tạp; công tác giải thể tổ chức KH&CN còn gặp nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, đồng thời với mong muốn tạo ra một môi trường lành mạnh cho các nhà khoa học hoạt động, Thường trực Đoàn chủ tịch LHHVN đã chỉ đạo sửa đổi các quy định về thành lập tổ chức KH&CN theo hướng nâng cao tiêu chuẩn thành lập các tổ chức KH&CN trực thuộc, gắn trách nhiệm của các nhân sự chủ chốt của các viện nghiên cứu vào tạp chí trực thuộc viện, tăng các nội dung về đình chỉ, giải thể tổ chức hoạt động không đúng quy định, vi phạm pháp luật, điều lệ tổ chức với mục tiêu cao nhất là tạo ra một môi trường lành mạnh cho các trí thức, nhà khoa học làm việc, cống hiến.

tm-img-alt

Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết hoạt động của các tổ chức KH &CN do LHHVN tổ chức - tháng 12/2023

Trong bối cảnh mới, nhiều quy định của Đảng và Nhà nước đã được ban hành, Ban Hợp tác quốc tế (LHHVN) đã tham mưu cho Đảng đoàn, Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam về nhiều nội dung liên quan đến đối ngoại nhân dân cũng như công tác tiếp nhận viện trợ của các tổ chức KH&CN.

Trong năm qua LHHVN tiếp tục quán triệt triển khai Chỉ thị số 12 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; Kết luận số 12 của Bộ Chính trị năm 2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới tại các cuộc Hội nghị Hội đồng Trung ương, Hội nghị giao ban các Liên hiệp Hội địa phương LHHVN. Các nội dung được quán triệt tới các hội thành viên, tổ chức trực thuộc tại các cuộc hội thảo chuyên đề về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của LHHVN.

LHHVN đã ban hành nghị quyết số 216-NQ/ĐĐLHHVN ngày 20/9/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đoàn đối với hoạt động đối ngoại nhân dân của LHHVN, nhằm cụ thể hóa biện pháp lãnh đạo chỉ đạo của Đảng đoàn trong việc thực hiện Chỉ thị 12. Nghị quyết đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đoàn, Đảng ủy và các cấp ủy, đề cao trách nhiệm của Đoàn Chủ tịch, Hội đồng Trung ương, Ủy ban Kiểm tra LHHVN và Cơ quan trung ương LHHVN trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của toàn hệ thống LHHVN, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.

Để hướng dẫn các tổ chức KH&CN thực hiện tốt hoạt động tiếp nhận viện trợ, LHHVN đã ban hành Quy chế về quản lý viện trợ  và Hướng dẫn Quy trình thẩm định, phê duyệt, quản lý dự án viện trợ nước ngoài không hoàn lại của LHHVN.

Số dự án viện trợ của các tổ chức KH&CN năm 2023 đạt được như sau: Dự án được LHHVN phê duyệt: 08 dự án; Dự án không được phê duyệt: 22 dự án; Hợp đồng dịch vụ: 7 hợp đồng.

Những kết quả đạt được

Năm 2023 là một năm đặc biệt khó khăn với các tổ chức KH&CN nói chung và với các tổ chức trực thuộc LHHVN nói riêng. Mặc dù vậy, một số tổ chức vẫn nỗ lực trong các hoạt động nghiên cứu và có các sản phẩm được công nhận, ghi nhận hoặc thông qua các bài báo được đăng tải. Một số tổ chức KH&CN tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học lớn, thu hút được nhiều nhà khoa học tham gia.

Thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, dự án phát triển KH&CN và các dịch vụ KH&CN:

Với chức năng nhiệm vụ được giao, các tổ chức KH&CN trực thuộc rất chủ động tìm kiếm các nguồn kinh phí viện trợ trong nước và ngoài nước khác từ nguồn ngân sách Nhà nước, từ doanh nghiệp, tổ chức để xã hội hóa các hoạt động nghiên cứu và xây dựng các mô hình chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Trong năm qua, hàng trăm nhiệm vụ, hợp đồng đã được triển khai, trong đó phần lớn là các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, đặc biệt là các mô hình phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi gắn với phát triển bền vững. Một số tổ chức KH&CN năm 2023 đã đạt được kết quả qua nghiên cứu khoa học tiêu biểu như: Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa gan mật ; Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ Hóa Sinh ; Viện Nấm và Công nghệ sinh học ; Viện nghiên cứu, Đào tạo  và Tư vấn khoa học công nghệ (ITC) ; Viện Khoa học công nghệ Cơ khí, Tự động hoá và Môi trường (IMAEST) ; Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Tế bào Mescells; Trung tâm Phát triển cộng đồng sinh thái (ECODE) ….

tm-img-alt

Hoạt động của Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa gan mật 

Dịch vụ KH&CN:

Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua việc đấu thầu các đề tài, dự án nguồn NSNN, nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN cũng chủ động đấu thầu để thực hiện các hợp đồng dịch vụ KH&CN trong nước và quốc tế hoặc thông qua các dự án viện trợ nước ngoài. Các hợp đồng dịch vụ KH&CN hoặc dự án viện trợ này có quy mô từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng và trải ra nhiều lĩnh vực và các đối tác, địa phương và nguồn kinh phí khác nhau.

Bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, ứng phó BĐKH, bảo tồn đa dạng sinh học:

Bảo vệ môi trường (BVMT), bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và ứng phó BĐKH là các lĩnh vực mà LHHVN và các tổ chức trực thuộc đặc biệt quan tâm và triển khai nhiều hoạt động rất có hiệu quả. Nhiều tổ chức trực thuộc bên cạnh các hoạt động góp ý, tư vấn chính sách về BVMT, ĐDSH, ứng phó BĐKH còn rất tích cực tham gia vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng hoặc trực tiếp xây dựng mô hình, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho người dân, trực tiếp thực hiện nhiều dự án BVMT, bảo tồn động vật, thực vật; trực tiếp tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông về môi trường với hàng ngàn pano, áp phích, băng rôn; xây dựng và triển khai hàng trăm mô hình BVMT, ứng phó với BĐKH, bảo tồn và khai thác tài nguyên thiên nhiên có sự tham gia của cộng đồng; xây dựng nhiều mô hình bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên nước, mô hình về năng lượng sạch…

Một số tổ chức trực thuộc LHHVN có nhiều hoạt động thiết thực, rất có uy tín trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, ứng phó BĐKH, bảo tồn đa dạng sinh học được và các đối tác trong nước và quốc tế rất quan tâm, hỗ trợ như Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt, Trung tâm con người và thiên nhiên, Trung tâm giáo dục thiên nhiên, Trung tâm phát triển nông thôn bền vững, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên GAIA, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam,...Trong năm qua, các tổ chức này đã trực tiếp thực hiện nhiều hoạt động như xây dựng mô hình, truyền thông góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội

Giáo dục, đào tạo, dạy nghề:

Trong lĩnh vực GD&ĐT, các Liên hiệp hội địa phương, hội ngành thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc đã chủ động khai thác các nguồn lực để tổ chức hàng trăm khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các hội viên; tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng; tham gia xã hội hóa công tác đào tạo, dạy nghề, nâng cao năng lực cho trẻ em, thanh thiếu niên, người yếu thế, người nông dân. Hình thức tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực khá phong phú: tự nghiên cứu, thiết kế chương trình và trực tiếp tuyển sinh; liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo-dạy nghề của cơ quan nhà nước, trong đó có những đơn vị rất có uy tín, đào tạo tiếng Anh, tin học miễn phí, các kỹ năng mềm cho trẻ em.

Phát triển cộng đồng, phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, bình đẳng xã hội…:

Hiện nay, phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, đang ngày càng tham gia sâu vào mọi hoạt động trong cộng đồng, ngoài ra trong xã hội vẫn còn có sự phân biệt đối xử với những nhóm yếu thế, chính vì vậy trong hệ thống LHHVN có một số tổ chức KH&CN coi những đối tượng này là chủ thể của quá trình nghiên cứu, đồng thời cũng thực hiện một số hoạt động dự án như hỗ trợ, tư vấn, thúc đẩy bình đẳng giới, bình đẳng cho nhóm yếu thế như là những tổ chức phi chính phủ. Bên cạnh những hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ thúc đẩy bình đẳng giới, bình đẳng xã hội, trong thời gian qua các tổ chức này đã có nhiều hoạt động rất thiết thực, hiệu quả thông qua các mô hình, tập huấn, nâng cao năng lực cho nhóm người yếu thế.

Tham gia chăm sóc sức khỏe cộng đồng:

Trong hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, các hội ngành thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc đã phối hợp với các cơ quan y tế tổ chức thăm khám, can thiệp hoặc hỗ trợ cho các bệnh nhân, đặc biệt tập trung vào các bệnh xã hội; nghiên cứu, triển khai các dự án về sức khỏe sinh sản; tổ chức tư vấn và thực hiện sàng lọc hoặc dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Một số tổ chức đã trực tiếp thăm khám và tư vấn hoặc hỗ trợ chữa bệnh hoặc can thiệp hỗ trợ dịch vụ.

Tham gia vào các công đoạn xây dựng chính sách:

Trong thực tế, các tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN cũng tham gia nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng chính sách, trong đó có đóng góp ý kiến, đề xuất sáng kiến đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng có thể dùng với nhiều cụm từ khác nhau như “tư vấn chính sách”, “góp ý chính sách”, “phản biện xã hội”. Bên cạnh một số đơn vị có năng lực nghiên cứu sâu về chính sách được các nhà khoa học công nhận, có những hoạt động nghiên cứu, đánh giá bài bản để đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp với thực tế thì phần lớn các tổ chức trực thuộc LHHVN chủ yếu trực tiếp đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản sau khi cơ quan quản lý nhà nước đã có dự thảo.

Có thể nói đây là hoạt động thể hiện rõ nhất vai trò của các trí thức trong hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN. Trong thời gian vừa qua, với sự nhiệt tình, tâm huyết của các trí thức đang hoạt động tại các tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN, nhiều kết quả nghiên cứu, luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách đã được các tổ chức này đưa ra và kiến nghị lên Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ/ngành trong quá trình xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị định chương trình, đề án.

tm-img-alt

Hội thảo tìm giải pháp xã hội hóa và huy động các nguồn lực bên ngoài có thể đóng góp vào các giải pháp môi trường do LHHVN tổ chức 6/2023

Những con số đáng ghi nhận

Tính đến 15/12/2023, trong năm qua các tổ chức KH&CN đã huy động kinh phí hoạt động là 1.244 tỷ đồng; Tổng thuế nộp NSNN: 154 tỷ đồng.

Hoạt động nghiên cứu, đề tài, dự án và các thành tích được ghi nhận, các hợp đồng dịch vụ KH&CN và dịch vụ khác: 21 Bằng sáng chế độc quyền được cấp;  17 Bằng giải pháp hữu ích độc quyền được cấp; 195 Bài báo đã được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế; 675 Bài báo đã được đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước; 681 Số lượng đề tài, dự án, chương trình; 1222 Số lượng hợp đồng dịch vụ, dịch vụ KH&CN thực hiện.

Hoạt động bảo vệ môi trường, năng lượng: 122 mô hình bảo vệ môi trường; 83 mô hình ứng phó BĐKH, thiên tai; 14 mô hình bảo tồn và khai thác tài nguyên nước, tài nguyên biển; 144 tờ rơi, pano, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền; 12 công trình về năng lượng (thủy điện, điện mặt trời, điện gió…) đã được đơn vị tư vấn/thiết kế, triển khai…

Hoạt động Bảo tồn đa dạng sinh học: 139 mô hình bảo tồn động vật; 55 mô hình bảo tồn thực vật; 45 chiến dịch truyền thông nhằm bảo tồn Đa dạng sinh học được đơn vị trực tiếp triển khai; Ước tính có 2993 tờ rơi, pano, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền.

Hoạt động tiêu chuẩn, chứng nhận chất lượng: 3807 giấy chứng nhận chất lượng đã cấp;  280 hợp đồng tư vấn về tiêu chuẩn;  1977 hợp đồng tư vấn/đào tạo và cấp chứng nhận về ISO:

Đào tạo, dạy nghề, nâng cao kỹ năng: 8884 thanh niên được dạy nghề: 8.884; 90431 trẻ em, thanh thiếu niên được đào tạo tiếng Anh, Tin học và kỹ năng mềm khác.

Xóa đói giảm nghèo: 124 mô hình đã triển khai; 12618 người dân được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực.

Hoạt động chăm sóc sức khỏe: 262532 lượt người được thăm/khám và tư vấn chữa bệnh; 941550 bệnh nhân được can thiệp/hỗ trợ dịch vụ/thuốc.

Hoạt động bình đẳng xã hội, bình đẳng giới: 54591 người được tư vấn, can thiệp, giúp đỡ; 359  lớp tập huấn các kỹ năng;  549 đợt truyền thông nâng cao nhận thức.

Tư vấn, góp ý chính sách: 83 lượt góp ý, tư vấn các dự thảo luật; 36 lượt góp ý, tư vấn các dự thảo nghị định; 41 lượt góp ý, tư vấn các dự thảo thông tư.

tm-img-alt

Phó TTK, Trưởng ban Ban KH,CN&MT – LHHVN Lê Công Lương phát biểu tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (Sửa đổi) - 6/2023

Thuận lợi, bất cập, khó khăn

Việc đẩy nhanh quá trình tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập sẽ phần nào thu hút trí thức KH&CN, đặc biệt là các trí thức KH&CN trẻ về hoạt động tại các tổ chức KH&CN ngoài công lập.

Các tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN có đội ngũ nhân sự là các nhà khoa học, có trình độ chuyên môn cao, nhiệt tình, giàu kinh nghiệm nên rất thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng như ứng dụng các kiến thức, tri thức KH&CN trong BVMT, ứng phó BĐKH, PTBV, bảo tồn ĐDSH, xóa đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng, phát triển nông nghiệp bền vững, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tham gia vào các công đoạn xây dựng chính sách. Nhiều đơn vị có đội ngũ nhân lực đã có thâm niên làm việc trong môi trường quốc tế, vì vậy họ có kinh nghiệm và năng lực để thực hiện, quản lý dự án; lãnh đạo và nhân viên đoàn kết, nỗ lực vượt qua những khó khăn trong quá trình hoạt động; có đội ngũ nhân viên trẻ, năng động, nhiệt huyết và đã tạo dựng được uy tín với các nhà tài trợ trong nước và quốc tế; tạo dựng được giá trị riêng và khác biệt; có đội ngũ khoa học phù hợp, nhiệt tình, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động; có sự tin cậy của đối tác và đồng nghiệp ở các đơn vị ngoài.

Mô hình tổ chức và quản trị của nhiều tổ chức KH&CN về cơ bản gọn nhẹ, linh hoạt và tương đối đầy đủ như quy chế quản lý, tuyển dụng, quản lý và sử dụng tài chính và tài sản, đánh giá nhân viên định kỳ.

 Hoạt động của các tổ chức trực thuộc LHHVN trong thời gian qua là có hiệu quả nên đã thu hút được sự hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân, chuyên gia có kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực khác nhau làm việc và hỗ trợ các công việc của tổ chức.

Cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước hiện nay đã có nhiều thay đổi tích cực và có nhiều khuyến khích phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ nói chung.

Cơ quan chủ quản là LHHVN luôn đồng hành, hỗ trợ và đánh giá cao những đóng góp của các tổ chức KH&CN đối với sự phát triển của LHHVN và sự phát triển KT-XH của đất nước.

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế nói chung gặp nhiều khó khăn nên có tác động rất lớn đến việc tìm kiếm các nguồn tài chính phục vụ hoạt động của các tổ chức KH&CN. Qua báo cáo của các tổ chức, phần lớn nguồn tài chính đều suy giảm so với năm 2022.

Năm 2023 là một năm khó khăn chung với các tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN, trong đó đặc biệt là các tổ chức có các hoạt động liên quan đến phê duyệt viện trợ nước ngoài. Một số tổ chức KH&CN còn chưa nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật, các quy định của LHHVN như chưa nghiêm túc thực hiện quy đinh pháp luật về lao động: Chưa tìm hiểu kỹ về các quy định liên quan đến thi đua, khen thưởng: Nhiều tổ chức KH&CN ký tặng Bằng khen của Viện/Trung tâm, điều này là trái với quy định của Luật thi đua, khen thưởng. Vẫn còn tình trạng tổ chức KH&CN tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và trao chứng chỉ sau các khóa bồi dưỡng chưa đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Một số tổ chức KH&CN có tình trạng “mượn danh” cơ quan khác khi tổ chức hội thảo, sự kiện khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản. Lãnh đạo tổ chức KH&CN chưa hiểu kỹ về quyền, trách nhiệm của mình tại tổ chức. Có nhiều tổ chức KH&CN có Viện trưởng/Giám đốc ký các văn bản liên kết/hợp tác nhưng chưa thông qua HĐQL hoặc có sự nhầm lẫn thẩm quyền giữa Chủ tịch HĐQL và Viện trưởng/Giám đốc. Một số tổ chức KH&CN chưa thực hiện nghiêm túc quy định về tiếp nhận viện trợ, đặc biệt là ở khâu báo cáo tài chính và quyết toán hoàn thành dự án theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý tài chính viện trợ.

Tiềm lực của một số tổ chức KH &CN, nhất là tiềm lực KH&CN còn khá mỏng, rất ít tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN tự đầu tư được các phòng thí nghiệm.  Nhân sự của tổ chức KH&CN có sự biến động rất mạnh, thiếu sự ổn định về nhân sự dẫn đến triển khai công việc cũng còn khó khăn.

Lời kết

Để nâng cao nguồn lực khoa học và công nghệ, cần thúc đẩy hơn nữa việc xã hội hóa các hoạt động, dịch vụ trong ngành khoa học và công nghệ. Trong đó, việc khuyến khích, tạo điều kiện để thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ, tháo gỡ các thủ tục hạch toán, quản lý phân biệt để tất cả đều được hưởng ưu đãi như nhau. Có như vậy mới tạo được sự quan tâm của các tầng lớp của xã hội trong việc thành lập và cung cấp các dịch vụ về khoa học và công nghệ. Điều này cần sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc để khoa học và công nghệ Việt Nam phát triển theo đúng tinh thần của văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra./.      

112 tổ chức KH&CN bị giải thể

Các tổ chức KH&CN trực thuộcLHHVN đều là các tổ chức tự chủ, tự trang trải, không có hỗ trợ ban đầu từ nhà nước cho tiềm lực nên bên cạnh các tổ chức KH&CN có hoạt động ổn định hoặc phát triển tốt, không tránh khỏi cómột sốtổ chức gặp nhiều khó khăn,hoạt độngyếu kém.

Từ cuối năm 2021 đến nay, LHHVN đã tăng cường rà soát, lập danh sáchtheo dõicác tổ chức KH&CN hoạt động yếu kém, không còn đáp ứng được yêu cầu hoạt động đểtiến hành cácthủ tục giải thể, không để tồn tại các tổ chức yếu, không còn hoạt động.  LHHVN đã chủ động phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức kiểm tra tại một số tổ chức, ban hành quyết định giải thể nhiều tổ chức KH&CN trong 3 năm (2021 – 2023). Trong giai đoạn 2014-2023, Liên hiệp Hội Việt Nam đã giải thể 112 tổ chức KH&CN.

... Theo vusta.vn