VNHN - Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt (RTSH) trên địa bàn tỉnh Hải Dương ngày càng gia tăng, dẫn đến hầu hết các bãi chôn lấp đều trong tình trạng quá tải, điều này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và tạo thành áp lực với chính quyền các địa phương.
Nỗi khổ người dân
Hiện nay, tổng lượng RTSH trên địa bàn tỉnh Hải Dương khoảng 900 tấn/ngày đêm, trong đó, khu vực nông thôn khoảng 592 tấn/ngày đêm, tuy nhiên tỷ lệ thu gom, xử lý tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 75%, phương pháp xử lý mới chỉ là thu gom, chôn lấp tại các bãi chôn lấp tập trung. RTSH khu vực nông thôn chủ yếu là rác hữu cơ (chiếm 67%), rác thải có thể tái chế gồm giấy, bìa các loại, túi nilon, nhựa, thủy tinh, kim loại... chiếm khoảng 26% tổng khối lượng. Rác thải không thể tái chế, tái sử dụng gồm cát, sỏi, xỉ than, phế thải xây dựng chiếm khoảng 7%. Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 835 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 179 bãi chôn lấp hợp vệ sinh được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng, 46 điểm chôn lấp tự phát, nhiều bãi chôn lấp rác thải tập trung đã đầy và trở thành điểm ONMT lớn.
Trên địa bàn tỉnh còn nhiều bãi rác có quy mô, diện tích nhỏ từ vài chục đến vài trăm m2, phần lớn là tận dụng các vùng ruộng trũng, ao, hồ. Bên cạnh đó, rác không được phân loại, bãi rác không lót đáy, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác, không xây dựng tường bao ngăn cách, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân. Như tại huyện Thanh Miện, một số xã có lượng rác phát sinh lớn như Đoàn Tùng, Hồng Quang, Ngô Quyền, Lê Hồng, Tứ Cường, Ngũ Hùng… cũng mới chỉ được chôn lấp tạm thời tại các bãi chôn lấp rác thải tập trung. Mặc dù nhiều bãi chôn lấp đã quá tải nhưng việc bố trí quỹ đất, kinh phí xây dựng bãi chôn lấp mới rất khó thực hiện. Tương tự như vậy, trên địa bàn 1 số huyện khác như huyện Ninh Giang, Kinh Môn, hầu hết các bãi chôn lấp rác đều không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường, tỷ lệ lấp đầy đã đạt trung bình khoảng 80%, lượng rác thu gom chỉ được xử lý bằng cách chôn lấp.
Bãi xử lý rác tại thị trấn Thanh Hà đang quá tải và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống các hộ dân xung quanh
Huyện Thanh Hà cũng là 1 trong những địa phương đang nhức nhối về vấn đề xử lý RTSH. Dọc trên tuyến đường đê thuộc địa bàn xã Hồng Lạc, rác thải bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển không được dọn dẹp, quá trình đốt rác tại đây cũng gây ảnh hưởng tới những hộ dân xung quanh. Trao đổi với PV, ông Phạm Phùng Hân, đang sinh sống tại xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà cho biết: “Hiện nay, bãi rác thải tập trung đang được đặt gần nơi tôi đang sinh sống, mùi hôi thối của rác thải và khói khi đốt rác đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của các hộ dân xung quanh nơi đây, chúng tôi rất mong các cấp chính quyền sớm có phương án di dời bãi rác tập trung này sang vị trí khác phù hợp hơn”.
Bãi chôn lấp, xử lý rác tại xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà
Xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng hiện có gần 14.000 dân, lượng RTSH phát sinh là 12 tấn/ngày đêm, trên địa bàn xã lại có KCN Tân Trường và nhiều doanh nghiệp khác, điều này dẫn đến việc quản lý trong công tác xử lý RTSH tại đây gặp nhiều khó khăn. Rác ở đây cũng đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp và đốt làm những hộ lân cận không khỏi bức xúc. Trao đổi với PV, Ông Vũ Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng cho biết: “Hiện nay chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải. Mặc dù đã ký hợp đồng xử lý rác thải với công ty Tình Thương, tuy nhiên lượng rác thải phát sinh trên địa bàn lớn nên mỗi thôn trên địa bàn xã vẫn đều phải có hố chôn lấp. Chúng tôi xác định đây chỉ là phương pháp tạm thời do có nhiều bất cập như tốn diện tích đất và việc chôn lấp sẽ làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm gây ONMT… ”
Bất cập trong quản lý
Hiện nay công tác quản lý môi trường nông thôn còn nhiều bất cập như chưa rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong quản lý. Hoặc do trách nhiệm của các đơn vị quản lý và hiệu quả thực thi các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa cao. Đặc biệt là trách nhiệm của đơn vị quản lý trực tiếp ở khu vực nông thôn là UBND cấp xã. Nguyên nhân quan trọng là do những khó khăn về chỉ đạo, điều hành từ cấp cao hơn, về kinh phí, quỹ đất để quy hoạch các công trình bảo vệ môi trường, về nhân lực để thực hiện khâu tổ chức, kiểm tra, giám sát và các chế độ đối với cán bộ môi trường... hầu như còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, vấn đề nhân lực và năng lực quản lý, thực thi của các đơn vị, đặc biệt ở cấp địa phương vẫn tiếp tục là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay. Với số lượng cán bộ hạn chế ở các đơn vị quản lý, ở cấp xã, cán bộ môi trường hầu hết là kiêm nhiệm, chưa được quan tâm trong đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyên môn nên khó phát huy được hiệu quả công tác.
Lựa chọn giải pháp
Trong suốt thời gian dài, tỉnh Hải Dương vẫn loay hoay với bài toán xử lý RTSH, các giải pháp được đưa ra nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Đến nay, phần lớn bãi rác ở các xã, thị trấn đều quá tải, trở thành điểm gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn mô hình "Nhà máy đốt rác kết hợp phát điện", đây là phương án rẻ và khá hiệu quả. Ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác là giảm được 90 - 95% thể tích và khối lượng chất thải, tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi... Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo các nước phải chọn được công nghệ hiện đại nhất, phù hợp nhất, tránh tình trạng chính các nhà máy đốt rác lại gây ô nhiễm môi trường khiến người dân phản đối.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã cấp phép cho một số dự án đốt rác để phát điện như ở Cần Thơ, Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa. Trước yêu cầu của thực tiễn, qua một thời gian khảo sát, đánh giá và được các sở, ngành chuyên môn cấp tỉnh kiểm tra, thẩm định, UBND tỉnh thống nhất phê duyệt quy hoạch xây dựng Dự án Nhà máy xử lý RTSH phát điện Lương Điền theo công nghệ tiên tiến của châu Âu, bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam.